Mùa măng đắng
Ông Việt khấp khởi. Vậy là dù đang mùa Covid, mình vẫn được thưởng thức hương vị quê hương. Chiều nay sẽ có món măng đắng xào, đưa cay vài chén nút lá chuối cho đỡ nỗi niềm mùa dịch. Ông không biết rằng mấy bữa nay thấy ông cứ đi ra đi vào, thở ngắn than dài mong sao qua dịch Covid để còn về quê kẻo hết mùa măng đắng, bà phải gọi cho chú em nhờ gửi ít ra cho ông đỡ nhớ quê.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Mọi năm, cữ mưa xuân lắc rắc này, thế nào vợ chồng ông Việt cũng thu xếp một chuyến về quê, cái thị trấn nhỏ vùng trung du thân thương mà cả hai người gắn bó. Về để thắp hương tảo mộ ông bà và cũng là để cho thỏa nỗi nhớ một món ăn dân giã, mỗi năm chỉ mùa này mới có: Măng đắng, món ăn dân giã quê hương, gắn với kỷ niệm thuở ban đầu của ông bà…
Đã mấy chục năm trôi qua. Bố mẹ chồng đều đã khuất núi, nhưng kỉ niệm về các cụ, nhất là lần đầu tiên ấy vẫn mãi còn. Giờ thì măng đắng đã là một trong những món tủ của bà Vân. Cữ sau Tết, bao giờ về quê, vợ chồng ông bà cũng phải mang ra bằng được ít măng đắng để chia cho anh chị em, bạn bè. |
Đấy là lần đầu tiên Việt đưa người yêu về ra mắt gia đình, bố mẹ. Phần vì tàu xe khó khăn, nhưng cũng một phần muốn thời gian bên nhau nhiều hơn, hai người quyết định đi bằng xe đạp. Mỗi người một xe, họ đạp thong dong, mệt đâu nghỉ đấy. Ngày xuân, có lẽ không đâu đẹp đẽ, nên thơ như các miền quê Kinh Bắc. Cữ tháng Ba, hoa gạo bắt đầu thắp lửa trên các triền đê cỏ mọc xanh mát. Qua sông Cầu nước chảy lơ thơ, sông Thương nước chảy đôi dòng. Ghé quán nhỏ dưới gốc đa ven đường, uống bát nước chè xanh, ăn củ khoai lang luộc, nghỉ chân cùng bẻ chiếc bánh đa Kế giòn tan thơm ngậy mùi vừng. Như quên cả thời gian, mãi sẩm tối đôi bạn mới về đến nhà.
Trong bữa cơm tối, bố Việt bảo mẹ anh:
- Mai bà ra chợ, mua ít măng về đãi khách nhé!
- Cũng vừa khéo có măng, cơ mà măng đầu mùa chưa đắng lắm.
Nghe bố mẹ nói chuyện, tự nhiên Việt thấy lo lo. Có vẻ như bố anh, một cán bộ phòng văn hóa huyện có ý ngầm thử thách cô con dâu tương lai. Anh lo Vân vốn con gái Hàng Đường, mọi sự ăn uống không dễ dàng, không biết có kham nổi món ăn mà gia đình anh cũng như người dân vùng đất này coi như đặc sản địa phương hay không. Cơm nước xong, lấy cớ rủ Vân đi dạo, Việt tranh thủ nói với Vân về món măng đắng để cô chuẩn bị tinh thần.
Nhìn Việt lo lắng ra mặt, Vân trấn an: Anh yên tâm, em vẫn ăn được mướp đắng mà…
Lần đầu đi chợ với mẹ người yêu, Vân tỏ ra thích thú trước cảnh chợ quê với đủ loại sản vật dân dã. Đầu tiên, hai bác cháu đến hàng măng đắng. Những bà, những chị ngồi bên những xảo lót ni lon, đựng các xâu măng ngâm trong nước, trắng ngà, đều tăm tắp, chỉ nhìn đã thấy ngon mắt. Dường như mẹ Việt là khách quen, các bà, các chị đon đả chào mời, hỏi thăm bà về cô gái đi cùng. Nhiều người bóng gió về chuyện con dâu mẹ chồng đi chợ. Trong khi Vân ngượng nghịu thì mẹ Việt cười vui vẻ, ngầm khoe khéo con dâu tương lai.
