Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX: Thảo luận sâu các giải pháp linh hoạt ứng phó với dịch bệnh
Nhìn chung các đại biểu nhất trí cao với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2022. Ngoài phân tích, làm rõ thêm những kết quả nổi bật, các đại biểu cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục.
![]() |
Bà Lê Thị Thu Hồng thảo luận tại tổ. |
Chủ động, sẵn sàng các phương án chống dịch
Thảo luận tại tổ, bà Trần Thị Kim Ngân, tổ đại biểu huyện Lục Ngạn cho rằng, việc chuyển đổi sang dạy học trực tuyến hiện nay là phù hợp trong điều kiện địa bàn phát sinh dịch Covid-19, bảo đảm sức khỏe giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, hiệu quả, chất lượng dạy và học theo hình thức này còn hạn chế. Với đội ngũ giáo viên, đây là công việc không thường xuyên nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các phần mềm còn lúng túng, nhất là giáo viên cao tuổi, ở vùng nông thôn. Còn với học sinh, nhiều gia đình không có điều kiện để trang bị các thiết bị phục vụ việc học trực tuyến của con em.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động này, bà Ngân đề xuất ngành giáo dục quan tâm, đề xuất với T.Ư, tỉnh bố trí kinh phí đầu tư nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, kết nối các phần mềm trong dạy và học trực tuyến; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, nhất là ở các địa bàn khó khăn, miền núi. Từ đó, bảo đảm mục tiêu, kế hoạch năm học đã đề ra.
Bà Lê Thị Thu Hồng, tổ đại biểu huyện Lạng Giang khẳng định, năm 2021 tỉnh Bắc Giang trải qua những thời điểm rất khó khăn, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó cũng đã bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Bắc Giang mà là tình trạng chung của nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Thực tế này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể để khắc phục, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, góp phần quan trọng vào mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nhất trí với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hương, tổ đại biểu huyện Yên Thế và ông Tạ Huy Cần, Bí thư Huyện ủy Lạng Giang đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐND huyện Yên Thế cho rằng, công tác quản lý về nhân, hộ khẩu, hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện ở địa phương đang bộc lộ nhiều lỗ hổng. Các số liệu thống kê về dân cư, lực lượng lao động giữa các ngành không thống nhất.
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh phân công, giao trách nhiệm cho cơ quan chủ trì nhằm thống kê đầy đủ, thẩm định các số liệu biến động hằng năm ở từng lĩnh vực, bảo đảm thông tin chính xác, tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng dữ liệu và quản lý, kiểm tra, giám sát.
![]() |
Ông Lê Ánh Dương thảo luận tại tổ về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới. |
Thảo luận tại tổ, ông Lê Ánh Dương, tổ đại biểu huyện Việt Yên và ông Mai Sơn, tổ đại biểu huyện Lục Ngạn đề cao vai trò của hoạt động tiếp xúc cử tri. Từ đó, kịp thời nắm bắt các ý kiến, kiến nghị từ cơ sở để trao đổi, giải đáp những vướng mắc, hạn chế phát sinh khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, các đại biểu nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt trong ứng phó với diễn biến cụ thể; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực y tế, sẵn sàng trước mọi tình huống phát sinh.
Cùng đó, chiến lược chống dịch thời gian tới là chuẩn bị thật nhanh để sớm bao phủ vắc-xin, đến trước Tết phải cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 (hơn 90%), lực lượng tuyến đầu phải hoàn thành tiêm mũi 3. Tới đây, tỉnh xây dựng kế hoạch sống chung với virus SARS-CoV-2 bởi khi đó người mắc Covid-19 không bị nặng, không tử vong.
