Một số đại lý chưa chấp hành quy định dừng phát hành SIM thuê bao di động
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu SIM phát hành ra thị trường; trong đó có 80% SIM phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, 10% được bán trực tiếp từ các nhà mạng, còn lại qua chuỗi bán lẻ điện thoại lớn.
![]() |
Khách hàng làm thủ tục đăng ký chính chủ khi mua SIM tại điểm bán hàng của Mobiphone Bắc Giang. |
Tại Bắc Giang hiện có khoảng 1,7 triệu thuê bao di động đang hoạt động, phát sinh cước, trong đó Viettel có khoảng 1,3 triệu thuê bao, Vinaphone 300 nghìn và Mobiphone khoảng 68 nghìn.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ 0 giờ ngày 10/9, Vinaphone Bắc Giang dừng bán SIM tại 256 đại lý ủy quyền và 125 điểm bán hàng của cộng tác viên. Tương tự, Viettel, Mobiphone cũng sớm thông tin, yêu cầu các đại lý dừng bán SIM.
Ghi nhận tại một số cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại thị trấn Nếnh (Việt Yên) sáng 11/9 cho thấy, các chủ cơ sở tuân thủ nghiêm quy định, không bán SIM cho khách hành. Tương tự, một số cửa hàng tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng) cũng không bán SIM khi khách hàng hỏi mua.
“Vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý một số cửa hàng bán SIM thuê bao di động đã được nhập sẵn thông tin thuê bao của người khác nên tôi đã dừng bán SIM từ vài ngày nay. Nếu khách hàng có nhu cầu mua chỉ cần xuất trình căn cước công dân, tôi sẽ tiếp nhận và thông tin đến các nhà mạng để đăng ký SIM chính chủ”, chủ một cơ sở kinh doanh tại tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh chia sẻ.
![]() |
Nhân viên kinh doanh của Vinaphone Bắc Giang (nữ, áo xanh) đến đại lý hỗ trợ bán SIM cho khách hàng. |
Theo quy định, để kích hoạt SIM, thông tin khi đăng ký từ các nhà mạng lớn đều đã kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, SIM chỉ được hoạt động nếu dữ liệu trùng khớp.
Việc các đại lý lấy thông tin của người dân (thuê, mượn căn cước công dân) đăng ký thông tin rồi đem bán cho người dùng khác dẫn đến tình trạng thuê bao chính chủ nhưng người sử dụng thì không phải chính chủ. Hành vi này là vi phạm pháp luật và là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gọi rác, lừa đảo.
Cũng trong sáng 11/9, phóng viên vào một số cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên đường Hùng Vương (TP Bắc Giang) hỏi mua SIM, đại diện các cửa hàng đều thông báo có đủ gói cước của các nhà mạng khác nhau, khách hàng chỉ cần bỏ ra từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng là có ngay SIM với gói cước như mong muốn.
Tương tự, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) cũng quả quyết có nhiều SIM với các mệnh giá khác nhau cho khách hàng lựa chọn như: SIM 4G trọn gói theo tháng (5-6 GB/tháng); SIM 4G theo ngày (mức 2GB, 4 GB đến 6 GB/ngày)...
Trao đổi về nội dung này, đại diện VNPT Bắc Giang cho rằng, do thông báo tạm dừng phát hành SIM qua các đại lý từ 0 giờ ngày 10/9 của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai gấp, các nhà mạng cũng như đại lý chưa có thời gian để chuẩn bị nên lượng SIM còn tồn ở các đại lý nhiều, trong khi nhu cầu của người dân vẫn có.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng với yêu cầu đại lý dừng bán SIM, các nhà mạng có kế hoạch hỗ trợ khi khách hàng có nhu cầu mua thẻ SIM tại các đại lý. Vinaphone lựa chọn mỗi huyện, TP 1-2 đại lý lớn để cử nhân viên kinh doanh xuống trực tiếp hỗ trợ kích hoạt, đăng ký chính chủ cho khách.
Cùng đó, đơn vị có kế hoạch hỗ trợ thu mua lại SIM từ các đại lý để đưa ra bán thông qua các điểm bán hàng và các chuỗi bán lẻ lớn như: Thế giới di động, FPT, bưu điện… Tương tự, Viettel, Mobiphone cũng cam kết hỗ trợ các đại lý nếu có nhu cầu nhượng lại số SIM đã mua.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Bắc Giang nói: “Việc dừng phát hành SIM qua các đại lý góp phần giảm phát sinh SIM rác, cuộc gọi rác, lừa đảo từ các SIM không chính chủ. Để hạn chế phát sinh SIM rác, hiện chúng tôi đã nâng giá bán SIM từ 10-15% so với trước, đồng thời tiến hành khoá 1 chiều đối với 13 nghìn thuê bao, khóa 2 chiều đối với 22 nghìn thuê bao khác".
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)