Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học- công nghệ
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc. |
Những tháng đầu năm, Sở KHCN đã tổ chức quản lý theo dõi 42 đề tài, dự án cấp tỉnh và cấp quốc gia đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 28 đề tài, dự án cấp tỉnh và 14 dự án cấp quốc gia. Triển khai thực hiện và tổ chức các hội đồng xét duyệt thuyết minh, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cơ bản bảo đảm tiến độ, quy định hiện hành.
Tổ chức họp các hội đồng tuyển chọn, xét duyệt thuyết minh; thẩm định kinh phí, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh thực hiện năm 2020.
Đơn vị đã tập trung thẩm định công nghệ, tham gia ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thẩm định, tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, hồ sơ đề nghị thực hiện dự án, hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án…
Tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch hoạt động của ban chỉ đạo (BCĐ) ISO tỉnh năm 2020; công văn về việc đăng ký đào tạo áp dụng, duy trì, cải tiến ISO của UBND cấp xã; công văn hướng dẫn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng của UBND cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh. Công tác sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động thanh, kiểm tra được triển khai theo kế hoạch.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở KHCN đã nêu những khó khăn như: Công tác quản lý nhà nước về KHCN chưa thực sự hiệu quả. Vị thế của KHCN dần được khẳng định nhưng chưa xứng tầm với xu thế phát triển. Kinh phí đầu tư cho hoạt động KHCN thấp.
Tiềm lực KHCN, nhân lực, trang thiết bị nghiên cứu, ứng dụng KHCN vẫn thiếu và yếu. Năng lực kiểm định, hiệu chuẩn của các tổ chức trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc triển khai các đề tài, dự án ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống trong lĩnh vực bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp còn ít. Việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa nhiều.
Các sản phẩm nông sản, chủ lực đặc trưng, tiềm năng của tỉnh đã cơ bản được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhưng việc duy trì chất lượng cũng như quy trình sản xuất của chủ sở hữu gặp khó khăn, khó kiểm tra, kiểm soát.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh thời đại công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho hoạt động KHCN nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đó, những tháng cuối năm và trong thời gian tới, đồng chí đề nghị lãnh đạo ngành cần tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực KHCN. Chú trọng và quan tâm hơn nữa công tác tham mưu, nhất là tham mưu về cơ chế chính sách, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn.
Rà soát lại các cơ chế, chính sách, kế hoạch về KHCN trong thời gian qua và sớm có đánh giá một cách toàn diện. Trên cơ sở đó có định hướng và kế hoạch cụ thể cho việc thực hiện trong giai đoạn tới. Tập trung cao cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN.
Ưu tiên và có lộ trình thực hiện đối với những đề tài có tính thực tiễn cao. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học ở cấp cơ sở, làm tốt công tác sở hữu trí tuệ, qua đó phục vụ thiết thực, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc (0)