Lạng Giang thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực
BẮC GIANG - Với quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, huyện Lạng Giang có nhiều cách làm phù hợp, huy động các nguồn lực và sự tham gia của Nhân dân. Qua đó, tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Xã Nghĩa Hưng là một trong những địa phương được đánh giá cao về thực hiện chuyển đổi số, sau thời gian kiên trì thực hiện, từ chỗ thiếu trang thiết bị, trình độ cán bộ hạn chế, đến nay nhận thức về vai trò và lợi ích ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của cán bộ, công chức được nâng cao rõ rệt. Toàn bộ cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính; hệ thống máy tính của xã được kết nối Internet tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn thông tin để triển khai gửi, nhận văn bản qua trục liên thông văn bản của tỉnh theo quy định…
![]() |
Cán bộ xã Nghĩa Hưng và thôn Giữa tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh. |
Theo đồng chí Bùi Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã, để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, UBND xã thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ công nghệ số của xã và 8 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn. Các tổ này tiếp cận từng gia đình, người dân để hỗ trợ, đồng hành với Nhân dân trong chuyển đổi số. Các thành viên tuyên truyền cho người dân chủ động nắm bắt, tích cực sử dụng các nền tảng số, kiến thức an toàn thông tin, nhất là thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng phục vụ nhu cầu về giao dịch, giải quyết thủ tục, chế độ chính sách...
Tìm hiểu tại Tổ công nghệ số cộng đồng của thôn Giữa được biết, thời gian qua, 6 thành viên của tổ thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động khoảng 500 người dân của gần 150 gia đình hưởng ứng thực hiện chuyển đổi số. Những công việc chung của thôn giờ đây được triển khai, thông báo trên nhóm zalo riêng nên dễ dàng tiếp cận đến từng người. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Nam, một cán bộ hưu trí ở thôn Giữa được biết, lương hưu được chuyển vào tài khoản nên lâu nay ông không dùng tiền mặt, tiền tiết kiệm cũng được chuyển vào ngân hàng tiện lợi, an toàn. Với việc của thôn, ông nắm bắt nhanh chóng, có thể bàn bạc, góp ý trực tuyến với cán bộ địa phương chỉ qua điện thoại thông minh.
Trong toàn huyện, việc chuyển đổi số trên các lĩnh vực có chuyển biến rõ rệt, phục vụ Nhân dân hiệu quả. Đơn cử như chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, ngành Y tế huyện đã xây dựng và triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2021-2025”; đầu tư hệ thống mạng, thiết bị phục vụ hoạt động hội chẩn từ xa, đăng ký và kết nối với một số bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh tham gia khám, chữa bệnh từ xa.
![]() |
Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Nhân dân khám, chữa bệnh. |
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Đơn vị đã triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, sử dụng các ứng dụng cung cấp kiến thức phòng bệnh, khám bệnh và chăm sóc sức khỏe phục vụ việc tra cứu thông tin của người dân. Cài đặt phần mềm khám, chữa bệnh, ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa phục vụ tư vấn, đặt lịch khám, hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi và chăm sóc người bệnh. Hướng dẫn trạm y tế các xã, thị trấn sử dụng tài khoản cơ sở y tế, tài khoản bác sĩ trên nền tảng sổ sức khỏe điện tử. Trung tâm vận hành tốt hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS)”.
Năm nay, huyện đầu tư hơn 4,8 tỷ đồng để Trung tâm nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị, lắp đặt đường truyền tốc độ cao… giúp thực hiện giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh; thông báo công khai, tiếp đón người bệnh khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID. Thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt bằng mã QR và công khai số tài khoản ngân hàng tại các quầy thanh toán viện phí, dịch vụ y tế và các giao dịch khác…
Đến nay, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính của huyện đạt 87,12%, tỷ lệ số hoá thủ tục hành chính đạt 97,33%. |
Đồng chí Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, UBND huyện bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn của các sở, ban, ngành để chỉ đạo triển khai các kế hoạch, đề án, giải pháp hằng năm và cả giai đoạn 2021-2025. Điểm nổi bật là huyện và các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ số và công nghệ thông tin, tổng kinh phí cho chuyển đổi số trong 5 năm qua đạt gần 110 tỷ đồng. Qua đó, phục vụ cho hoạt động, điều hành của cơ quan nhà nước và cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi.
Cùng đó, huyện đẩy mạnh thực hiện xã hội số, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác chuyển đổi số từ huyện đến cơ sở. Các tổ công nghệ số cộng đồng của các xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố có nhiều hoạt động đóng góp vào kết quả chung, trong đó có hơn 260 tổ cấp thôn góp phần vận động, thu hút toàn dân tham gia chuyển đổi số. Đối với thực hiện mục tiêu chính quyền số, hiện nay 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được nâng lên cấp độ toàn trình, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng vượt kế hoạch, 14 cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của huyện được kết nối, chia sẻ, tiếp nhận dữ liệu (mở) với hệ thống dùng chung của tỉnh.
Hoạt động kinh tế số của huyện có nhiều chuyển biến, 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; 100% các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Toàn huyện có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cung cấp dịch vụ phần mềm và nội dung số, sửa chữa lắp đặt quy trình vận hành số, kỹ năng marketing đa kênh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP thực hiện quảng bá mua sắm, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử… Qua đây thấy được hiệu quả của chuyển đổi số, tạo động lực để cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện trên toàn diện các lĩnh vực.
Ý kiến bạn đọc (0)