Làm gì để tìm lại vị thế môn vật?
Hệ quả của sự phát triển lệch
Đặt mục tiêu giành HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, thế nhưng khép lại Đại hội, môn vật chỉ giành 3 HCĐ. Với bộ môn có số lượng VĐV đông đảo nhất của thể thao thành tích cao tỉnh nhà, kết quả ấy được xem như thất bại. Ở góc độ chuyên môn, việc không có được thành công tại Đại hội là do lực lượng môn vật còn ít kinh nghiệm thi đấu, số VĐV đủ khả năng tranh chấp ở cấp độ vô địch mỏng. Chẳng hạn ở nội dung nữ, chỉ có Thân Thị Anh (SN 1998), Nguyễn Thị Hương (SN 1997); nội dung nam tự do, cổ điển có anh em song sinh Ngô Văn Vương, Ngô Văn Quốc (SN 1998), Trần Minh Đức (SN 1999), Đào Duy Hưởng (SN 2000).
![]() |
Các VĐV vật tự do nữ được đặt nhiều kỳ vọng. |
Nguyên nhân thất bại là do hệ quả của việc phát triển lệch. Trước đây, bộ môn chỉ dành sự ưu tiên cho thế mạnh vật dân tộc mà gần như "quên" vật tự do và cổ điển-hai nội dung vốn nằm trong hệ thống thi đấu cơ bản của các kỳ ASIAD, Olympic. Thực tế, với vật dân tộc, thể thao tỉnh nhà có được gần chục tấm HCV qua hai kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2006 và 2010. Cũng nhờ đó, vị thế của vật Bắc Giang được xác lập. Sau năm 2010, vật dân tộc bị loại khỏi chương trình thi đấu Đại hội nhưng tới năm 2013 chúng ta mới chuyển hướng sang tập trung đầu tư, huấn luyện, đào tạo VĐV cho các nội dung tự do, cổ điển. Việc chuyển đổi thiếu kịp thời khiến lực lượng của bộ môn dù đông đảo nhưng không thực sự tinh nhuệ. Nhiều đô vật trẻ chưa kịp trưởng thành để cạnh tranh ở đấu trường vô địch quốc gia.
Định hướng mới
Trao đổi với HLV Hoàng Văn Nhật, phụ trách bộ môn vật (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Bắc Giang) được biết, hiện tại môn vật có tổng số 52 VĐV thuộc tuyến năng khiếu, trẻ và dự tuyển. Các VĐV được chia làm ba lớp: Vật tự do nữ do HLV Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Quang Lành trực tiếp huấn luyện; vật tự do nam do HLV Hoàng Văn Nhật và Nguyễn Hồng Thái chịu trách nhiệm còn vật cổ điển nam được điều hành bởi hai HLV Lê Thanh Luyện, Nguyễn Hồng Quang.
Gác lại thất bại, sau Đại hội, bộ môn vật tập trung rà soát lại lực lượng ở cả ba lớp, đánh giá kỹ lưỡng trình độ, khả năng phát triển của từng VĐV, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tập luyện, tập huấn, thi đấu cụ thể, rõ lộ trình và mục tiêu. Qua rà soát, một trong những ưu tiên hàng đầu là giữ chân và nâng tầm chuyên môn cho những VĐV thuộc nhóm tuổi từ 19 đến 22 hiện tại như: Duy Hưởng, Văn Vương, Văn Quốc, Minh Đức, Thân Thị Anh, Nguyễn Thị Hương. Bên cạnh đó, khắc phục điểm yếu mỏng lực lượng thi đấu vô địch, các lớp mạnh dạn đôn đội ngũ lên tuyến dự tuyển. Đơn cử, Nguyễn Thị Ngân, Vũ Thị Ngọc Ánh (cùng SN 2001), Dương Thị Yến, Nguyễn Thị Lan Anh (cùng SN 2000) được thử sức ở tuyến dự tuyển. Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Văn Tuyên (cùng SN 2003), Phạm Huy Quốc (SN 2002) có cơ hội sát cánh cùng lứa đàn anh ở lớp tự do nam. Còn tại lớp cổ điển nam, anh em Quốc - Vương chịu trách nhiệm dìu dắt thế hệ kế cận như Tô Minh Hậu (SN 2001) và Giáp Văn Vinh (SN 2000).
Được biết, cùng với việc bổ sung lực lượng vô địch, bộ môn cũng tham mưu với lãnh đạo Trung tâm tạo điều kiện cho các VĐV tham dự các giải đấu trong nước, quốc tế, nhất là giải vô địch. Ngoài ra, thực hiện nhiều đợt tập huấn dã ngoại, thi đấu cọ xát tại các trung tâm vật mạnh của cả nước như: Quân đội, TP Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh… để VĐV rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, bản lĩnh.
Ngoài các yếu tố chuyên môn, ban huấn luyện môn vật cũng xác định tập trung cao cho công tác quản lý, giáo dục giúp VĐV nâng cao ý thức trách nhiệm trong tập luyện và sinh hoạt hằng ngày, thực hiện tốt nội quy, quy định của Trung tâm.
Với đội ngũ chất lượng được bổ sung, bảo đảm tính kế cận và những bước đổi mới về tư duy, cách làm, mong rằng bộ môn này sẽ sớm tìm lại được vị thế.
Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)