Kinh nghiệm trong phòng, chống dịch của LLVT tỉnh Bắc Giang
Tham mưu, chỉ đạo đúng, trúng
Đầu tháng 5, đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, LLVT tỉnh xác định đây là đợt dịch nguy hiểm, khó kiểm soát bởi chủ yếu xảy ra ở khu công nghiệp (KCN) lớn của tỉnh, tốc độ lây lan nhanh. Vì vậy, Bộ CHQS tỉnh, LLVT tỉnh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai các khu cách ly tập trung cho công dân, với kịch bản quy mô từ 20 đến 30 nghìn người. Nhờ đó việc bảo đảm điều kiện ăn nghỉ, y tế cho công dân trong các khung cách ly được thực hiện tốt. Việc quản lý, giám sát công dân cách ly tập trung được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn F1 ít thực hiện cách ly ở tỉnh; giai đoạn F1 nhiều mở rộng các khu cách ly huyện, xã với phương châm “4 tại chỗ”; xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh.
![]() |
Đại tá Vũ Đức Hiền, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh (thứ hai từ trái sang) kiểm tra khu cách ly tập trung tại huyện Lục Nam. |
Bộ CHQS tỉnh cũng tham mưu sử dụng lực lượng bộ đội thường trực làm nòng cốt và mở rộng lực lượng dân quân tự vệ các xã, thị trấn (khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp). Theo đó, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) quản lý, điều hành khung cách ly, bảo đảm hậu cần cho bệnh viện dã chiến; tham gia kiểm soát phòng dịch tại các chốt. Giữa tháng 5, Bộ CHQS tỉnh tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Quốc phòng và Quân khu 1 tăng cường CBCS và phương tiện hỗ trợ.
Quân khu 1 đã cử hàng trăm CBCS, phương tiện vật chất bảo đảm hậu cần, chuẩn bị 7 đến 10 nghìn suất ăn mỗi ngày cho công dân cách ly, bệnh nhân; phun khử khuẩn, làm sạch môi trường ở tất cả các KCN, công sở, địa điểm công cộng ở 10 huyện, TP. Kỹ thuật viên, bác sĩ, học viên Học viện Quân y và Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga tham gia hỗ trợ lấy mẫu, xét nghiệm, thu dung, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2.
Đại tá Lê Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Ngay từ những ngày đầu khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, chúng tôi đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhiệm vụ phòng, chống dịch. Tập trung triển khai hai vấn đề chính là: Chỉ đạo thực hiện trong LLVT tỉnh và công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương. Tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm “30 ngày đêm quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19”; kịp thời biểu dương, khen thưởng hàng trăm CBCS có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch”.
Làng bảo vệ làng, xã bảo vệ xã
Nhằm khắc phục khó khăn như biên chế lực lượng bộ đội thường trực ít, nhu cầu sử dụng nhiều. Khi mới thành lập các khung cách ly, sự phối hợp của các lực lượng quân đội, công an, y tế chưa ăn khớp, nhịp nhàng, Bộ CHQS tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp, biến khó khăn thành cơ hội. Bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự tỉnh, toàn lực lượng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, sâu kỹ văn bản của các cấp về công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và ngành y tế tỉnh, huyện thực hiện quản lý điều hành khu cách ly; giao trách nhiệm cụ thể cho từng người phụ trách, phòng, chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
![]() |
Trung đoàn 831, nơi đón tiếp công dân vào cách ly luôn được cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh chuẩn bị chu đáo. |
Bộ CHQS tỉnh cũng huy động khoảng 1.000 CBCS thực hiện nhiệm vụ tại tất cả các chốt kiểm soát. Phối hợp với các lực lượng đưa khoảng 3 nghìn công nhân F1 đang cách ly tập trung tại 3 KCN: Song Khê- Nội Hoàng, Vân Trung, Quang Châu về cách ly tại một số đơn vị quân đội thuộc Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 1), tạo điều kiện cho các KCN tỉnh hoạt động trở lại. Ban CHQS các huyện, TP chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Thành lập các tổ tuyên truyền, giám sát, phản ứng nhanh, giúp lãnh đạo đơn vị kịp thời chỉ đạo, biểu dương và nhắc nhở, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trong điều kiện số lượng người cách ly tập trung lớn, có thời điểm lên gần 30 nghìn trường hợp, với gần 300 khu cách ly, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị vận dụng hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Theo đó, tham mưu thành lập các khu cách ly tại các xã, huyện theo phương châm “làng bảo vệ làng, xã bảo vệ xã, huyện bảo vệ huyện”, giúp công dân cách ly không phải di chuyển xa, tiết kiệm chi phí, hạn chế lây nhiễm.
Chia sẻ về hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ”, Đại tá Lê Văn Thắng cho biết thêm: “Điểm cách ly tại địa phương huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cơ sở, cộng đồng trong bảo đảm phục vụ cho khu cách ly. Hiện nay, mỗi xã, phường, thị trấn đều trưng dụng từ 1 đến 3 địa điểm với khả năng cách ly hàng trăm người. Cuộc chiến với giặc Covid-19 cũng đạt hiệu quả hơn nữa khi người người, nhà nhà thấm nhuần tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình là một pháo đài bất khả xâm phạm với đại dịch”.
Ý kiến bạn đọc (0)