Nghĩa tình Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị
Thời gian thấm thoắt đã tròn nửa thế kỷ, tiếng vang vọng của chiến dịch 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) bảo vệ Thành cổ Quảng Trị hôm nay lại ngân lên trong ký ức hào hùng của những người lính đã từng chiến đấu nơi này. Kỷ niệm 50 năm, những cựu chiến binh Thành cổ dành thời gian gặp gỡ, ôn lại những trận đánh, những tháng ngày tự hào nhưng cũng đầy bi thương.
![]() |
Hội viên Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang ôn lại kỷ niệm chiến trường. |
Để nói về sự khốc liệt của cuộc chiến, họ nhắc lại những con số mà thị xã Quảng Trị phải hứng chịu: Trong 81 ngày đêm, địch thả 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống TP Hirosima (Nhật Bản). Dữ dội nhất là ngày 25/7/1972, thị xã phải chịu 35.000 quả đạn pháo của Mỹ, chưa kể bom từ máy bay.
Dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của kẻ thù, chiến dịch lại diễn ra vào đúng mùa mưa, thời gian kéo dài nên công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, đạn dược có lúc gặp vô vàn khó khăn. Bộ đội ta phải vượt qua sông Thạch Hãn-nơi mà địch thường xuyên đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt sự chi viện cho Thành cổ.
Nhưng với tinh thần dũng cảm, bộ đội ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng, bất chấp hiểm nguy để giành giật với địch từng mét chiến hào. Mục tiêu giữ được Thành cổ đạt được nhưng hàng nghìn chiến sĩ đã hy sinh, xương máu các anh hòa vào gạch đá đổ nát, thân thể nằm lại nơi sóng nước mênh mông.
Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang được thành lập năm 2012, là ngôi nhà chung của gần 1.000 hội viên ở các địa phương trong tỉnh. Hiện đã có 8/10 huyện, TP có tổ chức Hội với 73 chi hội cấp xã, phường, thị trấn. |
Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều cán bộ, chiến sĩ quê Bắc Giang đã trở về. Để ghi nhận và tôn vinh công lao to lớn của những cựu binh tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm, năm 2012, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang được thành lập.
Đây là ngôi nhà chung để đồng đội kết nối, tri ân, giúp đỡ, sẻ chia khó khăn; đồng thời thăm hỏi khi hội viên ốm đau; thăm viếng khi hội viên qua đời, động viên nhau giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Tròn 10 năm thành lập, cùng với xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh, Hội đã tích cực thực hiện các phong trào thi đua, hoạt động nghĩa tình, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hội viên và tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội, tôi nhận thấy trong ông còn nhiều trăn trở khi mà những người đồng chí, đồng đội của mình hy sinh nhưng chưa quy tập được hài cốt; có người trở về bị nhiễm chất độc hóa học, thương tật đầy mình, gặp khó khăn trong cuộc sống. Biến đau thương thành hành động nhằm góp phần xoa dịu mất mát, hy sinh đó, Hội đã kêu gọi hội viên tìm kiếm trong ký ức những thông tin.
“Đồng chí nào có manh mối về đồng đội đã hy sinh ở đâu mà chưa được quy tập về các nghĩa trang thì hãy cung cấp để đưa các anh về với quê mẹ”- ông Sơn cho biết. Vậy là vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, các hội viên đã cung cấp thông tin, giúp tìm kiếm, quy tập 41 hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà. Tháng Bảy tri ân, Hội lại tổ chức hoạt động thăm chiến trường xưa.
![]() |
Vợ chồng cựu chiến binh Thành cổ Vũ Ngọc Thuấn ở phường Đa Mai bên ngôi nhà mới. |
Đến với Quảng Trị, mỗi hội viên như sống lại ký ức hào hùng. Mỗi người như lặng đi khi từng tấc đất, mỗi khóm cây, ngọn cỏ đều thấm máu đào của các chiến sĩ. Họ thành kính thắp nén hương thơm, thả đèn hoa đăng hướng về đáy sông cầu an cho linh hồn các đồng đội yên giấc ngàn thu.
Tiếp tục nỗ lực hỗ trợ nhau trong cuộc sống, 7 căn nhà “Ấm tình đồng đội” tặng hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã được xây dựng. Cựu chiến binh Vũ Ngọc Thuấn (SN 1947) ở tổ dân phố Phương Đậu, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) kể: “Trong chiến dịch 81 ngày đêm, tôi chiến đấu ở phía trong Thành cổ và bị bỏng do chất phốt-pho mà Mỹ sử dụng.
May mắn sống sót trở về, tôi xin vào làm công nhân Nhà máy ép dầu Hà Bắc gần nhà. Sức khỏe yếu, lại đông con, thu nhập thấp nên căn nhà xây dựng từ năm 1983 xuống cấp nhưng không có điều kiện để sửa sang hoặc xây mới. Được anh em trong Hội động viên sửa nhà và hỗ trợ 50 triệu đồng, vợ chồng ông mới mạnh dạn làm căn nhà mới. Tổng kinh phí xây dựng hơn 200 triệu đồng.
Ông Thuấn xúc động: “Cảm ơn anh em hội viên Hội chiến sĩ Thành cổ đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ. Nhờ đó mà tôi có động lực để sửa chữa nhà, nếu không thì cứ ở mãi trong căn nhà lụp xụp”. Năm 2020, khi đồng bào miền Trung bị bão lụt, những chiến sĩ Thành cổ người ít người nhiều đều hướng về, ủng hộ 69 triệu đồng. Cùng đó là 84 triệu đồng chung sức phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều nhu yếu phẩm vận động từ con cháu, người thân trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Hiện nay, phần lớn hội viên đều tuổi cao, sức yếu nhưng luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động ở nơi cư trú. Dù ở hoàn cảnh nào, các CCB đều phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường của người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)