Nâng hiệu quả trồng rừng thay thế
Nhiều dự án được triển khai
Theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lục Ngạn, chúng tôi đến một số xã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo cho người TRTT nương rẫy như: Tân Lập, Đèo Gia, Nam Dương, Tân Mộc... Thăm vườn bạch đàn đang lên xanh tốt của gia đình chị Diệp Thị Thúy (SN 1993), dân tộc Sán Dìu ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, chúng tôi không nghĩ rằng cách đây 3 năm, khu vực này chỉ là những đồi sắn cằn cỗi.
![]() |
Khu rừng bạch đàn 3 năm tuổi được trồng từ chính sách hỗ trợ trồng rừng thay thế nương rẫy của gia đình chị Diệp Thị Thúy, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn). |
Theo lời chị Thúy, gần chục năm trước, vợ chồng chị được bố mẹ cho 3 ha đất rừng làm “của hồi môn”. Lúc đầu, hai vợ chồng cũng thử trồng cam tại đây song không hiệu quả do khu vực này cao, thiếu nước tưới nên lại quay về trồng ngô, sắn còn lại bỏ hoang. Năm 2019, chị Thúy đăng ký trồng bạch đàn trên diện tích này theo Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh nghèo sống ở khu vực khó khăn thực hiện TRTT nương rẫy.
Được hỗ trợ gạo và cán bộ kiểm lâm địa bàn giúp lựa chọn giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đến nay rừng bạch đàn của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. “Khoảng 2 năm nữa là khu rừng này có thể khai thác với thu nhập khoảng 150 đến 180 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để nâng giá trị, gia đình chỉ chặt tỉa một phần, còn lại sẽ phát triển thành rừng gỗ lớn”, chị Thúy nói.
Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn có 63 dự án được phê duyệt phương án TRTT theo hình thức nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh do không tự tổ chức trồng với diện tích 548,19 ha, tương ứng với số tiền phải nộp là gần 45 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh phân bổ hơn 15 tỷ đồng để thực hiện trồng, chăm sóc hơn 363 ha rừng các loại, tập trung chủ yếu vào các loại cây bản địa như: Lim xanh, thông, vối thuốc... |
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn có 63 dự án được phê duyệt phương án TRTT theo hình thức nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh do không tự tổ chức trồng với diện tích 548,19 ha, tương ứng với số tiền phải nộp là gần 45 tỷ đồng.
Đến nay, UBND tỉnh phân bổ hơn 15 tỷ đồng để thực hiện trồng, chăm sóc hơn 363 ha rừng các loại, tập trung chủ yếu vào các loại cây bản địa như: Lim xanh, thông, vối thuốc...
Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động, giai đoạn này đơn vị phối hợp với các hộ dân trồng hơn 51 ha cây thông mã vĩ tại các vùng đất khô cằn, bị thoái hóa, rửa trôi thuộc các xã: An Lạc, Dương Hưu và Long Sơn.
Hiện diện tích này đang phát triển tốt và dự kiến cho khai thác nhựa sau khoảng 15 năm trồng. Tương tự, từ nguồn vốn này, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Dũng tiến hành trồng, chăm sóc hơn 400 ha rừng tại những vị trí bị cháy rừng, đất trống, đồi trọc.
Ông Nguyễn Minh Hiền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Dũng nói: “Chính sách hỗ trợ TRTT đã góp phần hồi sinh những cánh rừng, duy trì độ che phủ rừng. Hiện trên địa bàn không còn diện tích để thực hiện TRTT nên chúng tôi tập trung hướng dẫn các hộ dân thực hiện chăm sóc những khu rừng đã trồng, bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển tốt”.
Để rừng mãi xanh
Thực tế, quá trình triển khai hỗ trợ TRTT, cùng với phối hợp thiết kế, nghiệm thu, cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện trực tiếp đến thôn, bản hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, cung cấp cây giống có chất lượng. Nhờ vậy, chất lượng rừng trồng bảo đảm, cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt.
Qua thống kê, giai đoạn 2016-2021, năng suất rừng trồng của tỉnh tăng qua các năm, hiện đang duy trì 20 m3/ha/năm. Cũng trong giai đoạn này, cả tỉnh trồng gần 50 nghìn ha rừng, qua đó nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên 38% (năm 2021), tăng 0,77% so với năm 2016.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác TRTT nhưng một số đơn vị dù không thể tự TRTT song chưa nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng.
Nhiều diện tích rừng manh mún, nhỏ lẻ nên khi triển khai các chương trình hỗ trợ khó thực hiện, chưa phát huy được tính sản xuất hàng hóa; tình hình sinh trưởng của cây trồng không đồng đều giữa các đơn vị chủ rừng, năm trồng, loài cây trồng…
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mới đây, Tỉnh ủy có Chương trình hành động, trong đó xác định đến năm 2030 duy trì tỷ lệ che phủ rừng là 37%, nâng năng suất, chất lượng rừng.
Để hoàn thành mục tiêu này, Tỉnh ủy xác định sẽ bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; thực hiện các biện pháp làm giàu rừng, trồng bổ sung cây bản địa để phục hồi rừng tự nhiên; duy trì phong trào trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán...
Với trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định chủ động tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp quản lý, bảo vệ và khai thác tiềm năng kinh tế rừng; tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng được trồng bằng nguồn vốn TRTT.
Ông Trương Đức Đáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Để việc TRTT đạt hiệu quả cao, chúng tôi đang đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh có công văn đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị chưa nộp tiền TRTT về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thực hiện nghĩa vụ; tiến hành thẩm định ngoài hiện trường để xây dựng kế hoạch hỗ trợ TRTT cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
Với diện tích đã trồng, đơn vị phối hợp thẩm định thực tế, nếu đã thành rừng thì đưa vào rừng phòng hộ giao khoán cho các hộ dân bảo vệ. Nếu chưa đạt thì yêu cầu phải tiếp tục chăm sóc đến khi nào thành rừng mới được nghiệm thu”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)