Lữ đoàn Công binh 219: Phát huy truyền thống mở đường thắng lợi
Lữ đoàn Công binh 219 (tiền thân là Tiểu đoàn 106) là một trong những đơn vị công binh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi thành lập ngày 31/10/1952, cán bộ, chiến sĩ đã tham gia bạt núi, mở đường phục vụ chiến dịch Tây Bắc.
![]() |
Bộ đội Lữ đoàn Công binh 219 thực hành huấn luyện bắc cầu phao qua sông. |
Trong đó làm mới 2 km, nâng cấp 30 km thuộc tuyến vận chuyển từ tỉnh Bắc Kạn đi Thái Nguyên và từ thị trấn Đồng Đăng đi thị xã Lạng Sơn. Với chiến công xuất sắc này, Tiểu đoàn cùng các đơn vị công binh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ "Mở đường thắng lợi”.
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Lữ đoàn cùng hàng chục nghìn dân công được huy động làm đường. Đợt đầu tham gia, chỉ trong tuần đầu tháng 11/1953, đơn vị phối hợp với Trung đoàn 151 sửa 36 km đường Tạ Khoa - Cò Nòi, tạo điều kiện cho 12 xe vận tải chở những chuyến hàng đầu tiên lên mặt trận. Cùng đó, hơn 100 km tuyến đường Cò Nòi- Sơn La- Tuần Giáo, qua những đèo cao, hiểm trở như: Sơn La, Pha Đin, Chiềng Pấc và đèo Mèo cũng nhanh chóng được hoàn thành.
Khi tuyến đường cơ bản khai thông, đơn vị lại được giao nhiệm vụ bố trí lực lượng tại nhiều trọng điểm, trong đó có đèo Pha Đin. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám đường, xây dựng hầm tránh bom địch để hạn chế thương vong. Kịp thời san lấp hố bom, khắc phục sụt lở, giải tỏa ách tắc sau những đợt đánh phá của máy bay địch.
Cảm phục trước sự hy sinh và bản lĩnh của những người lính công binh, các chiến sĩ lái xe đã gọi Lữ đoàn là "Con hổ xám đèo Pha Đin”. Đặc biệt, 17 giờ ngày 6/5/1954, một bộ phận của đơn vị phối hợp cùng các đơn vị bạn liên kết gần 1 tấn thuốc nổ đặt sâu dưới hầm cứ điểm đồi A1 làm hiệu lệnh bắt đầu đợt tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn vượt qua bom đạn của địch, dũng cảm bám tuyến, bám đường. Đầu năm 1975, các chiến sĩ công binh “vai sắt, chân đồng” mở đường, xây dựng trận địa để bộ đội tiến hành trận quyết chiến chiến lược đánh chiếm Huế, Đà Nẵng thành công. Trên đà thắng lợi, đơn vị được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tháng 4/1975, trên những hướng tiến vào Sài Gòn, Quân đoàn 2 đảm nhận tiến công trên hướng Đông - Đông Nam Sài Gòn - nơi có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi. Trên hướng tiến công này chỉ có hai trục đường vào nội đô, trong đó có trục đường số 10 từ Long Thành qua Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ vào quận 9 song phải qua sông Long Tàu ở bến phà Cát Lái (rộng gần 1 km2), nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai.
Lữ đoàn Công binh 219 nhận nhiệm vụ ngay trong đêm 29/4 phải chuyển gấp khí tài, chuẩn bị bến vượt, bảo đảm cho các đơn vị vượt sông trước khi trời sáng. Rạng sáng 30/4, các khí tài vượt sông đã nhanh chóng được lệnh hạ thủy dưới tầm hỏa lực của địch. Ta chủ trương dùng xe PAP lội nước tiến sang bờ Nam. Cùng lúc, ở trên bờ, Ban Chỉ huy quyết định mượn xuồng máy của dân để chi viện cho tổ trinh sát, hiệp đồng với các trận địa pháo trên bờ bắn hỏa lực xuống tàu địch.
Được hỏa lực chi viện và sự giúp đỡ của nhân dân, Tiểu đoàn 5 nhanh chóng tổ chức thiết kế bến vượt nhẹ bằng tàu, xuồng, bè mảng chở cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) tiến sang bờ Nam, đánh thẳng vào căn cứ hải quân Cát Lái, tạo điều kiện để ta tổ chức chuyến phà đầu tiên chở 4 xe tăng cập bờ Nam tiến công, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đất nước thống nhất, Lữ đoàn tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ “Chiến đấu trong thời bình” như: Rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, xử lý bom đạn cấp 5; làm đường tuần tra biên giới, xây dựng công trình chiến đấu; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống khủng bố, sập đổ công trình, bảo đảm giao thông…
Những nhiệm vụ trên phải thực hiện trong điều kiện độc lập, phân tán, khó khăn, gian khổ, độc hại, thậm chí chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể hy sinh. Địa bàn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, điều kiện ăn ở, sinh hoạt rất thiếu thốn.
Đại tá Lê Thế Tình, Chính ủy Lữ đoàn 219 cho biết: Để thực hiện tốt, mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn phát huy tính chủ động, không ngại khó, ngại khổ, Lữ đoàn tập trung đổi mới nội dung, phương thức thực hiện trên các mặt công tác, bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cũng như các nhiệm vụ đột xuất khác.
Đặc biệt, đơn vị tuyên truyền lồng ghép những chiến công, nhất là trong chiến dịch Tây Bắc, Điện Biên Phủ hay trận đánh bến phà Cát Lái năm xưa để cán bộ, chiến sĩ cùng phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm. Từ đó áp dụng vào hiện tại nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: Hữu Trình
Ý kiến bạn đọc (0)