Nhộn nhạo thị trường thuốc chữa bệnh
BẮC GIANG - Thời gian qua, dù lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý một số vụ sản xuất, kinh doanh thuốc giả song vì lợi nhuận, không ít đối tượng vẫn công khai đăng bán thuốc tân dược, đông dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc trị bệnh để bán được hàng. Do tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người dân vẫn tự ý mua và dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Mập mờ nguồn gốc, chất lượng
Anh Trần Văn D ở thôn Đông Phú, xã Xuân Phú (TP Bắc Giang) bị đau xương khớp. Nghe người quen giới thiệu có loại thuốc chữa bệnh này là hàng xách tay từ Mỹ, đã bán cho nhiều người uống rất hiệu quả, anh liền đặt mua 1 lọ về dùng. Uống được vài tuần, đầu gối anh hết đau nên tiếp tục mua thêm để sử dụng. Khi nghe thông tin cơ quan công an một số tỉnh, thành phố phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, anh D mang lọ thuốc đang uống đến người có chuyên môn hỏi thì được biết đó không phải là thuốc mà là thực phẩm bổ sung hỗ trợ xương khớp không có tác dụng điều trị, không chữa khỏi bệnh hoặc ngăn ngừa bất cứ bệnh nào. Trên nhãn thuốc không ghi sản xuất tại Mỹ mà chỉ ghi “theo công thức Mỹ”; tra loại thuốc này trên trang mạng tại Mỹ thấy giá bán cao hơn giá anh D mua vài trăm nghìn đồng (?!). Lo ngại hàng giả, anh D không dám dùng tiếp loại thuốc trên nữa.
![]() |
Lọ thực phẩm chức năng được quảng cáo là thuốc chữa bệnh xương khớp được anh Trần Văn D ở xã Xuân Phú (thành phố Bắc Giang) mua sử dụng. |
Thực tế, trường hợp mua thuốc qua người quen giới thiệu như anh D và qua quảng cáo trên các trang mạng diễn ra khá phổ biến. Lý do là bởi tình trạng quảng cáo bán thuốc chữa bệnh chưa đúng quy định vẫn diễn ra công khai, nhất là trên Youtube, zalo, facebook, messenger, sàn thương mại điện tử… Các đối tượng dùng đủ chiêu trò để khách hàng tin tưởng như thuê người nổi tiếng, người quen thân giới thiệu, quảng cáo, bình luận việc dùng thuốc hiệu quả để tạo niềm tin.
Nhiều loại thực phẩm chức năng được các đối tượng quảng cáo là "thuốc đông y gia truyền”, “hỗ trợ điều trị khỏi bệnh”… Ví như trang cá nhân có tên Girl - 003, ngoài rao bán đồ gia dụng còn quảng cáo bán thuốc chữa bệnh nấm, ngứa, hắc lào, lang ben, viêm da cơ địa; nấm da, nấm đầu… Qua điện thoại, người bán cam kết thuốc trị khỏi bệnh hoàn toàn, không khỏi hoàn lại tiền. Tuy nhiên, khi đề nghị chụp tem nhãn phụ trên thuốc nhập khẩu thì không thấy người bán liên hệ lại.
Để ngăn ngừa các loại thuốc chữa bệnh giả, kém chất lượng, thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh đã tăng cường kiểm tra, rà soát lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế và Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương), việc tiêu thụ thuốc giả, kém chất lượng, tuyên truyền quảng cáo thuốc không đúng quy định chủ yếu thực hiện qua online và các kênh bán lẻ nên rất khó kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, xác định đối tượng vi phạm để xử lý. Ngoài ra, để giám định, kiểm tra được một mẫu thuốc cần chi phí hàng chục triệu đồng.
Dùng thuốc tùy tiện, hậu quả khó lường
Sở Y tế khuyến cáo, việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm giả sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe người dùng, khiến bệnh diễn biến nặng hơn, nếu có chứa chất độc, chất cấm hoặc tạp chất chưa được kiểm nghiệm có thể gây tổn hại gan, thận, hệ tiêu hóa, thậm chí tử vong. Đặc biệt, với kháng sinh giả hoặc thuốc không đủ hàm lượng có thể khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn và nguy cơ kháng thuốc về sau… Trên thực tế, không ít người dân trên địa bàn tỉnh đã trở thành nạn nhân của thuốc giả, không rõ nguồn gốc.
![]() |
Thành viên Đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh dược tại một cửa hàng dược ở thành phố Bắc Giang. |
Trường hợp bà Nguyễn Thị T ở đường Hoàng Công Phụ, phường Ngô Quyền (thành phố Bắc Giang) là một ví dụ. Bà T bị đau xương khớp, nghe người cháu nói có hàng thuốc đông y (dạng bột) chữa xương khớp tốt liền nhờ mua về uống. Uống thuốc thấy giảm đau hẳn, bà T rất phấn khởi, mặc mấy người con can ngăn không nên sử dụng loại thuốc này, bà vẫn lén mua uống nhiều tháng liền. Thấy mẹ có biểu hiện người tích nước, không ăn được, sức khỏe giảm sút, gia đình vội đưa đến bệnh viện khám cho kết quả bị viêm tuyến thượng thận do dùng thuốc đông dược thời gian dài có pha thuốc giảm đau corticoid.
Được biết, trước tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp tại một số địa phương, UBND tỉnh ban hành nhiều công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, kiểm tra, quản lý dược phẩm; tuyên truyền, giám sát thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh và cảnh báo thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường.
Từ cuối tháng 4 đến nay, Sở Y tế kiểm tra đột xuất tại 8 cơ sở bán lẻ, bán buôn thuốc, thực phẩm chức năng tại thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện: Tân Yên, Yên Thế. Tuy chưa phát hiện thuốc giả trên địa bàn tỉnh, nhưng theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, nguy cơ sản xuất, buôn bán thuốc giả còn cao. Theo đó, đơn vị khuyến cáo người dân không tùy tiện mua và sử dụng các loại thuốc rao bán tràn lan trên mạng xã hội, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ sử dụng thuốc khi có đơn của bác sĩ hoặc tư vấn từ bác sĩ, dược sĩ (đối với thuốc không phải kê đơn).
Mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ đạt chuẩn GPP, các website uy tín, được cấp phép và công khai thông tin trên cổng thông tin của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ về sản phẩm cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ sở y tế gần nhất. Ngoài các giải pháp trên, để ngăn ngừa thuốc giả lưu thông, các ngành chức năng như: Y tế, Công Thương, Công an… quan tâm phối hợp kiểm tra trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khuyến cáo người dân, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo thuốc chữa bệnh không đúng quy định.
Ý kiến bạn đọc (0)