Những người thầy trên thao trường huấn luyện
Chúng tôi đến Trường Quân sự Quân đoàn 2 đúng lúc đang diễn ra buổi huấn luyện chiến thuật bộ binh với đề mục tiểu đội tiến công địch phòng ngự. Dù rất căng thẳng, mồ hôi toát ra đầm đìa nhưng các học viên vẫn chăm chú dõi mắt theo hành động của thầy giáo. Thầy làm đi làm lại các động tác để truyền đạt, giúp học viên thực hành một cách chính xác, thuần thục nhất.
![]() |
Trung tá Phạm Thanh Tuyền (bên trái) hướng dẫn sử dụng "Thiết bị tạo giả huấn luyện kỹ, chiến thuật". |
Vừa hoàn thành nội dung chiếm lĩnh trận địa thì từ phía điểm cao giả định địch phòng ngự vang lên những tiếng súng máy, hỏa lực súng cối, xe tăng, trực thăng vũ trang... Thấy tôi bất ngờ bởi những âm thanh như thật đó, Trung tá Phạm Thanh Tuyền, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật chiến đấu bộ binh (Khoa Binh chủng) tươi cười bảo, đó là “Thiết bị tạo giả huấn luyện kỹ, chiến thuật” do thầy và các đồng nghiệp nghiên cứu mới đưa vào ứng dụng.
Thiết bị còn có thể tạo giả đèn pha địch chiếu quét, đèn nhấp nháy tượng trưng cho ánh lửa phát ra từ đầu nòng súng của địch áp dụng cho học viên lấy đường ngắm ban đêm… Đây là sáng kiến đã đoạt giải C tại hội thi sáng kiến, cải tiến trang thiết bị đào tạo các trường quân sự toàn quân tháng 6 vừa qua.
Trung tá Phạm Thanh Tuyền cho biết thêm, trước đây, phục vụ huấn luyện chiến thuật bộ binh thường phải dùng “mõ quay truyền thống”. Mõ quay chỉ thể hiện được tiếng súng hỏa điểm của địch, trong khi phải sử dụng nhân lực, thời gian chuẩn bị lâu, ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện.
Qua nghiên cứu, tích hợp nhiều nhiệm vụ trong một sáng kiến “Thiết bị tạo giả huấn luyện kỹ, chiến thuật”, giảng viên chỉ cần dùng điều khiển từ xa điều chỉnh các chức năng giả định hành động của địch theo ý định bài giảng.
Binh nhì Nguyễn Thanh Chuẩn, học viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 cho biết: “Thiết bị tạo giả huấn luyện kỹ, chiến thuật đã giúp chúng tôi thực hành nội dung một cách cách trực quan sinh động, sát thực tế, đặc biệt là các bài bắn ban đêm. Đồng thời làm cho học viên hứng thú, tích cực trong luyện tập”.
Tại thao trường huấn luyện pháo binh, vượt qua vất vả nơi thao trường nắng gió, giáo viên cùng các học viên vẫn say sưa với bài tập “Chấp hành khẩu lệnh bắn”. Cả bãi tập như “nóng” lên bởi những động tác dứt khoát, thuần thục và khẩu lệnh dõng dạc của người chỉ huy.
Bằng những thao tác chuẩn xác, cùng sự phối hợp ăn ý giữa các pháo thủ, chỉ trong chớp nhoáng các khẩu đội pháo đã lấy xong phần tử bắn với độ chính xác cao. Binh nhất Nguyễn Văn Hoàng, học viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 tâm sự: “Nhờ sáng kiến “Giá hiệu chỉnh bọt nước, thước góc bắn” của thầy Trần Văn Khánh đã giúp chúng tôi thực hành trong mọi điều kiện thời tiết”.
Vừa chỉ huy đơn vị luyện tập, vừa sâu sát sửa tập cho học viên, Trung tá Trần Văn Khánh, giáo viên Khoa Binh chủng cho biết, để nâng cao chất lượng giảng dạy, bảo đảm sát với thực tế, nhà trường tăng cường thời gian huấn luyện ngoài thao trường, huấn luyện trong điều kiện đêm tối, thời tiết mưa gió, sương mù. Giáo viên có nhiều phương pháp, vừa nói vừa làm hoặc giáo viên hướng dẫn, có người thực hiện động tác mẫu.
Sau một ngày luyện tập, cả thầy, trò Trường Quân sự Quân đoàn 2 đều thấm mệt. Những đôi bàn tay chai sần, nước da đen sạm của các giáo viên đã phần nào cho thấy sự vất vả nơi thao trường.
Theo Đại tá Trần Quang Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, thành công của những người thầy là không chỉ huấn luyện được những học viên giỏi mà còn động viên được tất cả học viên cùng quyết tâm, cố gắng hoàn thành bài học dù khó khăn, vất vả. Thao trường đầy nắng gió, những mệt nhọc có lúc làm học viên lung lay ý chí nhưng với sự nhiệt tình, trách nhiệm của những người thầy sẽ khiến học viên vững tâm, kiên cường hơn với bài học mà độ khó tăng dần đều.
Thời gian tới, Trường Quân sự Quân đoàn 2 tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên. Thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện và chấp hành kỷ luật; coi trọng thực hành, tính tự học, tự giác, diễn tập sát thực tế chiến đấu; nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện giảng dạy, học tập cho đội ngũ giáo viên, học viên; thực hiện tốt các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Bài, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)