Măng tây xanh trên đất An Hà
![]() |
Bà Hoàng Thị Luyến, thôn Kép, xã An Hà thu hoạch măng tây xanh. |
Gia đình bà Hoàng Thị Luyến là một trong những hộ đầu tiên của xã trồng loại cây này. Bà cho biết: Năm 2013, qua xem ti vi tôi thấy ở nhiều nơi cây măng tây xanh có giá trị kinh tế hơn hẳn những loại cây trồng khác. Qua tìm hiểu thấy giống cây này dễ trồng, vốn đầu tư ban đầu không cao nên tôi mạnh dạn trồng thử 2 sào. Vừa trồng, tôi vừa học hỏi kỹ thuật chăm sóc qua sách, báo và tham quan mô hình thực tế tại huyện Gia Bình (Bắc Ninh).
Sau trồng khoảng ba tháng, măng bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi ngày, trên diện tích 2 sào, bà Luyến thu được từ 7-10kg, được Công ty TNHH Nông sản Dũng Hà (Hà Nội) thu mua với giá 50-60 nghìn đồng/kg. Thấy hiệu quả kinh tế cao đã dần mở rộng diện tích lên 8 sào. Năm 2017, gia đình bà Luyến thu hơn 200 triệu đồng và đang tiếp tục ươm giống để trồng thêm 4 sào nữa. Tương tự, gia đình ông Hà Văn Phong có gần 5 sào măng tây. Mỗi năm trừ chi phí ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Trao đổi về kinh nghiệm trồng, ông Phong nói: Quá trình chăm sóc phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật. Trước khi trồng hai tháng tiến hành cày đất hai lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày kết hợp làm cỏ, rắc vôi bột để khử mầm bệnh. Tiếp đó bón phân chuồng hoai mục và bừa, xới kỹ cho đất tơi xốp. Lưu ý, ngay từ khi trồng cần bón lót đất bằng phân chuồng ủ hoai mục và lân với số lượng đủ lớn để cung cấp chất dinh dưỡng cho đất trong thời gian vài năm. Ngoài ra, định kỳ ba tháng bón phân bổ sung và tưới nước hằng ngày để tạo độ ẩm cho cây phát triển.
Hiện ở thôn Kép có 14 hộ trồng măng tây xanh với tổng diện tích hơn 2 ha. Theo tính toán, năm 2017 thu nhập từ trồng măng của người dân trong thôn đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Thấy rõ hiệu quả kinh tế, UBND xã An Hà đã tuyên truyền và tổ chức cho hội viên nông dân các thôn khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đồng thời khuyến khích nông dân mở rộng diện tích để từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, đa dạng sản phẩm nông nghiệp của xã.
Phúc Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)