Lan tỏa tích cực
Thậm chí một cá nhân còn đồng thời có nhiều tài khoản ở facebook, instagram, zalo, twitter… để chia sẻ, đăng tải, bày tỏ quan điểm về một thông tin, sự việc nào đó; có những tài khoản được đông đảo người quan tâm theo dõi. Khi đăng tải, bày tỏ quan điểm, chia sẻ thông tin là thể hiện ý thức trách nhiệm, suy nghĩ của bản thân đối với xã hội, dễ dàng được cộng đồng tiếp nhận. Như vậy, internet, MXH sẽ nhanh chóng lan tỏa những thông tin làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Hiểu một cách đơn giản, thông tin hữu ích, lành mạnh là thông tin đúng đắn, chính xác về một sự việc, nhân vật, mô hình, một giải pháp hay, có ý nghĩa, có giá trị mang đến nhận thức, tình cảm tốt đẹp, có thể thúc đẩy người tiếp nhận có suy nghĩ đúng, từ đó có hành động tích cực. Đơn cử như việc nhặt được của rơi trả lại người đánh mất của học sinh Lê Mạnh Lực và Nguyễn Văn Lượng, cùng trú tại xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) gần đây; hay nghĩa cử giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, không may hoạn nạn… Cũng có thể thông tin về một đoạn đường xuống cấp, nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhằm cảnh báo đến mọi người, đồng thời giúp cơ quan chức năng ghi nhận và có phương án khắc phục. Rõ ràng những thông tin như thế xuất hiện càng nhiều, được chia sẻ càng rộng rãi càng tốt, vì sẽ góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Bên cạnh đó vẫn còn trường hợp đăng tải, chia sẻ, thể hiện quan điểm không đúng trước những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước. Hiện nay một trong các phương tiện mà các thế lực thù địch dùng để chống phá cách mạng nước ta là qua internet, MXH thông tin những nội dung xấu độc, phản động. Nếu không thận trọng nhận diện chính xác, phòng tránh, người đọc dễ bị tiêm nhiễm, sa ngã, thậm chí vô tình chia sẻ lại trở thành kẻ tiếp tay cho bọn phản động. Hay như mới có thông tin về một cán bộ xã ở huyện L bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra nhưng nhiều người đã bình luận trên MXH không đúng, mang tính quy chụp. Nào là “cho đi tù luôn đi”, “tại tham ô chia chác không đều”, “xã nào mà chả có”, “lỗi hệ thống”… Những thông tin bình luận như vậy là sai trái, kích động, tạo cảm xúc tiêu cực cho người đọc, vi phạm pháp luật.
Mới đây, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong việc sử dụng internet, MXH. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ thị nêu rõ, đối với cán bộ, đảng viên khi sử dụng internet, MXH phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, không lợi dụng để bày tỏ quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức nơi công tác nếu vi phạm. Chủ động, thường xuyên tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, có nguồn chính thống; chia sẻ, lan tỏa gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực...
Có thể nói, giữa “rừng thông tin” từng giây, từng phút được cập nhật trên internet và MXH, mỗi người cần tỉnh táo khi lựa chọn tiếp cận, bình luận và chia sẻ thông tin bảo đảm không vi phạm pháp luật. Hơn thế nữa, mỗi cán bộ, đảng viên còn có trách nhiệm nêu gương, làm lan tỏa thông tin tích cực, luôn gương mẫu, chuẩn mực khi bình luận, đăng tải và chia sẻ thông tin.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)