Không để lỗi chủ quan làm lây nhiễm dịch bệnh
Những ngày gần đây, trên địa bàn thị trấn Vôi (Lạng Giang) phát hiện một trường hợp nhiễm Covid-19 là cháu T.B.G.B, 13 tuổi, học sinh lớp 7A4, Trường THCS thị trấn Vôi số 1. Mặc dù trước khi được phát hiện dương tính, cháu đã sốt cao, ho, đau đầu nhưng bố mẹ vẫn tự ý cho uống thuốc tại nhà mà không báo với nhân viên y tế cơ sở hay cán bộ Tổ Covid-19 cộng đồng.
Trong những ngày ho, sốt, cháu B vẫn đi học bình thường, tiếp xúc với nhiều bạn. Cho đến 3 hôm sau, bệnh không thuyên giảm, B mới được mẹ đưa đến cơ sở y tế để khám bệnh. Điều không mong muốn đã xảy ra, với các biểu hiện bệnh quá rõ ràng, cháu B được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS - CoV-2.
![]() |
Trường THCS thị trấn Vôi số 1 chuyển làm khu cách ly tập trung. |
Do phát hiện muộn dẫn đến các bước rà soát, truy vết, xét nghiệm sàng lọc chậm làm nhiều người lây nhiễm. Đến ngày 4/12, lớp 7A4 đã có 5 bạn cùng học với B nhiễm bệnh. Trường THCS thị trấn Vôi số 1 có 12 học sinh mắc Covid-19. Không chỉ dừng lại ở đó, chuỗi ca dương tính này còn làm lây lan sang một số trường học trên địa bàn.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại thị trấn Vôi, Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang lấy mẫu tầm soát các đối tượng F1 là học sinh, giáo viên và những người liên quan. Đến trưa ngày 4/12, trên địa bàn thị trấn phát hiện 18 ca nhiễm Covid-19, chủ yếu là học sinh ở các trường: Tiểu học thị trấn Vôi số 1, THCS thị trấn Vôi số 1, THCS Tân Hưng và người thân của các em. Kéo theo đó là hàng trăm người bỗng chốc trở thành F1, F2 phải cách ly, theo dõi sức khoẻ, mọi hoạt động học tập, sinh hoạt bị đảo lộn. Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn lại gặp phải khó khăn, thách thức mới.
Theo đánh giá của BCĐ Phòng, chống dịch tỉnh, chùm ca bệnh ở thị trấn Vôi được phát hiện muộn nguyên nhân ban đầu do sự chủ quan, lơ là của chính người thân trong gia đình có người nhiễm bệnh. Thói quen của nhiều người, khi bị ốm thường tự ý mua thuốc điều trị mà không đến cơ sở y tế để được khám, đánh giá sức khỏe toàn diện. Hơn nữa trong thời gian này, do thời tiết khô lạnh, người dân cũng dễ nhiễm các loại virus khác gây nên một số bệnh thường gặp như cúm mùa. Theo các bác sĩ, người nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng có những biểu hiện ban đầu giống cảm cúm thông thường nên khó phân biệt. Thực tế, tại Bắc Giang thời gian vừa qua có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 mà không hay biết. Khi có biểu hiện ho, sốt, đau đầu lại cho rằng mình bị cảm cúm thông thường nên tự ý mua thuốc điều trị đã làm lây nhiễm cho nhiều người.
Trong khi gần 2 năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế liên tục khuyến cáo và yêu cầu người dân khi có biểu hiện ho, sốt cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị đúng bệnh. Việc phát hiện sớm người nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ làm giảm nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn xem nhẹ khuyến cáo này.
![]() |
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho học sinh Trường Mầm non xã Tân Sỏi (Yên Thế). |
Rút kinh nghiệm từ chuỗi lây nhiễm tại thị trấn Vôi, BCĐ Phòng, chống dịch các cấp yêu cầu người dân khi có dấu hiệu ho, sốt, đau đầu, khó thở cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được khám, lấy mẫu xét nghiệm, tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị. Các khu dân cư không chủ quan, lơ là trong việc kiểm soát các dấu hiệu nghi nhiễm ở từng người dân, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Theo ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế, đơn vị tiếp tục yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh thuốc tân dược thực hiện nghiêm quy định không bán thuốc cho người có biểu hiện ho, sốt đồng thời báo cáo ngay với trạm y tế về thông tin của người mua thuốc. Trong tháng 12/2021, Sở Y tế tập trung cao kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, xử lý nghiêm các vi phạm đối với những cơ sở không chấp hành đúng quy định vẫn bán thuốc điều trị cảm cúm cho người dân.
Thông tin từ Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, từ ngày 26/10 đến sáng ngày 4/12, toàn tỉnh có 1.159 ca nhiễm Covid-19. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nhiều nước trên thế giới phát hiện biến chủng mới Omicron có tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần các biến chủng cũ.
Vì vậy, để phòng tránh dịch xâm nhập, bảo vệ sức khỏe bản thân, người dân cần tự giác thực hiện nghiêm 5K theo khuyến cáo của ngành y tế, không tụ tập đông người, chủ động khai báo y tế khi có yếu tố dịch tễ, hạn chế đi ra ngoại tỉnh hoặc tiếp xúc với người đến từ các vùng dịch. Cùng đó, tổ Covid-19 cộng đồng, nhân viên y tế thôn bản chủ động nắm bắt, giám sát tình hình sức khỏe nhân dân, phát hiện sớm các trường hợp ho, sốt để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên địa bàn dân cư.
Đối với các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nâng cao chất lượng giờ học kỹ năng sống gắn với phòng dịch. Thầy cô chọn nội dung bài giảng về giáo dục sức khoẻ phòng, chống dịch Covid-19 để bổ sung kiến thức cho học sinh. Đổi mới công tác tuyên truyền dưới dạng thiết kế video, pano, tranh ảnh; truyên truyền qua hệ thống zalo nhóm với cha mẹ học sinh để phụ huynh, học sinh hiểu rõ mối nguy hiểm của dịch bệnh đối với sức khoẻ.
Đối với các trường tổ chức bữa ăn bán trú phải thực hiện nghiêm hơn nữa các biện pháp phòng dịch, thường xuyên vệ sinh phòng học, phòng ngủ, nhà ăn, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào trường học để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Ý kiến bạn đọc (0)