Mở rộng quyền tự chủ để thư viện chủ động, sáng tạo
Trước hết, tôi nhất trí sự cần thiết phải xây dựng Luật Thư viện. Như chúng ta biết, Thư viện có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ tri thức của nhân loại. Đọc sách không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn giúp chúng ta phát triển, hoàn thiện bản thân từ tri thức đến tinh thần, tư cách, phẩm chất làm người. Và thư viện chính là kho tàng tri thức là chiếc cầu nối giữa tri thức và độc giả.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, thư viện được xem như một biểu trưng tri thức, văn hóa và luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của nhà nước cũng như đóng góp của tổ chức, cá nhân.
![]() |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Hoàng Thị Hoa phát biểu ý kiến. |
Ở nước ta, sau gần 20 năm thực hiện Pháp lệnh Thư viện (năm 2000) chúng ta đã đạt được những kết quả, cả nước có trên 31.000 thư viện và 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở gồm các loại hình: thư viện công cộng, thư viện bộ ngành, thư viện các cơ sở giáo dục, thư viện lực lượng vũ trang,… Tuy nhiên, có nhiều thư viện gặp khó khăn trong hoạt động. Khi mà công nghệ thông tin ngày càng phát triển, việc tiếp cận thông tin của con người với nhiều phương thức điện tử hiện đại, thông minh dần từng bước thay thế hình thức đọc sách truyền thống.
Luật Thư viện được xây dựng với mục tiêu là đưa ra những nguyên tắc pháp lý nhằm xây dựng, phát triển thư viện, vừa phát huy được những thư viện truyền thống, vừa dần từng bước áp dụng khoa học, công nghệ mới phát triển thư viện đáp ứng với nền kinh tế tri thức, phục vụ tốt quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận thông tin, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc học thường xuyên, học suốt đời của nhân dân.
Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 7 Chương 51 Điều. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, tôi xin tham gia 3 vấn đề sau:
Thứ nhất, về các khái niệm: Thư viện gồm có 4 yếu tố cấu thành, đó là: Vốn tài liệu, người làm thư viện, người sử dụng thư viện, cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhưng đến nay 4 yếu tố này có sự thay đổi nên trong Luật cần có quy định cho phù hợp.
Ví dụ như vốn tài liệu, đến nay vốn tài liệu ở cả dạng in và điện tử, nhưng tài liệu điện tử phải là xu hướng chiếm ưu thế. Nên cần được thay thế bằng thuật ngữ khác như nguồn lực thông tin hay tài nguyên thông tin bởi tính hiện đại của vật mang tin trong thành phần của vốn tài liệu.
Tương tự như vậy, người làm thư viện, người sử dụng thư viện, cơ sở vật chất cũng đều có sự thay đổi. Vì vậy, trong Luật cần có các quy định cho phù hợp. Từ khái niệm, tới chính sách đầu tư và các hoạt động của thư viện.
Thứ hai, về đầu tư cho Thư viện, hoạt động thư viện, người sử dụng thư viện
Mục tiêu xây dựng Luật cần được tiếp cận theo hướng cụ thể hóa các quy định sao cho xác định rõ các bên liên quan giữa Nhà nước - Thư viện - Người sử dụng thư viện theo hướng Nhà nước đầu tư cho các thư viện trọng điểm, tránh dàn trải, trùng chéo gây lãng phí. Mặt khác, cần có quy định tạo hành lang pháp lý khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cho Thư viện.
Hoạt động của các thư viện cũng phải thực hiện theo hướng mở rộng quyền tự chủ để thư viện chủ động, sáng tạo tăng cường vai trò xã hội của thư viện, bảo đảm thực thi quyền con người trong tự do tiếp cận thông tin và tri thức. Đặc biệt chú ý hoạt động liên thông thư viện.
Trong dự thảo Luật quy định hoạt động liên thông thư viện - tại điều 19, giao cho Chính phủ quy định chi tiết ở nội dung hoạt động và phương thức liên thông: Tôi thấy rằng liên thông thư viện là hoạt động cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong đó quy định liên thông trong các thư viện, liên thông trong hợp tác quốc tế trên cơ sở phải có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức thông tin khoa học và công nghệ, cơ quan lưu trữ và thư viện, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu đầu mối tại các thư viện trọng điểm, xây dựng các cơ sở dữ liệu ở các nguồn tin nội sinh tại các luận văn khoa học và học liệu của nhà trường.
Đối với các thư viện công cộng cần xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ tại các tỉnh, thành phố. Đồng thời cần duy trì và phát triển các liên hợp thư viện Việt Nam về các nguồn tin điện tử với nòng cốt là các thư viện trọng điểm quốc gia và sự tham gia cộng tác của các thư viện trong cả nước, nhằm đẩy mạnh chia sẻ và phát huy giá trị của nguồn tin thư viện.
Thứ ba, các loại hình thư viện.
Trong pháp lệnh thư viện có 31 điều, trong đó có 4 điều (từ điều 16 đến 19) quy định về các loại hình thư viện. Thế nhưng trong dự thảo Luật lần này tại Chương 4 khi nói về quyền và nghĩa vụ của Thư viện có kể tên một số loại hình thư viện (từ điều 25 đến điều 31) nhưng chỉ đề cập đến quyền và nghĩa vụ của Thư viện. Theo tôi cần phải đặt vấn đề là quy định ở chức năng, nhiệm vụ từng loại hình thư viện. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kế thừa những quy định của pháp lệnh và bổ sung cho phù hợp.
Thư viện các cơ sở giáo dục: Mỗi loại hình thư viện đều có những vị trí, vai trò riêng và có những đối tượng phục vụ chủ yếu. Trong đó Thư viện trường học là Thư viện có đối tượng phục vụ đặc thù đó là học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo, các giảng viên với số lượng rất lớn (trên 20 triệu người). Thư viện giữa các cấp học rất khác nhau: Thư viện Đại học, viện nghiên cứu, thư viện trường phổ thông,… Tôi đề nghị trong Luật cần có quy định rõ hơn các loại hình thư viện trong trường học.
Với tầm quan trọng của Thư viện, với ý nghĩa, vai trò của việc đọc sách như nhà bác học Edison có câu nói nổi tiếng “Ngừng đọc sách là ngừng tư duy”. Dự thảo Luật Thư viện trình Quốc hội lần đầu, để hoàn chỉnh Luật, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thư viện phát triển và đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin cho người dân, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ý kiến bạn đọc (0)