Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm ở Việt Yên
Giúp người dân sớm "an cư, lạc nghiệp"
Dự án xây dựng cầu Như Nguyệt trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2021 với tổng kinh phí hơn 450 tỷ đồng. Đây là công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển KT- XH của tỉnh. Xác định GPMB là yếu tố then chốt để dự án sớm được triển khai, ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện Việt Yên tập trung cao chỉ đạo, thực hiện với quyết tâm hoàn thành trong tháng 4, trước 2 tháng so với kế hoạch UBND tỉnh giao.
![]() |
Nhờ có mặt bằng sạch, các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Việt Yên sớm được triển khai. Ảnh: Thi công đường nối quốc lộ 37- quốc lộ 17- đường tỉnh 292 qua xã Việt Tiến. |
Triển khai dự án, huyện phải thu hồi gần 6,6 nghìn m2 đất của 16 hộ gia đình, cá nhân trú tại thôn Nam Ngạn (xã Quang Châu) và một tổ chức. Quá trình thực hiện, cơ quan chuyên môn huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tập trung rà soát, phân loại và xác định nguồn gốc đất, từ đó xây dựng phương án, lộ trình thực hiện cụ thể.
Với phương châm bảo đảm quyền cho người dân, UBND huyện bố trí quỹ đất tái định cư tại khu dân cư Đồng Vân, Bắc Quang Châu (cùng xã). Đây là khu dân cư mới, hạ tầng đồng bộ và thuận lợi cho phát triển dịch vụ nên các hộ sớm đồng thuận. Nhờ đó, đến giữa tháng 4 vừa qua, địa phương đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB phần đất liên quan đến dự án, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch.
“Dự án cầu Như Nguyệt là một trong hai dự án được địa phương thực hiện trong đợt cao điểm GPMB vừa qua. Từ kinh nghiệm thực hiện dự án cầu Như Nguyệt, chúng tôi tiếp tục áp dụng để hoàn thành GPMB 4,6 ha dự án nhà ở xã hội Quang Châu tại thôn Tam Tầng chỉ trong 21 ngày”, Bí thư Đảng ủy xã Quang Châu Nguyễn Văn Chiến nói.
Theo đại diện UBND huyện Việt Yên, hiện trên địa bàn huyện có hơn 200 dự án đang được triển khai, trong đó nhiều dự án trọng điểm. Diện tích đất phải GPMB lớn, phức tạp nên ở mỗi dự án, Huyện ủy, UBND huyện đều có chủ trương, giải pháp cụ thể, yêu cầu lực lượng chức năng, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn cùng tham gia.
Điểm đáng chú ý là, cùng với tăng cường đối thoại, địa phương tính toán, bố trí khu vực tái định cư phù hợp, bảo đảm người dân có đất thuộc diện thu hồi có nơi ở mới sớm nhất, chất lượng bảo đảm. Ví như tại dự án đường nối quốc lộ 37 - quốc lộ 17 - đường tỉnh 292, một số hộ dân xã Nghĩa Trung đề nghị được bố trí đất tái định cư tại khu dân cư Dục Quang (thị trấn Bích Động) để kinh doanh, buôn bán.
![]() |
Gia đình ông Nguyễn Quang Sơn, thôn Nam Ngạn (Quang Châu) xây nhà, ổn định cuộc sống sau khi bàn giao đất thi công cầu Như Nguyệt. |
Sau khi rà soát, UBND huyện đồng ý bố trí đất theo nguyện vọng, đồng thời yêu cầu các hộ đóng thêm tiền do diện tích tại nơi ở mới cao hơn diện tích đất thu hồi. Theo đó, 5 hộ đồng ý đóng thêm gần 3,3 tỷ đồng để nhận đất tái định cư theo nguyện vọng. Theo ông Ngô Thế Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện, khi triển khai GPMB, đơn vị luôn lấy các hộ trong diện thu hồi đất làm trung tâm để tuyên truyền, vận động. Mọi đề xuất, nguyện vọng chính đáng của người dân đều tính toán kỹ để có phương án tối ưu, tạo sự đồng thuận.
Hài hòa lợi ích
Thực tế ở huyện Việt Yên cho thấy, trong thu hút đầu tư, ngoài lợi thế về vị trí, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông còn xuất phát từ chính sách tiếp cận đất đai, giải quyết thủ tục hành chính. Do đó địa phương luôn xác định GPMB nhanh gọn để bàn giao quỹ đất sạch thực hiện dự án là “chìa khóa” để đón nhà đầu tư đến địa bàn.
Để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, đối với các dự án nhà nước thu hồi đất, ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định, địa phương cho phép người có đất bị thu hồi lựa chọn hình thức tái định cư như: Tái định cư tại chỗ, tái định cư tự tìm... Với dự án đầu tư ngoài ngân sách, huyện khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ thêm. Ví như để triển khai dự án Sân Golf Việt Yên, ngoài kinh phí đền bù các phần mộ theo quy định, UBND huyện đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/mộ để các gia đình thực hiện di chuyển.
Kinh nghiệm nổi bật trong công tác bồi thường GPMB ở huyện Việt Yên là, ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định, UBND huyện khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ thêm để bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân có đất thuộc diện thu hồi. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư; thành lập các tổ công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, có biện pháp giải quyết phù hợp, đúng quy định của pháp luật ngay từ cơ sở...
Ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên nói: "Xác định công tác GPMB chính là thước đo sự sẵn sàng, quyết tâm của địa phương trong thu hút đầu tư, chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền. Khi có dự án, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, quyết tâm trong thời gian ngắn nhất triển khai thành công dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, góp phần tạo đột phá để thu hút đầu tư và bứt phá trong phát triển KT-XH địa phương".
Ý kiến bạn đọc (0)