Những "bông hồng thép" môn võ thuật
Đau đớn vẫn không bỏ cuộc
Lớp Vovinam của Trung tâm thường xuyên đông đủ nữ võ sĩ các lứa tuổi luyện tập. Những cú đấm, đá với lực va chạm mạnh liên tục được tung ra khiến người xem thót tim. Tranh thủ lúc giải lao, em Nguyễn Thị Hương (SN 2003), quê ở xã Quang Tiến (Tân Yên) chia sẻ, từ nhỏ em đã đam mê võ thuật, thường xem các võ sĩ thi đấu trên ti vi, các giải võ do huyện tổ chức. Năm 2017, đang học lớp 8, em tham gia câu lạc bộ (CLB) võ thuật cổ truyền huyện. Thấy em có năng khiếu, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh tuyển chọn vào lớp võ Vovinam. "Ban đầu, bố mẹ em dứt khoát không đồng ý, cho rằng con gái không nên học võ vì vất vả, mất đi nữ tính nhưng em thuyết phục bằng được. Đến nay em đã gắn bó với Trung tâm được 5 năm", Hương nói.
Những ngày đầu, Hương nhớ nhà không ngủ được. Thêm vào đó, việc tập luyện rất vất vả với các bài rèn sức mạnh với tạ, đánh đích tốc độ, tấn công đối phương, cùng đó là những cơn đau cơ, xương, bong khớp luôn hành hạ mỗi khi va chạm mạnh. Cô bé từng định bỏ cuộc do cường độ, áp lực luyện tập lớn. Vì đam mê, được cán bộ, huấn luyện viên (HLV) động viên, Hương đã ở lại. Với sự kiên trì, bền bỉ trong tập luyện, từ năm 2019 đến nay, Hương liên tiếp giành Huy chương Đồng (HCĐ) tại các giải vô địch và giải trẻ Vovinam toàn quốc.
![]() |
Buổi tập luyện của các nữ võ sĩ lớp võ Vovinam. |
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh hiện có 5 lớp võ thuật, gồm: Vovinam, boxing, wushu, Judo, Jujutsu với hơn 20 võ sĩ nữ, tuổi từ 12 đến 22. Các em được tuyển chọn từ giải phong trào và CLB võ thuật của các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, TP Bắc Giang. So với các môn thể thao khác, luyện tập, thi đấu võ thuật rất vất vả, chịu nhiều áp lực, đôi khi gặp phải tai nạn, chấn thương khi thi đấu. Vì thế, không ít em tuy được tuyển chọn vào Trung tâm, sau một thời gian phải từ bỏ vì không thể theo tiếp. Đối với các nữ vận động viên (VĐV), để theo đuổi các môn võ phải là những người có sức khỏe tốt, thực sự đam mê, có dũng khí, dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm.
Theo HLV Dương Văn Dư, lớp học do anh phụ trách có 7 VĐV nữ đến từ nhiều huyện. Trong huấn luyện, thi đấu tuy được trang bị bảo hộ song Vovinam là môn đối kháng nên vẫn có thể xảy ra chấn thương như: Bong gân tay, chân, trật khớp, cơ thể bầm tím. Một số môn võ khác, trong thi đấu VĐV có thể bị chảy máu mũi, gãy xương cẳng chân, tay bởi những cú "ra đòn" của đối phương. Mỗi lần bị đau như vậy, VĐV phải nghỉ từ 1-3 tuần điều trị, thậm chí lâu hơn sức khỏe mới phục hồi.
Vào đợt cao điểm huấn luyện để thi đấu, cường độ tập luyện lớn, các em tập 3 ca/ngày (sáng, chiều, tối), kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Những loại thuốc xoa bóp, đồ chườm làm dịu cơn đau do chấn thương luôn ở bên. Có những giải đấu, VĐV phải điều chỉnh chế độ ăn uống, giảm từ 5-7 kg để bảo đảm điều lệ, nội dung thi đấu. Năm nay, lần đầu tiên Trung tâm tuyển lớp võ Jujutsu - đây là môn tổng hợp kỹ thuật của các môn võ Judo, Karate và vật. Hiện lớp năng khiếu có 8 võ sĩ, trong đó 4 nữ. Ngoài quê Bắc Giang còn nhiều em ở tỉnh ngoài. Võ sĩ Hà Thị Ánh Uyên (SN 2001) quê ở tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Môn Jujutsu đòi hỏi vừa có sức mạnh, lại phải mềm dẻo, khéo léo khi kết hợp kỹ thuật đấm, đá, vật, khóa, siết. Ở Trung tâm từ tháng 3/2021, đến nay Uyên đã thi đấu giành HCV Giải cúp các CLB Jujutsu toàn quốc năm 2021 và 2022. Ước mơ của Uyên sau này trở thành HLV môn võ thuật.
