Lần đầu tiên phát động Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số toàn quốc
![]() |
Đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Trong hơn 2 năm qua, toàn ngành đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Việc dạy và học bị gián đoạn nhưng toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, hoàn thành mục tiêu năm học, kiên trì đảm bảo chất lượng. Thành công này có sự đóng góp đáng kể của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý nhà trường. Kết quả này cũng lần nữa khẳng định sức mạnh, vai trò của công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, nhu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nói chung và ngành Giáo dục nói riêng vừa là nhiệm vụ, vừa là nhu cầu hết sức cấp thiết. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước. Ngành Giáo dục xác định mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, học sinh. Do đó, Cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ nhất, năm 2022 hướng tới việc khuyến khích phong trào thiết kế, sáng tạo thiết bị dạy học trong giáo viên, tổ chức, cá nhân để bổ sung cho các có sở giáo dục, đặc biệt là những nơi chưa có điều kiện mua sắm trang thiết bị dạy học...
Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh, Trưởng Ban Tổ chức chia sẻ: Cuộc thi hướng tới việc khơi dậy ý thức chủ động, sáng tạo xây dựng thiết bị dạy học số, nâng cao chất lượng dạy và học; xây dựng và phát triển kho học liệu số về thiết bị dạy học số có chất lượng. Các thiết bị dạy học số được chia sẻ miễn phí và sử dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục. Các sản phẩm này sẽ góp phần bổ sung nguồn tư liệu dạy học, thiết bị dạy học có chất lượng để sử dụng trong công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những nơi chưa có điều kiện mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học; hỗ trợ các đơn vị trong việc chuẩn bị các thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn qua đây sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục theo mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Cuộc thi dành cho các tác giả (cá nhân, nhóm tác giả) đang cư trú tại Việt Nam, mỗi nhóm không quá 3 người. Sản phẩm dự thi là thiết bị dạy học được xây dựng, thiết kế, số hóa để dụng hoàn toàn hoặc một phần trên môi trường số phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên. Đó có thể là tư liệu dạy học (bộ tranh, ảnh, video clip); phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo; thiết bị thí nghiệm thực hành được kết nối và có thể tương tác trên máy tính...
Ban Tổ chức tiếp nhận sản phẩm dự thi từ ngày 1/7 đến ngày 15/8. Trước ngày 1/10, các sản phẩm dự thi được đánh giá ở vòng sơ khảo do Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Các sản phẩm dự thi sẽ vào vòng bình chọn của xã hội thông qua website của cuộc thi từ ngày 1-25/10. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào táng 11/2022.
Toàn bộ sản phẩm dự thi phải được đăng ký và nộp theo hình thức trực tuyến tại website: http://tbdhs.moet.gov.vn. Các tác giả có thể đăng ký một hoặc nhiều sản phẩm dự thi. Mỗi sản phẩm chỉ được đăng ký dự thi 1 lần. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập Hội đồng đánh giá vòng chung khảo đối với các sản phẩm được Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất tham gia vòng chung khảo. Các sản phẩm được đánh giá theo thang điểm 100 với các tiêu chí về tính khoa học; tính sư phạm và thẩm mỹ; tính sáng tạo và ứng dụng...
Giải thưởng cuộc thi gồm giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức trao giải cho 10 sản phẩm dự thi được xã hội bình chọn, đánh giá cao nhất trên website của cuộc thi…
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)