Mưa lũ tại miền Trung: Thiệt hại về giao thông ước tính 350 tỉ đồng
Phá hỏng hàng trăm vị trí trên các tuyến quốc lộ
Tính đến ngày 22/10/2020, tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn Huế, Quảng Trị về cơ bản đã hết ngập lụt và đã được thông xe các phương tiện lưu thông dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều tuyến quốc lộ khác qua trên địa bàn vẫn còn bị hư hỏng nặng nhiều, nhiều vị trí cắt đường do sạt lở.
![]() |
Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị hư hại nặng sau lũ. |
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đợt lũ lụt vừa qua đã làm trên 4.000m2 mặt đường bị sình lún, 208m2/125 trí mặt đường bị bong bật, ổ gà; 220m/1 vị trí xói lở taluy âm; 2.850m3/5 vị trí bị bùn, cát tràn lấp mặt đường; 4.681m3/206 cống bị bùn, đá lấp; 7.224m3/10 cầu bị bùn, cát lấp lòng cầu... trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Do tác động của mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, hệ thống quốc lộ nói riêng trên địa bàn tỉnh tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề; nhiều vị trí sụt lở ta luy dương với mỗi vị trí khối lượng hàng chục nghìn mét khối đất đá, vùi lấp toàn bộ vài chục đến vài trăm mét dài đường; nhiều vị trí sụt lở ta luy âm gây lún tụt hoặc xói trôi toàn bộ nền, mặt đường, hố sụt sâu 30m-70m gây tắc giao thông hoàn toàn.
Hiện nay, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua địa bàn tỉnh miền Trung có khoảng 16km/400,7km bị hư hỏng, thiệt hại nặng. Các tuyến đường quốc lộ cũng bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề; cụ thể: Tuyến quốc lộ 9 tỉnh Quảng Trị hư hỏng khoảng 4km, tuyến quốc lộ 49 tỉnh Thừa Thiên-Huế hư hỏng khoảng 2,3km.
Hiện tại trên địa bàn các tỉnh này vẫn đang mưa, khối lượng sụt lở lớn và đang diễn biến phức tạp, công tác tiếp cận và xử lý rất khó khăn, nguy hiểm. Các đơn vị đang tích cực triển khai, tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn và dân sinh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 2 - ông Trần Quang Thanh, tại thời tiết các tỉnh này đã hết mưa, tuy nhiên, đất đã ngâm nước nên khối lượng sụt lở lớn và đang diễn biến phức tạp, công tác tiếp cận và xử lý rất khó khăn và nguy hiểm. Các đơn vị đang tích cực triển khai, tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn và dân sinh.
Ước tổng thiệt hại trên 350 tỉ đồng
Đại diện Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - ông Vũ Ngọc Lăng cho biết, đợt lũ vừa qua quá bất ngờ, quá lớn và bất thường rất khó giải thích nguyên nhân vì sức tàn phá quá ghê gớm như dưới đồng bằng thì nước dâng cao, trên vùng núi thì đất đá sụt lở nhiều nơi rất cao như Sư đoàn 337 hay đồn biên phòng Cha Lo. Gây ách tắc rất nhiều điểm do nước dâng và lũ cuốn gây sụt lún hỏng đường.
Dự kiến sơ bộ thiệt hại cỡ khoảng trên 350 tỉ đồng, hiện Tổng cục đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp ngay trước 100 tỉ đồng để mua nguyên vật liệu khắc phục sửa chữa. Tổng cục huy động tối đa tất cả các lực lượng ứng cứu, khó khăn lớn nhất là trong quá trình ứng cứu thì trời mưa tầm tã. Ngay sau khi xảy ra lũ lụt, Tổng cục đã điều ngay 3 công ty vào hỗ trợ khắc phục sự cố nhưng do địa bàn hẹp, khó vận chuyển máy móc vào. Cùng với đó, nguyên vật liệu khan hiếm vì các mỏ đá cũng bị ngập lụt phải đóng cửa. Do đó, trước mắt các đơn vị phải sử dụng máy cào gạt, dùng rọ đá và các cọc tiêu giải phân cách để lấp những chỗ sạt lở.
Cũng theo ông Lăng, việc huy động nhân công cũng rất khó khăn, trời mưa tầm tã người dân cũng phải gồng mình chống lũ tại nhà, công nhân các công ty cũng chỉ hơn 100 người nên không đủ sức. Trước khó khăn đó, Tổng cục triển khai thông đường để xe máy và cỡ nhỏ đi để vận chuyển lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm vào cho bà con.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khó khăn nhất hiện nay 4 tỉnh miền Trung đều bị ngập lụt, đặc biệt những nơi bị ngập úng và sụt lở đường giao thông thì thiệt hại rất nặng nề, giao thông bị chia cắt, nhiều điểm chưa thể vào để đo đạc tính toán mức độ thiệt hại, cùng với đó rất khó khăn về nhân lực và vật lực. Buộc phải huy động từ các tỉnh khác đến, không huy động được tại chỗ.
Theo Lao động
Ý kiến bạn đọc (0)