Chinh phục đỉnh cao
Ngoài cường độ luyện tập cao, các kỹ thuật, chiến thuật trong thi đấu cũng vô cùng khắt khe, đòi hỏi VĐV phải tập trung cao độ, phán đoán mau lẹ, xử lý dứt điểm từng động tác. Việc di chuyển phải hết sức linh hoạt, những đòn đánh được đưa ra nhanh, chính xác, tạo được bất ngờ. Ở thời điểm khó khăn, nhất là khi thi đấu với đối thủ mạnh, VĐV phải luôn kiên định với chiến thuật của mình, tìm sơ hở của đối phương để tung đòn quyết định. Vất vả là thế song các nữ võ sĩ vẫn đam mê, gắn bó với Trung tâm.
Ông Trương Văn Đức, Trưởng Phòng Huấn luyện thi đấu thể thao 1 (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) cho biết: Thông thường, buổi sáng các em học văn hóa (với những em đang là học sinh), buổi chiều hoặc tối tập luyện, mỗi buổi tập khoảng 2,5 tiếng. Việc quản lý ăn ở, sinh hoạt, huấn luyện được thực hiện nghiêm túc. Các bữa ăn của VĐV đủ chất dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe.
![]() |
Nữ võ sĩ Hà Thị Ánh Uyên, môn Jujutsu tập luyện cùng huấn luyện viên. |
Rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt ấy, mỗi võ sĩ được tôi luyện thêm ý chí, bản lĩnh, nghị lực vươn lên; có tính kỷ luật cao, nhiều trải nghiệm và trưởng thành hơn trong cuộc sống. Nhiều võ sĩ tuổi đời rất trẻ song khả năng tiếp thu kỹ, chiến thuật thi đấu khá tốt, khẳng định bản thân ở nhiều giải đấu lớn. Đơn cử như em Nguyễn Thị Bích Hường (SN 2009), nhà ở TP Bắc Giang, giành HCĐ tại Giải Vô địch trẻ Judo toàn quốc năm 2019, lứa tuổi nhi đồng; năm 2020 giành Huy chương Vàng (HCV), năm 2022 giành HCĐ. Cũng ở giải này năm 2017, em Lê Thị Lan Anh (SN 2006), quê Việt Yên, giành Huy chương Bạc (HCB) khi mới 11 tuổi và nhiều HCĐ ở các giải khác những năm sau đó.
Rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt ấy, mỗi võ sĩ được tôi luyện thêm ý chí, bản lĩnh, nghị lực vươn lên; có tính kỷ luật cao, nhiều trải nghiệm và từng bước trưởng thành hơn trong cuộc sống. Nhiều võ sĩ tuy tuổi đời rất trẻ song khả năng tiếp thu kỹ thuật, chiến thuật thi đấu khá tốt, khẳng định bản thân ở nhiều giải đấu lớn. |
Cũng từ Trung tâm, nhiều nữ VĐV đã được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia, trở thành giáo viên, HLV chuyên nghiệp. Đặc biệt, VĐV Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1998), quê ở huyện Tân Yên đã tạo được tên tuổi trong làng võ wushu Việt Nam và sở hữu bảng thành tích đáng khâm phục khi liên tiếp giành HCV, HCB đối kháng nữ ở các giải trẻ, nhóm lứa tuổi tại SEA Games, châu Á, thế giới. Vài năm gần đây, Bắc Giang được đánh giá có phong trào võ thuật phát triển mạnh, có nhiều nhân tố trẻ triển vọng, trong đó có đóng góp của các VĐV nữ.
Năm 2023 đang đến gần, các nữ võ sĩ lại tiếp tục chuẩn bị hành trang thi đấu ở những giải trong nước, khu vực, điều này đồng nghĩa việc huấn luyện, tập luyện của các HLV, VĐV sẽ tiếp tục vất vả, gian nan. Với niềm đam mê, khát khao cống hiến, những nữ võ sĩ của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách để khẳng định bản thân, thi đấu giành thành tích tốt nhất, thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)