Nhiều vật tư nông nghiệp: "Treo đầu dê, bán thịt chó"
Nhiều mẫu hoạt chất đạt 0%
Năm ngoái, bà Đỗ Thị Hoạt, thôn Lãn Tranh 3, xã Liên Chung mua vắc-xin lở mồm long móng ở một đại lý tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) về tiêm nhưng lợn vẫn bị mắc dịch và chết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. “Chúng tôi không thể biết thuốc thú y nào bảo đảm chất lượng hay không, chỉ xem thông tin trên bao bì và tin vào người bán. Đã tiêm vắc-xin mà lợn vẫn chết vì dịch bệnh cũng chẳng bắt đền được họ”. Sau này, bà Hoạt không mua thuốc ở đại lý nữa mà thuê người cháu là cán bộ thú y tiêm phòng nên đàn lợn hơn 30 con của gia đình khỏe mạnh, lớn nhanh.
![]() |
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở xã Ngọc Thiện (Tân Yên). |
Phản ánh của bà Hoạt về chất lượng thuốc thú y là có cơ sở. Bởi mới đây lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều mẫu thuốc thú y vi phạm theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”. Tại cơ sở kinh doanh của ông Đỗ Đức Tuyên, xã Tân Thanh (Lạng Giang) có một số thuốc do Công ty cổ phần Dược thú y 5 sao (Hà Nội) phân phối có nhiều chỉ tiêu không đạt, có mẫu tỷ lệ hoạt chất là 0%. Cụ thể, sản phẩm COCCI-CLEAR, số lô 01100619, ngày sản xuất 10/6/2019 hàm lượng Sulfachloropyridazine sodium công bố 10g/100g, kết quả phân tích Sulfachloropyridazine sodium 0 ppm/100 g, bằng 0%; hàm lượng Vitamin A công bố 50.000 UI/100g, kết quả phân tích Vitamin A là 0 ppm/100g, bằng 0%.
Tại cửa hàng kinh doanh thuốc thú y của bà Quách Thị Hằng, xã Tiến Thắng (Yên Thế) có 2 mẫu thuốc của Công ty cổ phần Dược phẩm Công nghệ cao (Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. Muti-vita hàm lượng Vitamin A công bố là 600.000 UI/100g, kết quả phân tích là 0 UI/100g, bằng 0%; hàm lượng Vitamin B2 công bố là 430 mg/100g, kết quả phân tích là 0 mg/100g, bằng 0%; hàm lượng Vitamin C công bố là 100 mg/100g, kết quả phân tích là 0 mg/100g, bằng 0%; hàm lượng Vitamin B1 công bố là 430 mg/100g, kết quả phân tích là 34,4/100g, bằng 8%; hàm lượng Lysine công bố là 1.300 mg/100g, kết quả phân tích là 0 mg/100g, bằng 0%. Sản phẩm thuốc thú y Cefadox hàm lượng Cefalexin công bố 10.000 mg/100g, kết quả phân tích Cefalexin 0 mg/100g, bằng 0%...
Ngoài ra, đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp kiểm tra cũng phát hiện hàng loạt mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vi phạm. Khi lấy mẫu phân bón hỗn hợp NPK FDA-Max K+ tại cửa hàng của ông Lý Văn Hiền, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) sản xuất ngày 16/8/2019 thì chỉ tiêu kẽm (Zn) chỉ đạt 0,0014%, không đúng so với công bố trên bao bì là 1,5%.
Tại cửa hàng kinh doanh VTNN của ông Nguyễn Văn Tuyển, xã Hương Lạc (Lạng Giang) phát hiện sản phẩm phân bón Greenfam-Mgn của Công ty TNHH GREENFAM (xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang) vi phạm. Hay mẫu thuốc BVTV Aceny 4.2 EC sản xuất ngày 5/11/2018 do Công ty cổ phần Green Me Kong (Hà Nội) phân phối, bán tại cửa hàng kinh doanh VTNN của ông Trương Tuấn Long, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) cũng có hàm lượng hoạt chất không như công bố.
Được biết, từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng toàn tỉnh lấy hơn 61 mẫu VTNN phân tích, kết quả phát hiện 38 mẫu vi phạm về chất lượng, trong đó 25 mẫu phân bón, 8 mẫu thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi bổ sung. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm với tổng số tiền 116 triệu đồng.
