Làng nghề Thủ Dương: Chạy đua vào vụ Tết
Sản lượng tăng gấp đôi
![]() |
Hộ dân đóng gói sản phẩm mỳ trước khi đưa đi tiêu thụ.
|
Đến làng nghề sản xuất mỳ gạo thôn Thủ Dương những ngày này, từ sáng sớm đến đêm khuya, nhà nhà tất bật sản xuất mỳ. Đang nhanh tay bó những nắm mỳ đã được nắng cho vào túi, bà Mạc Thị Nghiên nói: “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ mỳ Chũ tăng cao gấp đôi. Hơn hai tháng nay, trừ ngày mưa to còn lại cả nhà tôi hôm nào cũng thức dậy từ 4-5 giờ sáng để làm mỳ. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi xay 2-3 tạ gạo, cao gấp đôi so với mấy tháng trước”. Theo bà Nghiên, để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng sản phẩm khách đã đặt, gia đình thuê thêm lao động thời vụ.
Cách nhà bà Nghiên không xa, theo con đường nhỏ ven sông, chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Hoàng, hộ nhiều năm làm mỳ Chũ. Chị kể, do ít nhân lực, ngày thường gia đình chỉ làm khoảng 1 tạ gạo, sau đó lại chăm vườn cây ăn quả. Vào dịp gần Tết, chị làm gấp 3 lần ngày thường, tính ra mỗi ngày gia đình sản xuất khoảng 3 tạ gạo, thu lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày, gấp nhiều lần so với trước đó.
Năm nay, những tháng cuối năm thời tiết thuận lợi, ít mưa nên cùng với gia đình bà Nghiên, chị Hoàng các hộ sản xuất mỳ trong thôn cũng tranh thủ tận dụng làm mỳ hết công suất phục vụ bán dịp Tết. Nhiều hộ có đông nhân lực ngoài sản xuất mỳ của gia đình còn nhận tráng bánh thuê cho các hộ khác để có thêm thu nhập.
Trao đổi với ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc HTX Mỳ Chũ Xuân Trường, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương được biết, thông thường để có nguồn hàng bán Tết Nguyên đán, khách đến đặt trước từ tháng 9 Âm lịch. Sau đó một tháng, các hộ tập trung sản xuất. Riêng HTX Mỳ Chũ Xuân Trường có 30 thành viên, trung bình mỗi ngày HTX sản xuất 5 tấn mỳ, tăng gấp đôi so với những tháng khác trong năm. Gần hai tháng nay, HTX huy động thêm một xe ô tô trọng tải 15 tấn để vận chuyển mỳ giao cho các siêu thị, đại lý lớn.
Giữ vững thương hiệu
Dọc tuyến đường trục chính vào làng nghề Thủ Dương, những chiếc xe tải chở mỳ hối hả vận chuyển mỳ đi tiêu thụ. Sản phẩm của làng nghề khá đa dạng, phong phú như: Mỳ gạo trắng, mỳ gạo lứt, mỳ gấc, mỳ thập cẩm củ quả, bún, mỳ tươi… Trong đó, mỳ Chũ làm từ gạo trắng được khách ưa chuộng nhất. Dịp Tết này, thu nhập một người làm nghề đạt khoảng 8-12 triệu đồng/tháng.
Khuyến khích làng nghề truyền thống phát triển, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và xúc tiến tiêu thụ. Bởi vậy, mỳ Chũ ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, tin dùng.
Bên cạnh sự hỗ trợ, do đầu ra ổn định, lợi nhuận cao, người dân đã đầu tư mua sắm máy móc hiện đại mở rộng quy mô, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, gia đình anh Hoàng Đình Xuất, cuối năm có nhiều đơn hàng nên anh vừa đầu tư một máy sấy khô phòng trường hợp thời tiết xấu.
Dịp này, thôn Thủ Dương có hơn 300 hộ làm nghề thường xuyên hoạt động hết công suất để kịp cung cấp sản phẩm phục vụ Tết. Bình quân mỗi ngày, làng nghề đưa ra thị trường hơn 40 tấn mỳ, bún gạo (cao gần gấp đôi ngày thường), giá từ 30 đến 90 nghìn đồng/kg, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. |
Không chỉ đầu tư trang thiết bị hiện đại, những người dân ở làng mỳ Thủ Dương còn nhanh nhạy cập nhật, thiết kế mẫu mã bao bì đựng sản phẩm có kiểu dáng mới, sang trọng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Mới đây, HTX Mỳ Chũ Xuân Trường thiết kế túi đựng mỳ thân thiện với môi trường hay HTX Mỳ Chũ Thuận Hương đóng gói sản phẩm mỳ Chũ Green bằng bao bì thiết kế đẹp, sang trọng… Với chất lượng và mẫu mã đẹp, mỳ Chũ đang được tiêu thụ thuận lợi ở trong và ngoài nước. Ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn, sản phẩm đang được bán sang Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ… Vừa qua, làng nghề nhận được đơn hàng với số lượng hơn 200 tấn xuất sang Hàn Quốc.
Dù phải tăng sản lượng nhưng chất lượng sản phẩm luôn được các cơ sở đặt lên hàng đầu. Thôn Thủ Dương thành lập 4 HTX và nhiều tổ liên kết sản xuất, hầu hết bà con đều tham gia. Các thành viên này đều có ý thức nâng tầm sản phẩm để khẳng định thương hiệu; kiểm soát các hộ thành viên, giám sát từ khâu nguyên liệu đầu vào lẫn đầu ra. Tất cả thành viên ở các HTX đều ký cam kết bảo đảm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Xác định giữ vững thương hiệu, UBND huyện Lục Ngạn chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác, hộ dân thực hiện nghiêm các quy định để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề truyền thống về máy móc, trang thiết bị và quảng bá xúc tiến thương mại, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm làng nghề, mở rộng thị trường nước ngoài. Trước mắt, UBND huyện đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường trục chính vào làng nghề, giúp các phương tiện lưu thông thuận lợi, tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng thanh kiểm tra hàng nhái nhãn mác, làm ảnh hưởng tới uy tín làng nghề.
Ý kiến bạn đọc (0)