Nhận diện, phản bác luận điệu sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay
BẮC GIANG - Trong những năm vừa qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra; nhiều cán bộ trung, cao cấp của Đảng đã bị khởi tố và đưa ra xét xử nghiêm minh. Những kết quả này đã nhận được sự ủng hộ và tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại lợi dụng để tuyên truyền với những luận điệu thâm độc như “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng bè phái”… hòng xuyên tạc kết quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch
Tham nhũng, tiêu cực gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội như: Làm thất thoát nguồn lực công cho phát triển kinh tế, xói mòn các thể chế, giá trị dân chủ và niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật. Không những vậy, tham nhũng, tiêu cực còn là nguyên nhân gây mâu thuẫn nội bộ, “chia kéo bè phái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Nhận thức rõ hậu quả từ tệ tham nhũng, ngay từ những ngày đầu mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những nguy cơ của tham nhũng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng: “Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”. Người coi tham nhũng là “giặc nội xâm”, là “kẻ địch trong lòng người, trong nội bộ” vô cùng nguy hiểm. Đánh giá nguy cơ của nạn tham nhũng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Văn kiện Hội nghị giữa nhiệm kỳ Khoá VII của Đảng chỉ rõ “Tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí” là một trong 4 nguy cơ cản trở mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Cùng với quá trình đổi mới, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có nhiều chuyển biến tích cực. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng dần được hoàn thiện, trong đó lần đầu tiên đã mở rộng việc phòng, chống tham nhũng sang cả khu vực tư nhân. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt”. Điều đó thể hiện qua kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 các cơ quan tố tụng cả nước đã tiến hành khởi tố điều tra 19.546 vụ với 33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ với 30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ và kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố điều tra 2.657 vụ với 5.841 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ với 5.647 bị cáo.
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Những kết quả đó cho thấy trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta là hoàn toàn “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Các thế lực thù địch thông qua các diễn đàn, trang blog, fanpage, facebook, Youtube, TikTok…; các trang phản động như Việt Tân, Chân Trời Mới Media, RFA Viet Nam, BBC News Tiếng Việt để tuyên truyền với những luận điệu thâm độc như “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng bè phái”… hòng xuyên tạc kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Do đó, việc nhận diện và phản bác các luận điệu sai trái về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay là hết sức cần thiết để quần chúng, nhân dân hiểu biết đầy đủ về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, góp phần làm thất bại hoàn toàn âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Hiện nay, các thế lực thù địch ở nước ngoài không ngừng xuyên tạc, bóp méo hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng thường xuyên rêu rao trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông rằng chế độ “tập quyền”, “một đảng” là nguyên nhân dẫn tới tệ tham nhũng, rằng “tham nhũng là quốc nạn, không có thuốc chữa”, “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công vì Đảng cũng suy thoái, tham nhũng”.
Tham nhũng không chỉ ở những quốc gia duy trì thể chế “nhất nguyên chính trị” mà ngay cả các nước có thể chế “đa nguyên chính trị” nếu xuất hiện tệ quan liêu và sự tha hoá về đạo đức của những người nắm giữ quyền lực nhà nước cũng sẽ xuất hiện tham nhũng ở những quy mô và mức độ phạm tội khác nhau. |
Bên cạnh đó, các phần tử cơ hội, thoái hoá, biến chất ở trong nước cũng lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đưa ra những luận điệu xảo trá, lập lờ như “tham nhũng là tất yếu của cuộc sống”, chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí” của cán bộ, làm “chùn bước” của những người dám nghĩ, dám làm… để từ đó cho rằng “không cần chống tham nhũng” hay muốn chống tham nhũng trước hết cần phải “thay đổi chế độ chính trị” và kêu gọi thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đổi lập”. Đây là những luận điệu hết sức thâm độc của các thế lực thù địch mà cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nhận diện được để tránh bị lôi kéo, lợi dụng trở thành công cụ tuyên truyền cho chúng, hoặc dao động tư tưởng, mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tiễn đã chứng minh rằng trong xã hội còn phân chia giai cấp thì một bộ phận những người được giao nắm giữ quyền lực nhà nước thường có khuynh hướng lợi dụng quyền lực đó đề mưu cầu lợi ích cá nhân, đó là tệ tham ô, tham nhũng. Ngay từ thời của mình, trong quá trình đấu tranh xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: Gắn với quyền lực và quyền lực bị tha hóa nên quan liêu, tham nhũng, tham ô, hối lộ là người bạn đồng hành, là cơ sở, tiền đề cho nhau tồn tại và phát triển trong bộ máy nhà nước. Hiểu theo nghĩa này ta có thể thấy trong bất kỳ xã hội nào khi có sự tha hoá quyền lực nhà nước tất sẽ nảy sinh ra tệ tham ô, tham nhũng. Quan liêu và tham nhũng luôn song hành với nhau, do quan liêu nên cán bộ được giao nhiệm vụ không làm tốt được vai trò quản lý tài sản của nhà nước, từ đó tạo môi trường cho những phần tử thoái hoá, biến chất lợi dụng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của nhà nước - đó là tệ tham nhũng.
