Những án tử vì ma túy
Tôi từng có những ngày cùng đồng nghiệp lang thang trên cánh đồng ngô xã Lương Phong (Hiệp Hòa) để tìm lời đáp cho câu hỏi tại sao một làng quê vốn thanh bình, yên ả lại bị cơn sóng ma túy xô ngã bao cuộc đời. Lúc tôi và anh Nguyễn Sơn Động hồi đó làm Trưởng Công an xã vào nhà của trùm ma túy khét tiếng - tử tù Lưu Thị Thuần mà sốc.
Cụ Hải, bố của Lưu Thị Thuần tóc bạc trắng, 74 tuổi vẫn đi cày thuê mỗi ngày lấy tiền nuôi đàn cháu bé dại. Bố mẹ chúng (bốn người: Con đẻ, con dâu, rể của cụ Hải) đều đi tù vì ma túy. Lũ trẻ lê la chơi trên nền đất. Những đôi mắt thơ ngây cứ ám ảnh tôi.
![]() |
Phạm nhân được học nghề trong trại giam. |
Sau khi trải qua những thủ tục nghiêm ngặt và cần thiết, tôi được một nữ cán bộ Công an tỉnh đưa đi. Qua khỏi cánh cổng an ninh, mọi thứ với tôi đều lạ lẫm. Trại giam ở biệt lập trên quả đồi thấp. Nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ được ngăn cách với khu giam giữ phạm nhân bởi bức tường cao và khoảng sân rộng. Vào khu giam giữ phạm nhân là một thế giới khác. Khu tử tù được canh giữ cẩn mật 24/24, mỗi buồng giam rộng chừng 2m2.
Phạm nhân đầu tiên tôi gặp là Đinh Công Hiếu (SN 1985), người Mường, quê ở huyện Vân Hồ (Sơn La), vào trại gần một năm với án tử hình vì ma túy. Hiếu kể, có người quen cùng huyện tên là Thái thuê xách hộ cái cặp xuống Bắc Giang đưa cho người khác với giá 10 triệu đồng, nếu hoàn thành quay về sẽ có tiền. Vậy là Hiếu để ba con nhỏ, lớn nhất 12 tuổi, đi xe máy ra Vân Hồ, nhận chiếc cặp lên xe khách nhằm hướng Bắc Giang.
Chưa kịp gặp người nhận cặp, chưa nhận về đồng tiền công nào thì Hiếu bị bắt. Hiếu rưng rưng kể: “Em ân hận và dằn vặt mãi. Cũng tại nghèo, không có tiền, thấy người ta thuê có tiền thì nhận ngay, không biết là họ gửi gì. Ở nhà em còn cha mẹ già 65 tuổi, vợ và ba con nhỏ. Em chỉ mong được hưởng khoan hồng, mong gặp lại gia đình”...
Hiếu rút trên khe cửa bông hoa hồng bện từ túi ni lông đưa cho Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Phó Giám thị Trại tạm giam nhờ gửi cho một nữ phạm nhân cũng chịu án tử hình. Hiếu bảo, gửi tặng các chị để động viên nhau cùng thụ án. Các quản giáo ở đây chia sẻ, phải mất nhiều công sức giáo dục, trò chuyện, động viên các phạm nhân để họ coi trọng mạng sống. Mới đầu, nhiều đối tượng luôn tìm cách tự tử nên Trạm bố trí đồ dùng chỉ toàn đồ nhựa.
Qua câu chuyện của Hiếu mới thấy người đàn ông này hầu như không có chút kiến thức nào về pháp luật. Đúng như Hiếu nói, những người gần gũi nhất, quan tâm, trò chuyện động viên phạm nhân nhiều nhất chính là cán bộ, chiến sĩ ở đây. Nhà nghèo, đông con, vợ Hiếu vài tháng mới có thể xuống thăm chồng. Hiếu thất thần nhìn ra ô cửa xa xăm khi tôi hỏi thăm về gia đình. Hiếu nghẹn ngào: Em nhớ bố mẹ già và con lắm chị ạ, nhưng… Hiếu bỗng im bặt, chắc Hiếu biết rõ đường về nhà của mình thật xa.
Có lẽ ấn tượng nhất với tôi là nữ tử tù Trần Thị Thùy (SN 1990), quê ở huyện Kim Môn (Hải Dương). Thùy có mái tóc đen, làn da trắng, quần áo sạch sẽ. Trên tay Thùy là bát nhựa đựng đầy giò chả. “Nay đến lượt em được nhận đồ tiếp tế của người nhà”- Thùy phân trần. Tôi nhìn thấy bông hồng trên khe cửa của Thùy, đoán chắc là Hiếu tặng. Thùy dường như hiểu được ý nghĩ của tôi, khẽ gật đầu. Nhìn Thùy, thấy rõ vẻ từng trải, lọc lõi chuyện đời sau khuôn mặt có chút bất cần, hờn dỗi.
