Nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp dự.
6 tháng đầu năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ và mục tiêu phát triển KT-XH của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và từng địa phương; ứng phó kịp thời với đại dịch Covid-19.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. |
Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được toàn ngành coi là nhiệm vụ trọng tâm. So với cùng kỳ năm 2019, số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành tăng ở cấp T.Ư nhưng giảm mạnh ở cấp huyện, xã. Các bộ, ngành xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 410 VBQPPL (tăng 62 văn bản so với cùng kỳ 2019).
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hội nghị trực tuyến, các phần mềm chuyên ngành, trong ngành được đẩy mạnh. Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao.
![]() |
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Tuy nhiên, kết quả công tác trên các lĩnh vực hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Các bộ, ngành còn “nợ” 9 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh (tăng 2 văn bản so với cùng kỳ năm 2019).
Tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu ở cả T.Ư và địa phương (riêng tại Bộ Tư pháp còn hơn 13.600 thông tin chưa xử lý). Trong công tác thi hành án dân sự, số lượng thi hành xong về việc giảm 1,79% so với cùng kỳ 2019.
Ở tỉnh Bắc Giang, 6 tháng đầu năm, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến, thẩm định, đề nghị xây dựng, hoàn thiện 109 VBQPPL (tăng so với cùng kỳ năm 2019). Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện bài bản, chính xác. Tổ chức kiểm tra liên ngành việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Sở đã triển khai xử lý khoảng 29 nghìn thông tin lý lịch bổ sung do chưa có bản án; cấp gần 4 nghìn phiếu lý lịch tư pháp. Ngành Tư pháp Bắc Giang cũng gặp một số khó khăn trong lĩnh vực công chức, hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp, bán đấu giá tài sản, thi hành án dân sự…
Kết luận, đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh một số giải pháp và yêu cầu toàn ngành tiếp tục tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã xác định từ đầu năm.
Cụ thể như: Nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với luật.
Triển khai, thi hành hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung các luật đã có hiệu lực thi hành. Chú trọng công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.
Tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng…
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)