Lục Ngạn: Phát triển bền vững cây có múi
Cây đủ chất, quả trĩu cành
Chiều cuối tuần, cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn ghé thăm vườn cam ngọt của gia đình anh Lê Thanh Định (SN 1975), thôn Thông, xã Trù Hựu, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đầu tư bài bản, quy mô và choáng ngợp trước những cây cam ngọt trĩu quả. Vừa dẫn tôi đi khám phá khu vườn, anh Định vừa chia sẻ về "nghiệp" nhà nông của mình.
![]() |
Với 250 cây bưởi các loại, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (bên trái) thu về 500 triệu đồng. |
Theo lời anh, trước đây trên diện tích hơn 17,6 nghìn m2, anh dành phần lớn để trồng vải, còn lại xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn. Tuy nhiên do thị trường bấp bênh, năm 2009, gia đình anh từng bước chuyển từ cây vải sang trồng bưởi; khu nuôi lợn cũng được anh cải tạo để nuôi gà.
Đến năm 2019, nhận thấy nguồn thu từ cây bưởi thấp, anh mạnh dạn đầu tư, chuyển sang ghép 350 cây cam ngọt trên thân cây bưởi. Năm sau anh tiếp tục ghép cam ngọt lên gần 400 cây bưởi còn lại. Để cây phát triển tốt, cùng với sử dụng phân hữu cơ, anh mua thêm phân gà về ủ; thuê những “chuyên gia” trồng cam trên địa bàn huyện hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cũng như khoanh cành để cây ra quả và được thu đúng thời điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán.
Năm nay, 350 cây cam ghép năm 2019 bắt đầu cho thu quả với sản lượng dự kiến đạt khoảng 40-50 tấn. Với giá bán dự kiến tương đương năm ngoái (30 - 40 nghìn đồng/kg), gia đình anh thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.
Để nâng tầm sản xuất, tháng 10/2021, anh Định cùng 12 hội viên nông dân trong xã liên kết thành lập Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ nông sản Thanh Định, đồng thời đăng ký sản phẩm cam ngọt tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đợt 2 năm nay. “Với tôi, lúc đó là một bước đi liều lĩnh, bởi vườn bưởi hơn 10 năm tuổi vẫn đang cho thu quả. Nhưng thực tế cho thấy đó là quyết định hoàn toàn đúng đắn", anh Định tâm sự.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, hiện toàn huyện có khoảng 5,1 nghìn ha cây có múi (giảm 1.640 ha so với năm 2021), sản lượng ước đạt hơn 52,3 nghìn tấn. Trong đó diện tích trồng cam gần 2,3 nghìn ha, sản lượng 28,7 nghìn tấn; còn lại là cây bưởi. |
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, hiện toàn huyện có khoảng 5,1 nghìn ha cây có múi (giảm 1.640 ha so với năm 2021), sản lượng ước đạt hơn 52,3 nghìn tấn. Trong đó diện tích trồng cam là gần 2,3 nghìn ha, sản lượng 28,7 nghìn tấn; còn lại là cây bưởi.
Nhờ kỹ thuật chăm sóc cũng như nhạy bén với thị trường, nhiều nông dân có thu nhập cao từ cây trồng này. Ghi nhận tại xã Thanh Hải - vựa cây có múi của huyện cho thấy, với gần 800 ha trồng cam, bưởi, mỗi năm nông dân trong xã thu khoảng 120 tỷ đồng, trong đó có hơn chục hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm.
Điển hình, với 250 cây bưởi các loại (bưởi Diễn, da xanh, Phúc Trạch), mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1960), thôn Tân Trường thu hoạch 3,5 vạn quả. Với giá bán từ 15-20 nghìn đồng/quả, vợ chồng ông thu về 500 triệu đồng.
Hay như gia đình ông Vi Văn Báo (SN 1968), thôn Sẻ Mới cũng thu hơn 500 triệu đồng từ cây cam Vinh mỗi năm. “Do toàn bộ diện tích trồng cam đều được chăm sóc theo quy trình an toàn sinh học nên chất lượng tốt. Cùng đó nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật để cây cho thu hoạch từ 15 tháng Chạp nên giá bán cao, có thời điểm đạt 55 nghìn đồng/kg”, ông Vi Văn Báo nói.
Giữ ổn định diện tích, từng bước nâng chất lượng sản phẩm
Thực tế, dù đã bén duyên với mảnh đất Lục Ngạn khoảng hơn 20 năm song vài năm gần đây, giá trị cây có múi mới được khẳng định. Mỗi năm, cây cam, bưởi mang về tổng giá trị từ 1,7 - 2,2 nghìn tỷ đồng cho người dân.
Mặc dù vậy, do đây là cây trồng khó tính, dễ nhiễm bệnh nên để giữ ổn định nguồn thu, đòi hỏi người nông dân cần có kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn nguồn giống tốt, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, nông dân các địa phương đã mạnh dạn đầu tư, đưa vào sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sản xuất theo quy trình VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Tân Trường, xã Thanh Hải nói: “Do khu vực trồng bưởi cũng là nơi ở của gia đình nên từ vài năm trở lại đây, gia đình tôi đã nói không với phân bón cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Trước thời điểm thu hoạch 4-5 tháng, tôi không bón phân, không phun bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Nhờ đó, toàn bộ sản phẩm được thương nhân đến tận vườn đặt mua với giá bán cao hơn so với sản phẩm của các nhà vườn chăm sóc theo phương pháp thông thường”.
Để giữ ổn định diện tích cây có múi khoảng 5,7 nghìn ha, trong đó có 3 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP theo đề án xây dựng huyện Lục Ngạn thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Lục Ngạn đang rà soát giảm diện tích trồng cam ở vùng trũng cho hiệu quả thấp sang trồng bưởi tại các xã như: Kiên Lao, Quý Sơn, Kiên Thành, Thanh Hải, Nam Dương, Trù Hựu...
Cùng đó, địa phương hỗ trợ tối đa để các hộ liên kết với nhau, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đặc biệt, năm nay, huyện sẽ tái khởi động Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện sau một năm gián đoạn bởi dịch Covid-19. Đây được coi là cơ hội để nông dân đưa cam, bưởi đi xa, nâng cao giá trị.
Đồng chí Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Mục tiêu địa phương hướng đến không phải là số lượng có thêm nhiều vườn cam, bưởi mà là phải có nhiều vườn thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Để đạt được mục tiêu này cùng với hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân, hỗ trợ tiêu thụ, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm đến nhiều thị trường hơn. Tuy nhiên, để có những vườn cam, bưởi tiền tỷ, nông dân cũng cần mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, quan tâm ứng dụng kỹ thuật để rải vụ, tập trung thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán".
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)