Đưa Vân dạo một vòng quanh chợ, mẹ Việt kể cho cô về món măng đắng. Hằng năm, cứ vào cữ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 âm lịch là vào mùa măng đắng. Dịp này phiên chợ nào cũng có người mang măng đắng từ Lạng Sơn, Yên Thế, Sơn Động… về bán. Nhiều nhất là măng sặt. Cây sặt có thân nhỏ, mọc cheo leo trên sườn núi. Khi những cơn mưa Xuân kéo dài nhiều ngày thấm ướt cánh rừng, những chồi măng dần nhú lên đầy sức sống. Măng sặt, chỉ to bằng ngón chân cái, mềm hơn các loại măng khác. Cái lạ của loài măng này là khi còn ở dưới mặt đất thì có vị rất ngọt. Nhưng khi đã nhú lên khỏi mặt đất lại chuyển vị đắng. Càng cuối mùa, vị đắng càng đậm. Chính vị đắng đó lại tạo nên cái ngon, cái lạ, gây nghiện cho những ai trót mê món dân dã này.
Lần ấy Vân đã vượt qua được thử thách. Cô không những ăn rất ngon lành món măng đắng xào thịt ba chỉ với bún mà mẹ Việt làm rất khéo, cô còn tỏ ra hứng thú với món măng luộc chấm mắm tôm, chỉ dành cho những người thực sự mê măng đắng. Với người vùng quê, ai phải ăn được măng đắng luộc mới thực sự được coi là biết thưởng thức cái ngon của loại đặc sản này. Người hài lòng nhất có lẽ là bố Việt. Ông nâng chén rượu quê cụng với con trai ra điều tán thưởng. Với ông, đó không chỉ là chuyện ăn uống, nó hứa hẹn cô gái này sẽ hòa hợp với gia đình ông, một gia đình miền quê chất phác. Nhìn Vân cẩn thận tước cây măng luộc ra bát rồi dùng đũa gắp chấm bát mắm ăn một cách ngon lành, cô em Việt lém lỉnh: Thế là chị Vân đủ tiêu chuẩn làm dâu Bắc Giang rồi đấy!
Sau này, khi đã về làm dâu, một trong những món ăn mà Vân được mẹ chồng chỉ bảo kĩ càng cách chế biến là món măng đắng xào thịt ba chỉ với bún. Đấy là món mà bà làm đãi cô, cũng là một thử thách vui vui trong lần ra mắt ấy. Cũng là măng đắng, nhưng khác với loại măng vầu vùng Tây Bắc thường to, có củ vài ba cân, măng đắng vùng Lạng Sơn thường chỉ nhỏ như ngón chân cái, có màu trắng ngà. Điều đáng nói là vị đắng của loài măng này lại dìu dịu, không gắt, ăn kĩ lại có dư vị hơi ngòn ngọt. Thường thì các bà nội trợ ở quê dùng một cái gai bưởi nhọn để tước măng thành từng sợi nhỏ. Măng tước xong, rửa sạch, vắt thật ráo nước rồi mới cho vào xào. Thịt ba chỉ thái nhỏ, cũng đảo cho cháy cạnh rồi xào lẫn với măng. Cuối cùng là bún. Cái khéo của người làm là làm sao để món xào ráo nước, sợi bún không nát. Tất cả các vị quện vào nhau, tôn nhau lên trong âm hưởng chủ đạo của măng đắng. Thật ra đây là cách chế biến được thành thị hóa, chiều theo khẩu vị của nhiều người. Thường thì người quê Việt chỉ xào riêng măng đắng. Đấy mới là món khoái khẩu của những đệ tử đích thực. Cuối mùa, khi măng đã ngả màu trắng xanh, vị đắng cũng nhiều hơn, xé nhỏ đem xào thật khô nêm chút lá chanh hay mùi tàu, lá lốt là ngon nhất. Cũng như món măng luộc, cách chế biến có phần mộc mạc này mới thật sự cho người thưởng thức cảm nhận được vị ngon đặc biệt của thứ đặc sản rừng núi Đông Bắc. Nói không quá lời, không ăn được thì thôi, những người từng thưởng thức món này đều đâm nghiện, mỗi mùa măng chưa được ăn một lần vẫn như thiêu thiếu cái gì…
Đã mấy chục năm trôi qua. Bố mẹ chồng đều đã khuất núi, nhưng kỉ niệm về các cụ, nhất là lần đầu tiên ấy vẫn mãi còn. Giờ thì măng đắng đã là một trong những món tủ của bà Vân. Cữ sau Tết, bao giờ về quê, vợ chồng ông bà cũng phải mang ra bằng được ít măng đắng để chia cho anh chị em, bạn bè. Và thế nào cũng có một bữa măng đắng đãi đám bạn nhậu của ông Việt.
Mỗi lần như thế, ông Việt lại “xuất bản” câu chuyện về thử thách đầu tiên mà bà Vân đã vượt qua. Và lần nào cũng vậy, ông đều nhìn bà một cách âu yếm. Còn bà thì chỉ cười, cái cười hàm ý: Tôi về được với ông đâu chỉ nhờ ăn được và “lây” ông cái đức nghiện măng đắng…
Lê Ngọc Minh Anh
Ý kiến bạn đọc (0)