Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản hàng hóa
Chất lượng cao, mẫu mã đẹp
Thực hiện Quyết định số 1886/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh, giai đoạn 2019-2021”, đến nay, Sở Công Thương hỗ trợ 24 DN, HTX với kinh phí hơn 11 tỷ đồng.
![]() |
Thành viên HTX Na dai Nghĩa Phương (Lục Nam) dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trước khi tiêu thụ. Ảnh: CTV |
Nông sản tham gia thuộc nhóm sản phẩm: Vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế, cam bưởi Lục Ngạn, rượu làng Vân, na dai Lục Nam. Sở Công Thương hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị đầu tư máy móc, trang thiết bị, bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đến nay, những đơn vị được hỗ trợ trong năm 2019, 2020 đều duy trì hoạt động hiệu quả; sản phẩm có năng suất, chất lượng cao; mẫu mã bao bì, tem nhãn đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Quy mô sản xuất mở rộng, liên kết tiêu thụ đầu ra thuận lợi, nhiều DN, HTX ký đơn hàng xuất khẩu với số lượng lớn.
Dịp này, HTX Sản xuất, kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Hiền Phước, xã Nam Dương (Lục Ngạn) tập trung cao cho sản xuất sau dịch, đóng gói sản phẩm để kịp giao hàng cho khách. Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX chia sẻ, thành lập từ năm 2015, ban đầu sản phẩm làm ra chủ yếu bán lẻ tại chợ truyền thống của tỉnh, mẫu mã bao bì sơ sài.
Năm 2019, tham gia Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh, HTX được hỗ trợ 100 triệu đồng đầu tư mua túi giấy Zipper và thiết kế bao bì mới. “Từ khi thay đổi mẫu mã, bao bì, đơn hàng tăng mạnh. Nhiều nhà hàng, siêu thị, cửa hàng lớn đặt mua với số lượng nhiều, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao”, bà Hiền cho biết thêm.
Đến nay, mỗi tháng, HTX cung cấp từ 35-40 tấn mỳ cho thị trường chính là TP Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Quảng Ninh và hệ thống siêu thị Fivimart, Hapro. Để đáp ứng các đơn hàng đã ký, HTX hợp tác, liên kết cùng 40 hộ làm mỳ ở xã Nam Dương cùng sản xuất.
Cùng với việc hỗ trợ bao bì, túi giấy, tem nhãn, trang thiết bị cho các đơn vị sản xuất mỳ, nhiều HTX, DN sản xuất tiêu thụ cam, bưởi, vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn cũng được thụ hưởng. Nhờ đó, những sản phẩm này xuất khẩu thuận lợi, giá bán cao. Tương tự, một số đơn vị sản xuất, chế biến gà thịt tại Yên Thế, sản xuất rượu tại xã Vân Hà (Việt Yên) và na dai Lục Nam cũng được hỗ trợ mở rộng thị trường, giá bán cao nhờ có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhân rộng mô hình
Đánh giá về hiệu quả Đề án “Xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021”, ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, Đề án đã góp phần thay đổi tư duy của người dân về sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.
![]() Hiện Bắc Giang đã công nhận 20 nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh tập trung vào nhóm sản phẩm: Mỳ, vải thiều, cam bưởi, na, rượu làng Vân và gà đồi Yên Thế. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công Thương thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tham gia thực hiện và phát huy tối đa hiệu quả Đề án". Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương. |
Qua đây góp phần hình thành các vùng canh tác quy mô lớn trên địa bàn; nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa, dễ dàng kết nối với sản phẩm cùng loại của các địa phương trong vùng, trong nước và thuận lợi xuất khẩu.
Điển hình như, vải thiều Lục Ngạn hình thành vùng canh tác riêng biệt xuất khẩu đi từng thị trường; vải đang được bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia, đồng thời sản phẩm này vừa được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Nhờ vậy, vải thiều tiêu thụ thuận lợi ở trong nước và quốc tế, mang lại giá trị cao. Hay như mỹ Chũ đã xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia... Phát huy kết quả đạt được, Sở Công Thương đang hỗ trợ 4 đơn vị tham gia Đề án gồm: HTX mỳ Chũ Dậu Anh, thôn Cảnh, xã Nam Dương; HTX Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm, thôn Trại Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn); HTX na dai Nghĩa Phương, thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương; HTX Sản xuất na dai Lục Nam, thôn Liên Khuyên, xã Huyền Sơn (Lục Nam). Mỗi đơn vị tham gia được hỗ trợ từ 100 đến 300 triệu đồng trang bị máy móc, thiết bị và bao bì, tem nhãn cho sản phẩm.
![]() |
Nhờ được hỗ trợ bao bì, mỳ Chũ Xuân Trường (Lục Ngạn) tiêu thụ thuận lợi. |
Đến thời điểm này, cán bộ phòng chuyên môn Sở đã hoàn thiện các thủ tục giải ngân vốn; giám sát các đơn vị lắp đặt máy móc. Riêng đối với các HTX na tại huyện Lục Nam gần một tháng nay đã sử dụng bao bì, tem nhãn được hỗ trợ để đẩy mạnh tiêu thụ ngay trong vụ na này.
Ông Hoàng Văn Hướng, Giám đốc HTX na dai Nghĩa Phương cho biết: "HTX có 54 thành viên với hơn 34,2 ha na dai, sản lượng ước đạt hơn 200 tấn. Năm nay, do được cơ quan chuyên môn hỗ trợ tem truy xuất và bao bì đẹp mắt nên na tiêu thụ thuận lợi, giá bán từ 28-30 nghìn đồng/kg. HTX đang làm việc với một số đơn vị để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử tiêu thụ".
Hiện Bắc Giang đã công nhận 20 sản phẩm nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, hiện Sở Công Thương tập trung đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tham gia Đề án phát huy tối đa hiệu quả; cử cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát các đơn vị, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Sau mỗi năm, Sở tổ chức nghiệm thu, rút kinh nghiệm đồng thời triển khai nhân rộng, giúp nông sản chủ lực Bắc Giang nâng cao vị thế.
Bài, ảnh: Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)