Những bài học kinh nghiệm, giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3
BẮC GIANG - Tại hội nghị tổng kết trực tuyến (3 cấp) công tác ứng phó, khắc phục cơn bão số 3 do UBND tỉnh tổ chức sáng 26/9, nhiều đại biểu tham luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới. Báo Bắc Giang lược ghi một số ý kiến.
Đại tá Nguyễn Đăng Số, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh
Hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, kịp thời xử lý các tình huống
Để kịp thời ứng phó với bão số 3, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ huy tiền phương; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huy động lực lượng, phương tiện cơ động tham gia ứng phó. Bộ CHQS tỉnh cùng với các đơn vị, địa phương đã huy động hơn 32 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh, lực lượng công an, dân quân tự vệ và lực lượng khác; cử hơn 400 lượt phương tiện (ô tô, máy xúc, xuồng máy, máy phát điện…), sử dụng hơn 223 nghìn chiếc áo phao, bao tải, đèn pin, nhà bạt… tham gia công tác phòng, chống lụt bão. Nhờ vậy đã giảm thiểu thiệt hại.
Qua ứng phó với bão số 3, chúng tôi nhận thấy công tác phòng, chống thiên tai phải được chuẩn bị liên tục, từ sớm, từ xa, phòng từ khi chưa có nguy cơ; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn để có biện pháp khắc phục, xử lý hiệu quả ngay từ giờ đầu. Đặc biệt là phải bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho công tác chỉ huy, chỉ đạo trước và trong quá trình ứng phó với mưa bão. Không để bị động, bất ngờ; đưa ra những cảnh báo, dự báo, dự tính, đánh giá sát tình hình, bình tĩnh xử lý trước tình huống nguy hiểm.
![]() |
Đại tá Nguyễn Đăng Số. |
Trong các tình huống khi có cảnh báo, dự báo nguy cơ mất an toàn đến người và tài sản, nhất là việc sơ tán người dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt, sạt lở nguy hiểm, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng phải quyết liệt, dứt khoát, tuyệt đối không để người dân trở lại nhà ở khi chưa bảo đảm an toàn. Tuy vậy, qua thực tế ứng phó với thiên tai đã bộc lộ một số hạn chế. Do vậy, đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh kiểm tra, rà soát, tham mưu bổ sung vật tư, trang thiết bị thiết yếu (nhà bạt, xuồng máy cao tốc...) phục vụ công tác PCTT - TKCN trong thời gian tới. Tổ chức khảo sát lại toàn bộ các tuyến đê, các điểm có nguy cơ cao sạt lở để sớm chỉ đạo, triển khai biện pháp khắc phục ngay sự cố.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải (GTVT)
Chủ động rà soát các vị trí xung yếu, đề xuất giải pháp xử lý
Đến nay, Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, tổng hợp, thống kê xong thiệt hại gửi Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh và Sở Tài chính để cân đối, dự kiến bố trí nguồn vốn thực hiện. Để khẩn trương khắc phục hậu quả của mưa bão, Sở tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Theo đó, trước mắt đẩy nhanh tiến độ để sớm triển khai khắc phục, sửa chữa các vị trí hư hỏng. Đối với quốc lộ, Sở đã trình Cục đường bộ Việt Nam để tổng hợp trình Bộ GTVT ban hành Lệnh xây dựng công trình sửa chữa khẩn cấp.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng. |
Đối với đường tỉnh, Sở tổ chức buổi làm việc với các ngành liên quan để bàn, thống nhất về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện. Dự kiến sẽ triển khai theo 2 dự án (dự án sửa chữa khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường tỉnh; dự án xây dựng khẩn cấp cầu Tà Kang, thay thế ngầm Tà Kang đã bị lũ cuốn trôi trên tuyến đường tỉnh 248, huyện Lục Ngạn). Sở đang kiểm soát, hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Về lâu dài, Sở rà soát các vị trí xung yếu, công trình cầu, ngầm, cống, các đoạn tuyến thường xuyên bị ngập hoặc có nguy cơ sạt trượt cao để tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý, cải tạo, sửa chữa, giảm thiểu thiệt hại; đồng thời xem xét, tính toán kỹ các phương án thiết kế khi thẩm định dự án, thiết kế các công trình, nhất là tại các vị trí nền đường đào sâu, đắp cao hoặc địa hình thấp trũng để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho công trình; chủ động rà soát, nghiên cứu bổ sung các vật tư, trang thiết bị, phương tiện thiết yếu để ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn với các tình huống phát sinh.
Đồng chí Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động
Quan tâm, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ
Sơn Động có địa bàn rộng, địa hình dốc nên khi xuất hiện mưa lớn, lũ trên các sông lên rất nhanh, dòng nước chảy xiết, chia cắt nhiều thôn, xóm. Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, cảnh báo song một bộ phận không nhỏ người dân địa phương vẫn còn tâm lý chủ quan.
Lực lượng chức năng phải rất vất vả, xuyên đêm, từng giờ canh nước để gọi, đôn đốc di dời người dân. Cũng chính vì người dân chủ quan nên đã có một số trường hợp khi nước dâng cao chỉ kịp bảo đảm an toàn tính mạng người dân mà không kịp di chuyển, bảo vệ tài sản. Trong cơn bão vừa qua, huyện bị thiệt hại nhiều về tài sản, ước khoảng 1.617 tỷ đồng. Đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra đang được địa phương tích cực triển khai, từng bước ổn định đời sống người dân.
![]() |
Đồng chí Hoàng Văn Trọng. |
Tuy vậy, hiện nay khó khăn nhất với huyện là công tác khôi phục sản xuất do nhiều diện tích hoa màu bị hư hại; gần 20 nghìn ha rừng bị thiệt hại nặng nề không có khả năng khắc phục, một số hộ di dời vẫn chưa thể trở về do nhà nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Nhiều công trình nhà ở, trụ sở làm việc bị hỏng. Huyện đề nghị tỉnh sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí giúp huyện khắc phục các công trình bị thiệt hại do mưa bão. Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn huyện khôi phục sản xuất, nhất là rừng sản xuất; cơ cấu lại sản xuất bảo đảm phát triển bền vững, hợp lý. Với khu vực nguy cơ sạt lở đất, huyện sẽ có phương án đề xuất cụ thể để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)