Ngăn chặn hiểm họa ma túy ở khu công nghiệp
Vi phạm pháp luật do ma túy
![]() |
Công an xã Nội Hoàng (Yên Dũng) tuyên truyền về tác hại của ma túy đến công nhân. |
Trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang) có nhiều KCN, có thời điểm trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự (ANTT). Do lượng lao động từ các địa phương khác về tìm việc làm, ở trọ lớn, nhiều đối tượng mua bán ma túy lợi dụng hoạt động. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, tại các khu, cụm công nghiệp của huyện xảy ra 69 vụ việc về ANTT. Trong đó có 22 vụ trộm cắp tài sản (chiếm 73,3% so với toàn huyện), 12 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy (chiếm 80%), 14 vụ đánh bạc (chiếm 63,6%).
Đáng chú ý, hầu hết các đối tượng liên quan đến các vụ việc trên đều có biểu hiện nghiện ma túy. Không chỉ là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các vụ phạm pháp hình sự, ma túy cũng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Điển hình như gia đình chị Hoàng Thị T (SN 1960) ở thôn Vân Cốc 2, xã Vân Trung.
Chồng mất sớm, một mình chị bươn trải, làm phụ hồ nuôi ba con, nào ngờ khoảng 3 năm trước, con trai lớn là Dương Ngô V (SN 1994) lại nghiện ma túy. “Khuyên bảo con không được, cực chẳng đã tôi làm đơn đề nghị cơ quan chức năng lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Làm mẹ, tôi cũng chỉ mong sau lần này con mình tránh xa được ma túy”, chị T tâm sự.
Thực tế, các doanh nghiệp (DN) đầu tư trên địa bàn giúp người dân có thêm việc làm, thu nhập. Tuy nhiên bên cạnh ưu điểm cũng phát sinh nhiều vấn đề về ANTT. Ghi nhận tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cho thấy, mặc dù địa phương chỉ có 3 đối tượng nghiện song những tháng đầu năm nay, tình hình tội phạm ma túy tại đây tương đối phức tạp.
Nguyên nhân một phần do lượng lao động từ các tỉnh Tây Bắc như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái… đến tìm việc làm đông. Lợi dụng điều này, một số đối tượng thuê phòng trọ rồi đưa ma túy từ các tỉnh giáp Lào về len lút bán cho công nhân. Từ đó, con nghiện ở các địa phương khác dạt về mua thuốc khiến tình hình ANTT phức tạp. Điển hình như Trần Kim Thiện (SN 2001) ở thôn Quang Biểu, xã Quang Châu và Bùi Văn Tùng (SN 1997) ở tổ dân phố Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) bị bắt giữ khi vừa đột nhập vào một DN ở xã Nội Hoàng lấy trộm tài sản trị giá gần 80 triệu đồng.
Trung tá Nguyễn Xuân Tín, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an huyện Yên Dũng) nói: “Tại các xã giáp ranh KCN, tội phạm ma túy chủ yếu từ các địa phương khác dạt về hoạt động. Để che giấu hành vi, bọn chúng trà trộn vào các xóm trọ công nhân, thường xuyên thay đổi phòng trọ, chỉ bán cho các con nghiện quen mặt”.
Tập trung tuyên truyền, đấu tranh
Năm nay, Công an tỉnh xác định tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm nói chung, ma túy nói riêng ở địa bàn các KCN là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện chủ trương này, Công an huyện Yên Dũng triệt phá 3 vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy tại xã Nội Hoàng; phát hiện, bắt giữ 3 vụ tổ chức sử dụng ma túy trong các nhà nghỉ, quán karaoke tại xã Tiền Phong.
Cùng với bắt giữ các đối tượng phạm tội ma túy, Công an huyện Việt Yên phối hợp TAND huyện đưa các vụ án về ma túy ra xét xử lưu động tại địa bàn ven các khu, cụm công nghiệp. Ngày 10/7, tại trụ sở UBND thị trấn Nếnh, TAND huyện đưa Hà Chí Toàn (SN 1985) ở phường Xương Giang (TP Bắc Giang) ra xét xử về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, thu hút sự chú ý của người dân địa phương và công nhân, người lao động.
Thực tế cho thấy, việc mở các phiên tòa lưu động là một hình thức giúp công nhân, người lao động nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận thức rõ tác hại của ma túy cũng như giá phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến ma túy. Tới đây, Công an huyện, TAND huyện Việt Yên tiếp tục mở thêm những phiên tòa tương tự tại các thôn, tổ dân phố có đông công nhân thuê trọ.
Tại hội nghị đối thoại giữa Công an tỉnh với các DN trong KCN vào tháng 7 vừa qua, đại diện một số công ty phản ánh, ma túy là nguồn cơn dẫn đến nhiều loại tội phạm, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho chủ đầu tư và cả công nhân. Để ổn định tình hình địa bàn, nhiều ý kiến đề nghị lực lượng công an mở đợt tổng rà soát các khu nhà trọ, đưa vào quản lý, theo dõi những trường hợp không phải là công nhân, có hành tung bí ẩn; thành lập, duy trì các tổ tuần tra vũ trang ban đêm ở địa bàn trọng điểm.
Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Nếu địa bàn nào để DN, người lao động phản ánh về tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đời sống của công nhân, chúng tôi sẽ yêu cầu thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm. Cùng đó, chính quyền địa phương, bản thân người sử dụng lao động và lao động trong các DN cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nói không với ma túy ở mọi lúc, mọi nơi; khi có vụ việc xảy ra thông báo ngay và phối hợp với lực lượng công an để điều tra, làm rõ”.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)