![]() |
Ông Mai Sơn thảo luận tại tổ. |
Quan tâm công tác quy hoạch, sắp xếp cán bộ dôi dư
Trao đổi về chất lượng công tác quy hoạch, ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng phân tích: Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch bao gồm các quy hoạch tổng thể, vùng, phân khu, chi tiết. Hiện nay, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành chuyên môn, tỷ lệ phủ kín theo quy hoạch chi tiết của tỉnh đã đạt 25%, riêng TP Bắc Giang đạt 60%.
Tuy nhiên, công tác này đang có nhiều hạn chế. Các quy hoạch chung, phân khu, nhất là trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập, chủ yếu mới đáp ứng việc đạt điểm của bộ tiêu chí, kinh phí đầu tư không nhiều, dẫn đến chất lượng chưa tốt.
Với quy hoạch chung, phân khu của đô thị thì hầu hết đều được lập vào những năm trước, không còn phù hợp với thực tế và tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh. Điều này dẫn tới hệ quả là nhiều huyện, TP đề xuất điều chỉnh, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, việc quy hoạch không hợp lý, nhất là trong xây dựng đô thị sẽ dẫn tới việc bố trí quỹ đất thiếu bền vững, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong các khu dân cư, hạn chế việc phát triển dư địa của các khu vực lân cận.
![]() |
Ông Vương Tuấn Nghĩa đề xuất các giải pháp nâng chất lượng quy hoạch. |
Theo ông Nghĩa, Luật Quy hoạch quy định rõ, quy hoạch được điều chỉnh theo chu kỳ và trong trường hợp quy hoạch mâu thuẫn với chiến lược phát triển của địa phương. Vì vậy, sau khi quy hoạch tổng thể của tỉnh được Chính phủ phê duyệt, các huyện, TP cần quan tâm nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch địa phương cho phù hợp.
Để nâng cao chất lượng quy hoạch, ông Nghĩa cho rằng, các cấp, ngành, địa phương quan tâm dành nguồn lực, bố trí kinh phí phù hợp, nhất là phân công cán bộ có chuyên môn, trình độ tham mưu, thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời tìm hiểu và lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín hỗ trợ trong khâu lập quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, tính bền vững, tạo động lực cho phát triển KT-XH.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã đạt kết quả tích cực, giảm 21 đơn vị hành chính cấp xã, 362 thôn, tổ dân phố… Qua việc sắp xếp cho thấy nhiều tác động tích cực như: Mở rộng không gian, tạo nguồn lực về đất đai, dân số, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…
Tuy nhiên, theo bà Diêm Hồng Linh, tổ đại biểu huyện Việt Yên, sau sáp nhập nhiều cán bộ dôi dư chưa được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp. Vì vậy, ngoài cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 46 của HĐND tỉnh cần có cơ chế cụ thể đối với từng đối tượng, khuyến khích cán bộ công chức thuộc đối tượng phải sắp xếp chuyển đổi công việc sang các lĩnh vực hoạt động khác hoặc luân chuyển sang các huyện, xã khác.
![]() |
Ông Thân Trung Kiên thảo luận tại tổ. |
Cũng về nội dung sắp xếp, tổ chức bộ máy, ông Thân Trung Kiên, tổ đại biểu huyện Tân Yên cho rằng, việc sử dụng và quản lý cán bộ, công chức và người hoạt động chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn còn một số bất cập, chồng chéo. Do đó cần tăng cường phân cấp công tác quản lý cán bộ, công chức cấp xã cho huyện, để huyện chủ động trong công tác quản lý, sắp xếp, cán bộ, công chức cấp xã; chủ động sắp xếp, bố trí lượng công chức dôi dư theo lộ trình; trong quá trình sắp xếp bố trí tùy điều kiện thực tế của địa phương có thể bổ sung thêm biên chế đối với một số ngành đặc thù như: Đoàn thanh niên, cựu chiến binh…
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số vấn đề như: Khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm đời sống người lao động tại các khu, cụm công nghiệp; phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực; quan tâm vấn đề giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu thuế…
Tin, ảnh: Nhóm PVVX
Ý kiến bạn đọc (0)