Nâng chất lượng nước sinh hoạt tại địa bàn nguy cơ ô nhiễm cao
Vơi bớt nỗi lo
Chiều cuối tuần, chúng tôi cùng ông Ngô Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh (Hiệp Hòa) đến thăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (SHTT) của xã đặt tại thôn Hương Thịnh. Trên đường đi, ông Hân thông tin, với hơn 1,2 nghìn hộ dân, gần 5,3 nghìn nhân khẩu, trung bình mỗi năm cả xã có khoảng 30-35 người tử vong, trong đó tại thôn Hương Thịnh có khoảng 15-17 người. Đáng chú, gần chục năm trước, nhiều người tử vong tại thôn Hương Thịnh là do bị ung thư. Dù không rõ nguyên nhân song nhiều người cho rằng do thôn bám theo sông Cầu nên có thể nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.
Trước đề nghị của người dân, lãnh đạo địa phương đề xuất và được một tổ chức phi chính phủ tài trợ hơn 6,3 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước SHTT với công suất 800 m3/ngày đêm. Ngay sau khi công trình hoàn thành, đưa vào khai thác (năm 2009), 100% hộ dân ở thôn Hương Thịnh đăng ký sử dụng nước sạch. “Từ khi có nước sạch, sức khỏe người dân thôn Hương Thịnh được bảo đảm, số người tử vong do bị ung thư giảm. Ví như năm nay, cả thôn có hơn chục người tử vong song chỉ có một trường hợp mắc căn bệnh nan y này. Thấy được vai trò của nước sạch với sức khỏe, đến nay toàn xã có 92% số hộ sử dụng”, ông Ngô Văn Hân nói.
![]() |
Anh Nguyễn Đình Quân, thôn Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) sử dụng nước sạch sản xuất bánh đa nem. |
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh đạt 54,81%. Đáng chú ý, tại các làng nghề, địa bàn gần khu công nghiệp, tỷ lệ này là hơn 85%. Ghi nhận tại xã Quang Châu (Việt Yên), sau 5 năm có công trình cấp nước SHTT, toàn xã có hơn 5,7 nghìn hộ và 69 tổ chức, tập thể sử dụng nước sạch, đạt 88%. Tương tự, tại xã Vân Hà (cùng huyện), nếu như trước đây, người dân trong xã chủ yếu sử dụng nước ngầm để phục vụ sản xuất, sinh hoạt thì nay đã thay đổi tư duy, chuyển sang sử dụng nước sạch. Hiện toàn xã có khoảng 98-99% số hộ sử dụng nước sạch (cao nhất huyện), số còn lại chủ yếu ở ngoài bãi, chưa có hệ thống ống cấp nước và một số hộ kinh doanh vận tải trên sông.
Theo các hộ sản xuất bánh đa nem tại thôn Thổ Hà, do nước sông Cầu hay bị đục nên trước đây người dân thường xuyên phải sục, rửa bể lọc nước, thậm chí có thời điểm tạm ngừng sản xuất do chất lượng nước không bảo đảm. “Trước đây cứ hơn một tuần tôi mất gần 2 giờ để sục lại bể lọc song từ khi sử dụng nước sạch, phần việc này đã không phải thực hiện. Nguồn nước bảo đảm, gia đình yên tâm sản xuất, mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 1,5 vạn bánh đa nem”, anh Nguyễn Đình Quân, thôn Thổ Hà chia sẻ.
Tích cực tuyên truyền, thay đổi nhận thức
Với 137 công trình cấp nước SHTT, trong đó có 133 công trình được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đã góp phần bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân. Mặc dù vậy, do có nhiều công trình quy mô xây dựng nhỏ, công nghệ xử lý chưa phù hợp, trong khi nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của nước sạch trong đời sống nên tỷ lệ hộ dân sử dụng không đạt như kỳ vọng, nhiều công trình, nhà máy hoạt động không hết công suất. Tại xã Quang Minh, dù tỷ lệ sử dụng nước sạch toàn xã đạt 92% song trên thực tế chỉ có khoảng 82,5% số hộ sử dụng thường xuyên, đóng tiền mua nước hằng tháng. Số còn lại, người dân chỉ sử dụng nước sạch để nấu ăn, mọi sinh hoạt khác trong gia đình vẫn dùng nước giếng. Còn tại xã Vân Hà, nhiều thời điểm nước sông Cầu bị ô nhiễm, doanh nghiệp cấp nước phải tăng liều Cloramine B để khử trùng nên không ít người cũng lo ngại.
Với 137 công trình cấp nước SHTT, trong đó có 133 công trình được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, đến nay tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh đạt 54,81%. Đáng chú ý, tại các làng nghề, địa bàn gần khu công nghiệp, tỷ lệ này là hơn 85% |
Theo ông Trần Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, qua lấy mẫu tại các làng nghề, khu vực gần các khu, cụm công nghiệp, cơ quan chuyên môn xác định nhiều mẫu nước thải đều có thông số vượt tiêu chuẩn cho phép; nước mặt, nước ngầm ở mức độ khác nhau đều có dấu hiệu ô nhiễm. Do đó, mục tiêu đưa nước sạch đến 100% hộ dân tại các làng nghề, khu vực có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm đang được Trung tâm xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Cùng với rà soát, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình cấp nước SHTT, Trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, loại bỏ các nguồn nước không bảo đảm vệ sinh trong sinh hoạt. “Thực tế địa phương nào đẩy mạnh tuyên truyền, chính quyền cơ sở tích cực vào cuộc thì ở đó tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch cao. Để bảo đảm sức khỏe của chính mình, mỗi hộ dân cần nhận thức rõ vai trò của nước sạch đối với sức khỏe bản thân, chủ động sản xuất sạch, phân loại, xử lý chất thải ngay từ gia đình”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)