Ngồi trước mặt tôi là những khuôn mặt thờ thẫn, lạc lối. Bây giờ, họ mới nhận ra, sau cơn lốc của ma túy và tiền thì bố mẹ già, con cái bé dại mới là những người đau khổ nhất. Giá như, mỗi người trong xã hội được đến tham quan trại giam lấy một lần, chắc sẽ suy nghĩ khác đi về cám dỗ, về những ham hố tầm thường. |
Thùy không có chồng, có một con gái 10 tuổi hiện cư trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Thùy từng có tiền án về tội mua bán ma túy năm 2012, chịu án phạt 30 tháng tù nhưng vì nuôi con nhỏ nên được tại ngoại. Ngày 3/9/2013, Lò Thị Sắn (SN 1972) ở TP Lạng Sơn được một đối tượng thuê vận chuyển 32 bánh heroin từ Hòa Bình về Lạng Sơn với giá 60 triệu đồng. Sắn thuê Thùy vận chuyển về Lạng Sơn dưới sự giám sát của Lý Cánh Son và Lộc Văn Tú. Nửa đêm cùng ngày, khi Thùy, Son vận chuyển đến địa phận xã Quang Thịnh (Lạng Giang) thì bị Công an huyện Lạng Giang bắt, thu giữ 32 bánh heroin. TAND tỉnh tuyên tổng hình phạt từ cả vụ án năm 2012 mức án tử hình.
Nếu hỏi tử tù mong muốn gì lúc này sẽ là bất nhẫn, bởi sự thật, họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tôi hỏi Thùy muốn nhắn gì cho con không, Thùy bỗng cụp mắt xuống, hai khóe môi rung rung. Mắt ngấn nước, Thùy nói như nói thầm: “Mẹ em già lắm rồi, không biết chết lúc nào, nuôi con em được ngày nào biết ngày đó. Cuộc đời em vậy là sai rồi, không cứu vãn được nữa, giờ có ân hận cũng không thể làm lại. Vào đây em mới thấy dù khổ mấy, đói mấy mà được sống tự do vẫn hơn”…
Buồng giam bên cạnh là hai "nữ quái" Vi Thị Hương, quê ở huyện Tương Dương (Nghệ An) đã bị giam 6 năm và Trương Thị Long, quê ở xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) bị giam 7 năm. Nếu chỉ nhìn họ nói, nghe chuyện từ họ, không ai có thể hình dung họ từng ma mãnh, dối trá khi vận chuyển, mua bán chất ma túy. Vụ án ma túy Hương tham gia có hồ sơ dày đặc tình tiết, liên quan chằng chịt nhiều người. Sau các phiên xét xử, Tòa án tuyên phạt Hương mức án tử hình.
![]() |
Phạm nhân Vi Thị Hương. |
Trước mặt tôi, Hương ngồi lặng phắc, mãi mới nói: “Vào đây, bị giam rồi em mới nhận ra mình tội lỗi, cũng ân hận lắm, chỉ mong được về với con, các con bé mà mẹ em đã già”... Hương có nhan sắc, lang bạt nhiều nơi, móc nối vận chuyển ma túy nên không tránh khỏi có nhiều mối tình. Sau nhiều năm giam trong buồng kín, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nếu người đối diện tinh ý vẫn thấy vẻ gan góc, từng trải trên khuôn mặt Hương. Lạ rằng, Hương và mấy tù nhân nữ, ai cũng trắng trẻo, xinh xắn. Không thể hình dung với dáng vẻ, khuôn mặt, lời nói ấy lại bị cơn cuồng vọng đồng tiền kéo vào con đường ma túy. Đối diện với phòng giam của Hương là nơi giam giữ tử tù Lưu Thị Thuần. Chắc Thuần cũng biết ở quê nhà, cha mình đi cày thuê nuôi cháu, nhiều đứa trẻ sống trong tương lai leo lét.
Thượng tá Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, có những tù nhân luôn tìm cách để chết hoặc chống đối, phá phách, đòi hỏi. Cán bộ, chiến sĩ trại giam luôn vất vả, lúc nào cũng cảm thấy có nhiều áp lực. Đúng là vậy, chỉ đi quanh những dãy nhà giam, mắt luôn nhìn thấy quần áo tù nhân, ngày mở cửa hai lần buồng tử tù… đã là cả những hy sinh thầm lặng không kể xiết của lực lượng công an.
Trên địa bàn tỉnh mấy năm nay, các điểm nóng về ma túy như Ngọc Vân (Tân Yên), Lương Phong (Hiệp Hòa) đã hạ nhiệt. Trong nhiều năm, lực lượng công an đã liên tục triệt phá các ổ nhóm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy. Nhưng cũng phải nói rằng, ma túy lại đang biến hình dưới nhiều dạng khác nhau như kẹo ngậm, bùa lưỡi, miếng dán xăm hình, bóng cười, nước tăng lực, thuốc lá… ngấm ngầm xâm nhập vào đời sống. Thủ đoạn của những kẻ sử dụng, vận chuyển, buôn bán ma túy hiện nay ngày càng tinh vi hơn. Ngay cả khi bọn tội phạm bị bắt, bị giam thì công tác canh giữ cũng đâu đơn giản. Đồng cảm với các chiến sĩ công an bao nhiêu thì cũng căm phẫn với loại tội phạm về ma túy bấy nhiêu, bọn chúng đã gây ra cái chết trắng, hủy hoại bao người khác…
Ngồi trước mặt tôi là những khuôn mặt thờ thẫn, lạc lối. Bây giờ họ mới nhận ra, sau cơn lốc ma túy và tiền thì cha mẹ già, con cái bé dại mới là những người đau khổ nhất. Giá như, mỗi người trong xã hội được đến tham quan trại giam một lần, chắc sẽ suy nghĩ khác về những cám dỗ, ham hố tầm thường để sống, làm ăn lương thiện.
Lúc rời đi, trước khi những cánh cửa buồng giam nặng nề đóng lại, tôi xoay lưng và nhìn thấy những đôi mắt ướt đẫm, đang cố nhìn ra khoảng sáng bên ngoài…
Ý kiến bạn đọc (0)