Những lỗi sơ đẳng cần tránh để đạt điểm cao môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT
Hiện nay, học sinh thường mắc một số lỗi sơ đẳng khi làm bài thi môn Tiếng Anh như: Đọc lướt những câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu dẫn đến mất điểm ngay ở những câu dễ; không đọc kỹ phần đọc hiểu nên dễ bị nhầm lẫn và chọn sai đáp án. Tìm từ trái nghĩa (OPPOSITE) thường hay nhầm sang loại câu tìm từ đồng nghĩa (CLOSEST)... Để bài thi có thể đạt được kết quả tốt nhất, trước kỳ thi các em cần lưu ý sau:
Trước kỳ thi: Xem lại tổng thể các chủ điểm ngữ pháp thường gặp trong đề thi như: Ngữ âm (xác định trọng âm), ngữ pháp - từ vựng (xác định từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, tìm lỗi sai; câu hỏi đuôi, mạo từ, giới từ, dạng động từ, câu điều kiện, các thì, từ nối, mệnh đề trạng ngữ, từ loại, các dạng so sánh, các loại câu giao tiếp…).
Trong quá trình làm bài thi:
+ Môn Tiếng Anh sẽ có 10 phút để thí sinh đọc đề thi. Lúc này đừng tranh thủ làm luôn mà hãy đọc qua một lượt xem có câu nào mình có thể làm được thì sau khi có hiệu lệnh làm bài hãy tô đáp án.
+ Các câu hỏi trong đề thi sẽ được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó. Vì thế, thí sinh muốn chống liệt nên làm từ trên xuống. Đọc kỹ đề và làm cẩn thận những câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Các em nên gạch chân tất cả những từ “chìa khóa” xuất hiện trong câu, vì đó là một trong những căn cứ quan trọng để tìm ra đáp án chính xác.
+ Đối với các câu kiểm tra kiến thức nên vận dụng hết vốn từ vựng để hiểu và đoán được tình huống, nội dung trong câu đề cập về vấn đề gì. Sau khi những phương án mà đề đưa ra đã thử trong tình huống nếu không hợp lý thì cần lấy bút gạch bỏ đi ngay để từng bước loại trừ, thu hẹp dần khả năng tìm ra đáp án đúng.
Khi làm bài, thí sinh sẽ gặp những câu mơ hồ, không rõ ràng về đáp án. Lúc này hãy dùng phương pháp loại trừ phương án sai để tìm ra câu trả lời đúng. Kỹ thuật gạch bỏ những phương án “nhiễu sóng xa” này cũng có thể áp dụng cho các câu kiểm tra từ vựng, dạng câu tìm từ đồng nghĩa (CLOSEST), tìm từ trái nghĩa (OPPOSITE).
+ Chú ý đánh dấu những câu mình chưa chắc chắn để khi còn thời gian các em sẽ tiếp tục nghiên cứu để chọn được đáp án đúng.
![]() |
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh và học trò (ảnh nhân vật cung cấp). |
Để bảo đảm thời gian 60 phút giải quyết được hết 50 câu hỏi, các em cần chú ý phân phối thời gian làm bài một cách hợp lý. Theo kinh nghiệm của các bạn từng đạt điểm cao môn Tiếng Anh, các em nên chia thời gian cân đối dành 25 phút đầu làm những câu nhận biết và thông hiểu trước (các câu trọng âm, sửa lỗi sai, tìm từ đồng nghĩa-trái nghĩa, viết lại câu...) và 30 phút còn lại để làm phần đọc hiểu (thường là 3 bài).
Chú ý dành khoảng 5 phút còn lại để xem lại những câu chưa chắc chắn và kiểm tra lại các thông tin trên phiếu tô đã chuẩn xác chưa. Ở các câu khó, dù không chắc chắn cũng cần phải chọn tô một đáp án mà cho rằng tin cậy hơn cả, tuyệt đối không bỏ trống bất kỳ câu nào.
Mai Toan (ghi)
Ý kiến bạn đọc (0)