Lao động xuất khẩu xã Đông Phú: Chuyển hướng đến thị trường chất lượng cao
![]() |
Đi làm việc tại Đài Loan, anh Nguyễn Văn Huân, thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú có thu nhập từ 20-22 triệu đồng/tháng. Ảnh: Người thân đón anh Huân về thăm nhà (ảnh do gia đình cung cấp). |
Tay nghề giỏi, thu nhập cao
Trong ngôi nhà mới khang trang thơm mùi sơn trị giá gần 1 tỷ đồng, ông Lương Trung Văn, thôn Ngoài, xã Đông Phú phấn khởi: "Tiền xây nhà đều do con trai tôi là Lương Văn Quang đi lao động tại Nhật Bản gửi về". Trước đây gia đình ông chỉ có nguồn thu từ mấy sào ruộng và chăn nuôi nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ngôi nhà của gia đình đã làm mấy chục năm nhưng không có tiền sửa. Từ ngày con trai út đi xuất khẩu lao động (tháng 8-2014), kinh tế gia đình khá hẳn lên. Con trai ông là kỹ sư cơ khí nên sang Nhật Bản được bố trí làm việc ở một dây chuyền chuyên sản xuất linh kiện ô tô với thu nhập khá cao. Trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng Quang dành hơn 30 triệu đồng gửi về gia đình. Sau gần 3 năm, gia đình ông Văn có tiền xây nhà mới khang trang và sắm đầy đủ tiện nghi.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hanh, thôn Va đang lao động tại Hàn Quốc cũng có thu nhập cao và ổn định. Theo chị Nguyễn Thị Mai (vợ anh Hanh), năm 2008, sau khi thi đạt tiêu chuẩn về tiếng, anh được tuyển chọn sang Hàn Quốc làm việc với thời hạn 4 năm 10 tháng. Là công nhân một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, lúc đầu, thu nhập của anh chỉ đạt 20-22 triệu đồng/tháng. Sau đó nhờ chịu khó học hỏi nên trình độ tay nghề khá lên, nhiều công đoạn cần sử dụng đồng thời một loạt thao tác anh đều làm được. Thu nhập vì thế cũng tăng dần, đạt bình quân 30-35 triệu đồng/tháng. Sau gần 5 năm lao động tại Hàn Quốc, gia đình anh chị đủ tiền mua đất, xây nhà mới khang trang. Vì thực hiện tốt chính sách về xuất khẩu lao động theo quy định, về nước một thời gian, anh tiếp tục được tuyển chọn sang Hàn Quốc làm việc mà không phải qua thi tuyển tiếng. Được bố trí làm việc đúng công ty cũ nên anh nhanh chóng phát huy kỹ năng, kinh nghiệm.
Chuyển hướng xuất khẩu lao động
![]() Ba năm gần đây, người lao động có thời hạn ở nước ngoài gửi về địa phương lượng lớn ngoại tệ, quy đổi đạt bình quân 200 tỷ đồng/năm". Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú
|
Thấy rõ lợi ích của xuất khẩu lao động nên vài năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã quan tâm đến vấn đề này. Số người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài ở Đông Phú luôn đứng trong tốp đầu huyện. Từ đầu năm đến nay, xã có 20 người xuất khẩu lao động, nâng tổng số lao động đang làm việc tại nước ngoài toàn xã lên 770 người. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã, nếu trước đây lao động của địa phương đi làm việc chủ yếu tại Malaysia, Nga thì nay tập trung chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đây là ba thị trường có thu nhập cao. 5-6 năm trước, lao động đa phần giúp việc gia đình, làm may thì nay thường làm nghề cơ khí, xây dựng, chế biến thực phẩm. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế ICO (TP Bắc Giang), hiện thị trường Nhật Bản đang cần nhiều lao động ở lĩnh vực xây dựng, cơ khí. Vì vậy, đơn vị tập trung lựa chọn đối tượng ở nhóm ngành nghề này để đưa sang Nhật Bản làm việc.
Thực tế cho thấy các thị trường có thu nhập cao đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao và đáp ứng yêu cầu khắt khe về tác phong công nghiệp, thể lực, ý thức kỷ luật cũng như trình độ ngoại ngữ. Đặc biệt là không được cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại. Để đạt được các mục tiêu về xuất khẩu lao động, cấp ủy, chính quyền xã Đông Phú quan tâm phối hợp tổ chức tư vấn giúp người dân trong xã hiểu về những thị trường mới, tuyên truyền để bà con tuân thủ quy định của pháp luật, vận động người thân không cư trú bất hợp pháp. Hiện nay, Đông Phú có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở mức thấp so với các xã khác trong huyện Lục Nam.
Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc (0)