Có thể thấy thực trạng chất lượng VTNN đang lưu thông trên địa bàn tỉnh rất đáng lo ngại, gây bức xúc cho người sản xuất nông nghiệp. Không ít người dân cảm thấy như bị lừa khi mua phải hàng chất lượng kém. Theo ông Vũ Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi (Chi cục chăn nuôi và Thú y), mỗi loại thuốc đều quy định rõ hàm lượng từng thành phần trên cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.
Nếu thiếu hoạt chất thì thuốc vô tác dụng, không hiệu quả trong phòng, chống bệnh, dẫn đến vật nuôi chết, có thể lây lan thành dịch, người dân chịu thiệt và đây là hậu quả vô cùng lớn đối với chăn nuôi, môi trường. Với thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 70% giá thành sản phẩm, nếu các chỉ số không đạt cũng khiến vật nuôi thiếu dinh dưỡng, tăng trưởng hoặc sinh sản chậm.
![]() |
Một mẫu thuốc thú y vi phạm chất lượng. |
Đối với cây trồng nếu sử dụng phải thuốc BVTV kém chất lượng thì sâu bệnh không được phòng trừ kịp thời, gây thất thu mùa màng. Thực tế, nhiều hộ dân ở xã Tư Mại (Yên Dũng) sử dụng thuốc BVTV diệt chuột, rầy nâu trên lúa nhưng không mang lại hiệu quả.
Cần siết chặt quản lý
Toàn tỉnh hiện có tổng đàn vật nuôi, diện tích cây trồng lớn nên nhu cầu về giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y rất lớn. Đây là một thị trường “màu mỡ” để nhiều DN sản xuất, kinh doanh VTNN khai thác. Theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn tỉnh có hơn 1,3 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN. Trong khi đó, nông dân là người tiêu dùng chính, không thể bằng cảm quan để nhận biết được sản phẩm tốt hoặc kém chất lượng, do vậy chỉ còn biết trông chờ vào cơ quan chức năng.
Một số doanh nghiệp có mẫu VTNN vi phạm được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như: Công ty cổ phần Dược phẩm Công nghệ cao; Công ty cổ phần Green Me Kong; Công ty cổ phần Dược thú y 5 sao; Công ty cổ phần Hợp tác quốc tế ATP Việt Nam; Công ty cổ phần Agrifam Việt Nam đều có trụ sở tại Hà Nội (Hà Nội); Công ty TNHH GREENFAM (TP Bắc Giang)... |
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, xác định quản lý VTNN là việc làm thường xuyên, liên tục nên Sở chỉ đạo đơn vị chuyên môn thực hiện quyết liệt. Từ chỗ ban đầu chủ yếu giám sát về điều kiện kinh doanh, đối chiếu các loại thuốc trong danh mục thì đến nay từng bước đi sâu về chất lượng hàng hóa.
Cùng đó là sự phối hợp tích cực, chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành và các huyện, TP, hạn chế chồng chéo, vì vậy diện kiểm tra rộng hơn, các mẫu vi phạm được phát hiện ngày càng tăng. Quan điểm của Sở là xử lý nghiêm vi phạm và công khai vi phạm. Sở đã lập đường dây nóng để giải quyết kịp thời phản ánh của người dân về VTNN. Khi nghi ngờ về mặt hàng nào bất thường, người dân cần thông tin ngay về số điện thoại 0969.056.999 sẽ được tiếp nhận, xử lý ngay.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thấy rằng, thị trường VTNN rất sôi động, địa bàn rộng trong khi lực lượng chức năng còn mỏng, thiếu phương tiện đã ảnh hưởng công tác đấu tranh, ngăn chặn VTNN kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Mặt khác, hiện nay tỉnh đã công khai vi phạm của các đơn vị, cá nhân liên quan song mức xử lý còn nhẹ, chủ yếu xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.
Ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho rằng, kết quả phân tích mẫu VTNN của tỉnh thời gian qua như vậy rất đáng báo động. Nhiều mẫu có chỉ tiêu đạt 0% thì không còn là hàng kém chất lượng mà liệt vào hàng giả, cần xử lý ở mức cao hơn, thậm chí cần thiết xử lý hình sự. Tới đây, Hội tiếp tục nắm bắt phản ánh của người dân về VTNN để có hướng dẫn, tư vấn cùng cơ quan chức năng phối hợp tốt hơn bảo vệ quyền lợi người dân.
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)