Tham nhũng không chỉ ở những quốc gia duy trì thể chế “nhất nguyên chính trị” mà ngay cả các nước có thể chế “đa nguyên chính trị” nếu xuất hiện tệ quan liêu và sự tha hoá về đạo đức của những người nắm giữ quyền lực nhà nước cũng sẽ xuất hiện tham nhũng ở những quy mô và mức độ phạm tội khác nhau. Thực tiễn xã hội hiện đại cho thấy tại Italy (Ý) - một trong những nước thuộc nhóm G7 và là một trong những thành viên lâu đời của Liên minh châu Âu (EU) tệ nạn tham nhũng kéo dài trong nhiều năm và liên quan rất nhiều quan chức trong đó có cả cựu Thủ tướng Italy là Silvio Berlusconi (ngày 8/5/2013 ông bị toà phúc thẩm Milan kết tội 4 năm tù giam, cấm đảm nhận chức vụ trong chính phủ 5 năm). Nhận xét về vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng ở Italy, cựu công tố viên người Italia Antonio di Pietro đã nói: “Trong 20 năm qua, tôi không thấy Italy thay đổi, nền chính trị cũng thế, các thói quen cũng thế, thậm chí mọi chuyện còn tệ hơn nhiều. Tham nhũng không bị đánh bại mà vẫn lan tràn mạnh mẽ, trong khi luật pháp tỏ ra yếu ớt. Cuộc chiến này sẽ không bao giờ kết thúc”.
Hay ngay tại Hàn Quốc, một đất nước có nền kinh tế phát triển ở khu vực Đông Bắc Á, năm 2018 cũng xảy ra vụ bê bối tham nhũng gây chấn động đất nước này khi cựu Tổng thống Park Geun-hye bị kết án 24 năm tù với 16 tội danh, trong đó có tội lạm dụng quyền lực, nhận lối lộ và làm lộ bí mật quốc gia. Như vậy, xét về bản chất tham nhũng là hiện tượng xuất phát từ sự tha hoá về đạo đức của những cá nhân được giao nắm giữ quyền lực nhà nước kết hợp với sự yếu kém trong kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng (tệ quan liêu trong bộ máy nhà nước).
Một luận điệu khá phổ biến mà các phần tử phản động trong và ngoài nước vẫn thường tuyên truyền về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đó là xuyên tạc bản chất của việc xử lý các cán bộ vi phạm quy định về tham nhũng, tiêu cực thành “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng bè phái”... Điểm chung giữa chúng là thường lờ đi những kết quả của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Chúng thường chỉ tập chung khoét sâu vào vấn đề công tác cán bộ của Đảng dưới luận điệu “thanh trừng bè phái” hay “đấu đá nội bộ”.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - chủ trương nhất quán
Thực tế cho thấy, quan điểm, chủ chương của Đảng ta về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lại biểu hiện chia rẽ, bè phái trong Đảng gắn với công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhất quán và xuất phát từ rất sớm. Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Tích cực bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân, chống lãng phí, tham ô”; đồng thời Điều lệ cũng chỉ rõ: “Đảng coi việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị và nguyên tắc tập trung dân chủ là sinh mệnh của Đảng, và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái trong Đảng”. Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII (năm 1994) của Đảng xác định “Tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí” là một trong bốn nguy cơ, thách thức cản trở công cuộc đổi mới của đất nước.
Quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được kế thừa và làm rõ trong các văn kiện Đại hội, các nghị quyết chuyên đề của Đảng về xây dựng Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới là “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Cùng với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ đổi mới cũng được Đảng trú trọng. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” có quy định rõ: “Trong thời hạn đảm nhiệm chức vụ, người nào vì công việc, lý do sức khoẻ, hoàn cảnh cá nhân được từ chức, miễn chức; người nào không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm, uy tín giảm sút thì tùy theo mức độ mà bị miễn chức, hoặc cách chức kịp thời”. Đồng thời, để thực hiện việc “cho thôi”, “miễn nhiệm” đối với những cán bộ không đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ được giao, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30/7/2007 “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị”, trong đó chỉ rõ: “Xây dựng quy chế miễn nhiệm, từ chức để thay thế kịp thời, dễ dàng những cán bộ năng lực và phẩm chất yếu kém, vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín”.
Trong quá trình thực hiện, Đảng tiếp tục đưa ra các nghị quyết để kịp thời bổ sung các nội dung về công tác cán bộ, về bố trí, sử dụng cán bộ như: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Các nghị quyết, quy định này đã góp phần quan trọng thể chế hoá chủ trương của Đảng về “miễn nhiệm”, “từ chức”, từ đó hình thành “văn hoá từ chức” đối với các cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng.
Những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã nhận được sự ủng hộ, niềm tin của đại bộ phận quần chúng, nhân dân lao động và đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế. |
Như vậy, việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với quy định chế độ “miễn nhiệm”, “từ chức” đã tạo lập cơ chế để đưa ra khỏi Đảng những cán bộ có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, giúp cho cán bộ đương chức, đương nhiệm “tự soi”, “tự sửa” bản thân để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị. Đây là chủ trương lớn của Đảng và được thực hiện liên tục, thường xuyên gắn với quá trình xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước trong tình hình mới như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”.
Những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã nhận được sự ủng hộ, niềm tin của đại bộ phận quần chúng, nhân dân lao động và đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế. Năm 2022 Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã đánh giá Việt Nam xếp thứ 77/180 nước (tăng 10 bậc), điều này cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Không những vậy, đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế còn góp phần vạch trần những luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch trong và ngoài nước về cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo, nó cho thấy hoàn toàn không có chuyện đấu tranh giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” và việc loại bỏ khỏi tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước những cán bộ có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cũng không phải là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian” mà là kết quả của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với sự tham gia tố giác của quần chúng nhân dân, của các tổ chức chính trị xã hội, của Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong điều kiện nước ta tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tất yếu sẽ còn nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, chống phá của các thế lực thù địch với phương thức và thủ đoạn tinh vi nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Trước hết, tập trung vào công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh mà nòng cốt là xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thực hiện nghiêm túc quy trình xem xét, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ theo quy định của Đảng, kiên quyết loại bỏ những cá nhân có biểu hiện tha hoá về đạo đức, lối sống ra khỏi đội ngũ đảng viên, ra khỏi bộ máy nhà nước. Suy cho cùng, việc các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xuất phát từ thực tiễn có những cán bộ từ cấp Trung ương tới địa phương thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng buộc Đảng, Nhà nước phải thực hiện các biện pháp xử lý như kỷ luật, truy tố trước pháp luật. Do vậy, nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, loại bỏ ngay từ đầu những cán bộ có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống sẽ ngăn chặn kịp thời những “kẻ cơ hội” lọt vào bộ máy Nhà nước. Khi trong bộ máy Nhà nước không còn những kẻ tha hoá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, không còn tệ quan liêu, tham nhũng thì các thế lực thù địch sẽ không còn cơ sở để xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo đường lối lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ các cấp trong đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái của các thể lực thù địch. Công tác tư tưởng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp uỷ đảng, trong vấn đề này, các cấp uỷ phải đi trước, đón đầu để định hướng thông tin, lấp đầy “khoảng trống thông tin” cho đảng viên, quần chúng nhân dân. Việc đảng viên và quần chúng nhân dân thiếu những thông tin chính thống, kịp thời sẽ dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng đưa ra những thông tin sai lệch gây hoang mang, dao động về tư tưởng. Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ, thường xuyên, lâu dài các biện pháp để kịp thời đấu tranh phản bác khi xuất hiện các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Việc giáo dục cho đảng viên nhận diện đúng những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo ra sự “miễn nhiễm” trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên trước những thông tin sai lệch mà các thế lực thù địch tuyền truyền nhằm chống phá Đảng. Bên cạnh đó quan tâm giáo dục cho cán bộ, đảng viên về phương pháp đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là quần chúng nhân dân ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… từ đó góp phần làm thất bại những âm mưu chống phá Đảng, chống phá Nhà nước ta từ các thế lực thù địch.
Ý kiến bạn đọc (0)