Nâng năng lực điều trị qua thực tiễn chống dịch
Học hỏi từ chuyên gia
Thời gian qua, Bệnh viện Phổi Bắc Giang luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để mở rộng kỹ thuật, phát triển chuyên sâu về điều trị các bệnh lý hô hấp. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Là bệnh viện chuyên khoa hạng III, tuyến đầu trên địa bàn tỉnh có quy mô 230 giường, 17 khoa, phòng, trung tâm và 153 cán bộ, nhân viên y tế, đơn vị đã đầu tư các kỹ thuật mũi nhọn, trang bị máy móc hiện đại, tăng cường hợp tác với các bệnh viện T.Ư, chuyên gia đầu ngành, tổ chức trong và ngoài nước để phát triển kỹ thuật cao.
![]() |
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Bắc Giang thực hiện nội soi hút dịch đờm cho bệnh nhân. |
Khi dịch Covid-19 bùng phát, từ giữa tháng 5/2021 đến đầu tháng 7/2021, Bệnh viện tạm dừng khám, chữa bệnh thông thường để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện chia thành 2 khu vực chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và nhẹ. Đây là nhiệm vụ khó, lần đầu tiên thực hiện nên các bác sĩ, điều dưỡng đều chưa có kinh nghiệm.
Trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng”, với chức năng chuyên khoa, Bệnh viện được chọn làm nơi xây dựng trung tâm hồi sức tích cực (ICU) chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 có diễn biến suy hô hấp đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Bộ Y tế liên tục điều động nhân lực, máy móc, trang thiết bị về hỗ trợ cho Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Đặc biệt là các chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam đến từ các bệnh viện: Chợ Rẫy, Bạch Mai.
Ban lãnh đạo Bệnh viện nhận thấy đây là cơ hội để được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nhận trực tiếp các kỹ thuật khó ở các chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, nội khoa liên quan đến suy hô hấp, suy đa tạng, trụy tim mạch từ các bác sĩ đầu ngành của cả nước. Do đó, trong thời gian đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy làm việc ở đây, tại mỗi kíp trực của các chuyên gia, bệnh viện đều bố trí thêm từ 3-5 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện làm việc cùng.
Bác sĩ Thân Minh Khương, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Phổi Bắc Giang) chia sẻ: “Chúng tôi vừa điều trị vừa học hỏi, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, thủ thuật mới. Nhất là trong quá trình xử lý các tình huống ứ dịch, tăng khó thở, hình ảnh phổi lan tỏa cần hỗ trợ các thiết bị ngoài cơ thể. Hay đơn giản là những động tác vỗ rung lồng ngực, nằm sấp giúp bệnh nhân thở máy lâu ngày hạn chế biến chứng teo cơ, ứ dịch, áp xe phổi".
Sau khi dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy trở về nhận nhiệm vụ mới, lúc này, Bệnh viện Phổi Bắc Giang đã từng bước áp dụng thuần thục và tự tin làm chủ công tác điều trị cho bệnh nhân nặng tại trung tâm ICU. Trong đợt dịch này, cùng với sự hỗ trợ của các bệnh viện đầu ngành trong cả nước, Bệnh viện Phổi Bắc Giang đã điều trị khỏi bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19, trong đó có gần 100 ca nặng, thậm chí có nhiều trường hợp từng phải hỗ trợ tim, phổi ngoài cơ thể rất nhiều ngày cũng bình phục.
Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu mà đa số bệnh viện cùng tuyến trong khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc chưa làm được như: Kỹ thuật nuôi cấy, làm kháng sinh đồ vi khuẩn lao trên máy MGIT-BACTEC; phân tích khí máu - điện giải đồ tự động; cắt mẫu bệnh phẩm tế bào học; chẩn đoán sớm, điều trị chuyên sâu về ung thư phổi. |
Từ thực tiễn điều trị khó khăn, một số kỹ thuật được đào tạo trực tiếp qua “cầm tay chỉ việc” như: Đặt nội khí quản, mở khí quản, nội soi màng phổi, chẩn đoán, phân tích hình ảnh phổi tổn thương lan tỏa đã được các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện thực hiện thuần thục, hiệu quả.
