Nghịch lý đào tạo nghề
Quan sát thực tế, điều dễ nhận thấy là trước nhu cầu bức thiết về việc làm, thu nhập, đã có không ít cử nhân, thậm chí cả thạc sĩ phải “cất bằng” đi học nghề để làm công nhân. Điều này không chỉ làm dấy lên những băn khoăn, lo ngại về sự lãng phí nguồn lực của xã hội mà còn cho thấy vô số khiếm khuyết trong việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Lý giải nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng nghịch lý thừa cử nhân, thiếu lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, học và làm trái ngành nghề là do tâm lý trọng bằng cấp, học đại học theo phong trào vẫn còn nặng trong xã hội và mỗi gia đình. Chẳng thế mà khi định hướng ngành nghề cho con em, hầu hết phụ huynh đều hướng cho con em học đại học mà hiếm khi nhắc đến trường nghề.
Đó còn chưa kể nhiều gia đình phải vay mượn tiền bạc cho con em học đại học, khi ra trường, việc làm chưa có trong khi khoản vay đến hạn trả nên phải rẽ sang làm công nhân. Tấm bằng cử nhân - thành quả sau nhiều năm học đại học vô tình trở thành gánh nặng với không ít “trò nghèo hiếu học”.
Gần đây, rút kinh nghiệm từ những cử nhân thất nghiệp, đã có một lựa chọn đúng và trúng hơn cho con em là thay vì xét tuyển đại học bằng, nhiều em đã chọn đăng ký học nghề để giảm chi phí ăn học, rộng cửa trong tìm việc làm và điều quan trọng hơn là vừa với trình độ năng lực cũng như điều kiện kinh tế gia đình. Sự thay đổi dù ở mức khiêm tốn song cho thấy công tác hướng nghiệp đã ít nhiều có hiệu quả.
Đấy là người học. Nhiều ý kiến cũng nêu, tham gia vào việc phân luồng lao động có vai trò không nhỏ của các trường nghề. Hiện có không ít trường cao đẳng không tuyển được học viên hoặc tuyển được số lượng rất ít. Bởi thế, để thu hút người học, bản thân các trường nghề cần tự đổi mới, nâng cao chất lượng phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển của xã hội, để học viên không quay lưng với trường nghề.
Về lâu về dài, tiếp tục cần một quá trình phân luồng thật sự hiệu quả và thay đổi trong nhìn nhận, đánh giá đối với người học nghề. Có như thế mới dần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội, để việc dạy và học nghề không còn là nghịch lý tồn tại đã nhiều năm.
Lê Minh
Ý kiến bạn đọc (0)