Mở rộng liên kết, tăng cường hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi
Các đồng chí: Bùi Thanh Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì hội thảo.
Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và PTNT, Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư.
![]() |
Đồng chí Mai Sơn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, những năm qua hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi không ngừng được củng cố, hàng chục dự án trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai, đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh lương thực tại những nước này.
Tuy nhiên, kết quả hợp tác còn khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của các bên. Do đó, hội thảo là dịp để các bên liên quan đánh giá đúng những thách thức và cơ hội đặt ra trong tình hình mới từ đó đưa ra các giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông sản, chia sẻ mô hình, dự án nông nghiệp thành công, tạo đột phá trong hợp tác.
Trao đổi tại buổi hội thảo, đại diện một số nước châu Phi cho rằng, mặc dù nắm giữ 60% tổng diện tích đất canh tác toàn cầu song trình độ canh tác tại châu Phi chưa cao, hiện chỉ có 6% diện tích được tưới tiêu, 90% hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, 70% nông dân châu Phi vẫn sử dụng công cụ thủ công trong canh tác nên năng suất thấp.
Theo ông Lê Quốc Doanh, từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã đưa hơn 400 chuyên gia, kỹ thuật viên sang hỗ trợ các nước châu Phi triển khai các dự án nông nghiệp thông qua bên thứ ba. Qua đánh giá, các dự án nông nghiệp có Việt Nam tham gia tại khu vực này đã hỗ trợ phát triển, phổ biến kỹ thuật trồng xen canh, gối vụ, giúp tăng năng suất cây trồng (lúa, khoai lang, đậu tương…) từ 2-4 lần.
Ông Abu Bakarr Karim, Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm nghiệp Sierra Leone đề nghị Việt Nam tiếp tục quan tâm, cử chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi sang hỗ trợ; chia sẻ kinh nghiệm trong vận động, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) tư nhân vào sản xuất nông nghiệp.
![]() |
Mở rộng quan hệ hợp tác, Việt Nam sẽ hỗ trợ các nước châu Phi kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Mô hình trồng dưa lê trong nhà lưới tại xã Liên Sơn (Tân Yên). |
Về thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nông, thủy sản giữa Việt Nam - châu Phi, một số ý kiến cho rằng cần tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường thông qua các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp tại các nước châu Phi, tạo nguồn nguyên liệu để DN của Việt Nam chế biến, xuất khẩu nông sản.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu trao đổi một số nội dung liên quan về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như: Tăng cường hợp tác Ngân hàng Việt Nam - châu Phi góp phần hỗ trợ thanh toán cho các DN trong lĩnh vực nông nghiệp; tiềm năng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chế biến nông - thủy sản trong thời đại 4.0; mắt xích kết nối trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại châu Phi…
Kết luận hội thảo, lãnh đạo Bộ Ngoại giao khẳng định, đứng trước cơ hội và thách thức trong hợp tác nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực, việc mở rộng, tăng cường kết nối giữa Việt Nam và châu Phi không chỉ giúp hai bên phối hợp, khai thác tiềm năng mà còn góp phần mở rộng chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu đầu vào, đầu ra trong lĩnh vực nông nghiệp của cả hai bên.
Sau hội thảo, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng tìm hướng đi mới, tích cực hỗ trợ, tìm kiếm và cung cấp thông tin thị trường, hàng hóa nông sản. Tăng cường liên kết và kết nối cơ hội hợp tác nông nghiệp, nhất là trao đổi thương mại nông sản cho các địa phương, DN và người dân. Cùng đó tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi.
Ý kiến bạn đọc (0)