Nâng cao trình độ chuyên môn
Dịch bệnh tạm lắng, từ ngày 23/7, Bệnh viện chuyển trạng thái trở lại hoạt động khám, chữa các bệnh lý về lao, phổi, đường hô hấp trên, hô hấp dưới. Từ đơn vị có phòng cấp cứu phổ thông, Bệnh viện đã được tiếp quản trung tâm ICU hiện đại với đầy đủ hệ thống máy hỗ trợ tim, phổi ngoài cơ thể (ECMO), máy thở xâm nhập, không xâm nhập, lọc máu liên tục phục vụ hữu ích cho cấp cứu điều trị các bệnh lý về hô hấp (không phải Covid-19) khi trở lại khám, chữa bệnh bình thường. Hiện Bệnh viện tạm thời chuyển một số máy thở vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh điều trị bệnh nhân Covid-19.
![]() |
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Ảnh tư liệu |
Bác sĩ Trần Anh Đức, Khoa Khám bệnh cho biết: “Qua đợt dịch, chuyên môn, tay nghề của bác sĩ, điều dưỡng được nâng lên rõ rệt trong xử trí các tình huống cấp cứu suy hô hấp. Bởi trong một thời gian dài, chúng tôi thường xuyên, liên tục xử trí các ca viêm phổi, khó thở do virus SARS-CoV-2, đặc biệt có một số ca ở mức nặng và nguy kịch”. Thời điểm này, song hành với công tác phòng, chống dịch, Bệnh viện đặt mục tiêu phát triển kỹ thuật mới, đáp ứng điều trị chuyên sâu các bệnh lý lao, phổi.
Sau hai tuần hoạt động trở lại, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại đây chưa đông, mới chỉ có từ 40-60 lượt người mỗi ngày. Trong khi thời điểm trước dịch, hằng ngày có từ 150-200 lượt bệnh nhân. Hiện Bệnh viện vẫn hạn chế tiếp nhận bệnh nhân nội trú. Người ra vào viện đều được test nhanh Covid-19. Riêng các trường hợp có triệu chứng và yếu tố nguy cơ được làm xét nghiệm PCR.
Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu mà đa số bệnh viện cùng tuyến trong khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc chưa làm được như: Kỹ thuật nuôi cấy, làm kháng sinh đồ vi khuẩn lao trên máy MGIT-BACTEC; phân tích khí máu - điện giải đồ tự động; cắt mẫu bệnh phẩm tế bào học; chẩn đoán sớm, điều trị chuyên sâu về ung thư phổi. Bệnh nhân Tạ Thị Hạnh, 40 tuổi, ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) chia sẻ: “Tôi bị giãn phế quản, ho ra máu nhiều. May mắn vào viện kịp thời, tôi được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu. Ở đây, trang thiết bị hiện đại, tôi được điều trị tích cực giảm phù phổi, sau đó khỏe dần lên”.
Mới đây, Bệnh viện được Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ hệ thống xe chuyên dụng chụp X-quang kỹ thuật số lưu động phục vụ công tác khám sàng lọc người nhiễm lao tại cộng đồng. Qua đó, hỗ trợ tích cực cho bác sĩ nhanh chóng phát hiện bệnh nhân có bệnh lý về phổi và những vấn đề liên quan đến đường hô hấp dưới ở mức độ chuyên sâu để phát hiện những tổn thương sớm, điều trị hiệu quả, góp phần đẩy nhanh lộ trình thanh toán bệnh lao vào năm 2030 theo mục tiêu của Chương trình chống Lao tỉnh Bắc Giang.
Thời điểm này, Bệnh viện đã bố trí các kíp bác sĩ, kỹ thuật viên đi đào tạo ngắn hạn để phát triển các gói kỹ thuật mới về can thiệp tràn dịch màng phổi, phổi đông đặc, điều trị lao kháng thuốc. Bệnh viện đang có 20 bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện vào các cơ sở điều trị Covid-19 ở các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh làm việc. Đồng thời, Bệnh viện vẫn chuẩn bị phương án sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ý kiến bạn đọc (0)