Lật tẩy nhiều thủ đoạn mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng
Lập công ty "ma"
Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2020, toàn tỉnh khởi tố 6 vụ án mua bán trái phép hóa đơn GTGT với 16 bị can; đã xét xử 5 vụ, 13 bị cáo (năm 2019 chỉ xét xử 1 vụ, 1 bị cáo). Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra-xét xử sơ thẩm án kinh tế, chức vụ (Viện KSND tỉnh) cho hay, qua điều tra cho thấy hầu hết các đối tượng trong vụ án mua bán trái phép hóa đơn GTGT đều có chung phương thức là thành lập công ty “ma”. Sau đó mua hóa đơn GTGT của cơ quan thuế và bán ra thị trường nhằm hưởng lợi bất chính; dùng hóa đơn quyết toán các hoạt động khống của công ty hoặc dùng hóa đơn khống để rút tiền ra chiếm đoạt. Các đối tượng đứng ra mua bán hóa đơn đa phần có học thức, thường tìm nhiều cách để “lách luật”. Hậu quả là gây thất thu cho ngân sách nhà nước, có vụ lên tới hàng chục tỷ đồng, cùng đó ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
![]() |
Đối tượng Nguyễn Đức Trọng thành lập nhiều công ty “ma” để xuất khống gần1.500 hóa đơn bị cơ quan công an bắt giữ. Ảnh do công an cung cấp. |
Đơn cử như vụ việc liên quan đến đối tượng Nguyễn Thị Ngọc (SN 1989) ở xã Xương Lâm (Lạng Giang). Từ tháng 10/2016 đến tháng 1/2018, đối tượng Ngọc đã bán trái phép 257 hóa đơn GTGT của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trường Thanh ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, tổng số tiền ghi trên các hóa đơn gần 51 tỷ đồng. Người mua thường là lãnh đạo, cán bộ một số công ty, hợp tác xã. Do công ty, hợp tác xã mua nhiều loại hàng hóa của các cá nhân khác (chủ yếu là vật liệu xây dựng) và không có hóa đơn, chứng từ nên họ tìm đến Ngọc để mua nhằm hợp thức hóa. Có trường hợp, người mua sử dụng các hóa đơn với mục đích kê khai, khấu trừ thuế. Tổng số tiền Ngọc thu lợi bất chính gần 1,5 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 2,8 tỷ đồng.
Hay như đối tượng Nguyễn Đức Trọng (SN 1975) ở xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cũng phạm tội "Mua bán trái phép hóa đơn". Thủ đoạn của đối tượng là thành lập nhiều công ty "ma" để xuất khống gần 1.500 hóa đơn với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Vợ của đối tượng cũng đang chấp hành án phạt tù do phạm tội giống như chồng.
Hình phạt thích đáng
Hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn” dù các đối tượng cố gắng che đậy nhưng khó thoát bởi sự nghiêm minh của pháp luật. Mới đây, bị cáo Vũ Thị Ngọc (SN 1996) ở xã Quế Nham (Tân Yên) cùng đồng phạm phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” bị TAND huyện Lạng Giang xét xử đã phải thừa nhận hành vi vi phạm, mong được pháp luật khoan hồng. Theo tài liệu điều tra, Vũ Thị Ngọc được các đối tượng thành lập ra Công ty TNHH Vận tải xây dựng Thu Hương (Công ty Thu Hương) có địa chỉ tại xã Kiên Thành (Lục Ngạn) giao cho nhiều hóa đơn GTGT để bán cho các công ty, cá nhân có nhu cầu.
Thực tế, Công ty Thu Hương được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng không hoạt động. Cuối năm 2019, thông qua việc mua bán trái phép hóa đơn GTGT, Ngọc đã gian dối để rút hơn 170 triệu đồng do đại diện Công ty TNHH MTV dịch vụ xây dựng Thuận Phát (ở thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang) chuyển vào tài khoản của Công ty Thu Hương hòng chiếm đoạt, chi tiêu vào mục đích cá nhân. Trong hai năm 2018 và 2019, Vũ Thị Ngọc cùng đồng phạm còn bán trái phép 32 hóa đơn GTGT của Công ty Thu Hương cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Gần 5 tỷ đồng là tổng số tiền ghi trên các hóa đơn và Ngọc được hưởng lợi hơn 240 triệu đồng.
Tại phiên tòa, chủ tọa Lê Thu Hà, Phó Chánh án TAND huyện Lạng Giang nhận định, hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, xâm phạm đến chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước, các quy định trong lĩnh vực thuế, xâm phạm đến lợi ích quốc gia về kinh tế, làm thất thu ngân sách nhà nước. Xuất phát từ việc mua bán trái phép hóa đơn, Vũ Thị Ngọc còn phạm thêm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, hành vi này đã xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Trước những tội danh của mình, bị cáo Vũ Thị Ngọc phải nhận hình phạt 6 năm 6 tháng tù. Các bị cáo khác cũng nhận hình phạt thích đáng để lấy đó làm bài học.
Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, trước tiên, các cơ quan quản lý cần làm tốt hơn nữa việc kiểm soát hoạt động thành lập doanh nghiệp. Cùng đó duy trì công tác hậu kiểm, giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế thấp nhất sự tồn tại của các công ty “ma”. Mỗi người dân cần nâng cao kiến thức pháp luật, không nhận lời chịu trách nhiệm cho công ty nào khi chưa nắm rõ về hoạt động kinh doanh. Khi mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ có giá trị từ 200 nghìn đồng trở lên cần yêu cầu bên bán xuất hóa đơn theo quy định, việc này có thể hạn chế được hành vi gian lận trốn thuế của các cá nhân, doanh nghiệp.
Cơ quan thuế cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhằm tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời triển khai rộng rãi hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, tăng chế tài xử phạt cũng là một biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Ý kiến bạn đọc (0)