Nâng cao năng lực y tế cơ sở, tiếp tục chiến dịch thần tốc tiêm vắc-xin
Dự tại điểm cầu Bắc Giang có các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Trung tâm chỉ huy PCD Covid-19 tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Một năm nhiều thử thách
![]() |
Đồng chí Mai Sơn và đại diện một số sở, ngành dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
|
Năm 2021, ngành y tế đối diện với nhiều làn sóng dịch bùng phát dữ dội nhưng cả nước đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đặc biệt thách thức của năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống y tế cả nước vừa thực hiện tốt các hoạt động mang tính chất cấp bách trong PCD, vừa tập trung hoàn thiện các chiến lược đổi mới trung và dài hạn của ngành y tế (về cấu trúc mạng lưới và vận hành chức năng, nhân lực y tế, tài chính y tế, thông tin y tế).
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ngành y tế đã chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp PCD, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở thực tiễn; nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế còn hạn chế, đảm nhiệm vai trò chủ lực, then chốt cùng các cấp, ngành triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp PCD.
Ngành y tế chủ động các phương án điều trị, trong đó tăng năng lực, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, tại nhà bảo đảm người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế sớm để được theo dõi, chăm sóc, điều trị, giảm thiểu tối đa trường hợp tử vong.
Từ một nước tiếp cận hạn chế với nguồn vắc-xin phòng Covid-19, đến nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới. Hệ thống y tế đã trụ vững trong những thời điểm cam go, kịp thời ngăn chặn đại dịch "leo thang" lên mức khủng hoảng, không gây ra thảm họa y tế như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Cùng đó, ngành tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh. Các hoạt động y tế thường quy vẫn được duy trì hiệu quả.
Mặc dù vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa đáp ứng tốt yêu cầu khi dịch xảy ra bất ngờ, quy mô bùng phát dữ dội trên diện rộng. Phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến. Chất lượng đội ngũ ở cơ sở còn yếu, thiếu điều dưỡng, chưa có chính sách hữu hiệu để thu hút thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề làm việc lâu dài tại các vùng khó khăn.
Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế ở một số nơi chưa đạt tiêu chuẩn. Quản lý, giám sát chưa chặt chẽ vẫn để xảy ra một số vụ việc sai phạm liên quan đến mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, ảnh hưởng tới uy tín, hiệu quả hoạt động của ngành.
Triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2021 vừa đi qua với nhiều khó khăn, thử thách song đất nước vẫn giành được nhiều thành tựu quan trọng: Giữ ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại có bước tiến quan trọng, tiếp tục hội nhập sâu rộng; giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng chí khẳng định trong những thành tựu chung của đất nước có đóng góp tích cực của ngành y tế. Điểm sáng nổi bật nhất chính là cả nước thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp PCD, kịp thời chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa PCD, vừa phục hồi, phát triển KT-XH. Ngành Y tế đóng góp vào xây dựng chiến lược vắc-xin, thúc đẩy ngoại giao vắc-xin, thành lập quỹ vắc-xin và phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.
Việc chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển KT-XH. Các chủ trương, chính sách, biện pháp triển khai PCD được Trung ương đánh giá là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bài học thành công trước hết là phải tuân thủ nghiêm các chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó yếu tố bình tĩnh, chắc chắn, bản lĩnh trong lúc khó khăn, chọn được cách tiếp cận đúng mà cụ thể là lấy phường, xã làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để chống dịch.
Dự báo năm 2022, tình hình dịch bệnh vẫn đối diện với nhiều khó khăn, Thủ tướng gợi mở một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp ngành y tế cần tập trung thực hiện. Đồng chí yêu cầu ngành y tế cần bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ để cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ nhân dân.
Đồng chí chỉ đạo tiếp tục tập trung PCD Covid-19; thực hiện chế độ “trực chiến”, sẵn sàng cho mọi tình huống và triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ở tất cả các tỉnh, TP. Tiếp tục triển khai “thần tốc, thần tốc hơn nữa” chiến dịch tiêm chủng vắc-xin nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường, có phương án an toàn, hiệu quả mở cửa trường học trở lại.
Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế và sinh phẩm trong nước bảo đảm nguyên tắc khoa học, an toàn; tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, ngành y tế cần chú trọng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, khắc phục các bất cập, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động cấp phép lưu hành thuốc, vắc-xin, mua sắm trang thiết bị. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là lĩnh vực dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của y tế cấp xã, trước mắt nhằm bảo đảm năng lực ứng phó dịch bệnh.
Chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực y tế, có cơ chế thu hút đặc thù đối với thầy thuốc về làm việc tại vùng khó khăn. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dân số, phát triển nhanh ngành dược, y dược cổ truyền.
Đồng chí nhấn mạnh, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thật sự bản lĩnh, vững về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2022.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin mùa xuân từ ngày 1 đến 28/2.
![]() |
Đồng chí Mai Sơn yêu cầu Sở Y tế, các huyện, TP thực hiện nghiêm kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
|
Kết thúc hội nghị, đồng chí Mai Sơn yêu cầu Sở Y tế, các huyện, TP thực hiện nghiêm kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề nghị toàn tỉnh tập trung cao tiêm chủng mũi 3 hoàn thành trước Tết Nguyên đán, rà soát tiêm vét cho một số ít trường hợp chưa tiêm chủng, tiêm mũi tăng cường cho người có bệnh nền. Một số huyện đạt tỷ lệ chưa cao với bình quân toàn tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ tiêm.
Đồng chí yêu cầu các huyện, TP chủ động mua sắm dự phòng thiết bị xét nghiệm nhanh để chủ động xét nghiệm trong các tình huống phát sinh và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định PCD.
Tin, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)