Huyện Tân Yên (Bắc Giang) chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Khai thác lợi thế, tăng thu nhập
Những ngày này, gia đình chị Tạ Thị Huê (SN 1974) ở thôn Kỳ Sơn, xã Song Vân đang tập trung chăm sóc diện tích dưa chuột chuẩn bị cho thu hoạch. Theo chị Huê, loại cây này dễ trồng, chăm sóc, thời gian trồng một vụ ngắn (khoảng 2 tháng) và cho thu hoạch liên tục trong khoảng 20 ngày. Dự kiến, với 4 sào dưa chuột, mỗi ngày, gia đình chị thu hoạch được gần 4 tạ quả. Với giá bán từ 10 đến 12 nghìn đồng/kg, tính đến hết vụ, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Huê thu lãi khoảng 7 triệu đồng/sào.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Chung, thôn Chậu (xã Song Vân) kiểm tra đàn chim bồ câu. |
Cũng ở xã Song Vân nhưng anh Nguyễn Văn Chung (SN 1984) ở thôn Chậu lại chọn hướng phát triển kinh tế từ nuôi chim bồ câu. Hiện thực hóa quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương, anh Chung dành gần 600m2 đất vườn của gia đình xây dựng hệ thống chuồng trại, nuôi 1.500 đôi chim bồ câu bố mẹ. Trung bình mỗi năm, một đôi chim bố mẹ sinh sản được từ 9 đến 10 đôi chim con. Với giá bán bình quân từ 55 đến 65 nghìn đồng/con, mỗi tháng gia đình anh Chung thu lãi hơn 50 triệu đồng. Ông Dương Văn Mùa, Chủ tịch UBND xã Song Vân cho biết: “Để giúp người dân phát triển sản xuất, chúng tôi có cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với vùng sản xuất rau quả chế biến, rau quả tập trung; mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, xã cũng chủ động làm việc với một số doanh nghiệp nhằm tạo mối liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng giống, phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.
Đến hết năm 2019, giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác ở huyện Tân Yên đạt 152 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi so với năm 2015; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2015. |
Tìm hiểu thực tế trên địa bàn huyện cho thấy, tùy vào đặc điểm, thế mạnh, các địa phương trong huyện đều lựa chọn hướng đi, mô hình phù hợp. Điển hình như tại xã Lan Giới, để nâng cao giá trị sản xuất, địa phương đã lựa chọn ba cây trồng chủ lực là: Dưa bao tử, ngô ngọt và khoai tây thay cho cây lúa. Đến nay, cơ bản diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã được phủ xanh bởi các loại cây trồng này với giá trị mang lại cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Trong khi đó, phát huy thế mạnh của dải đất ven sông, xã Hợp Đức cũng tập trung chuyển đổi hơn 50% diện tích đất nông nghiệp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Vải thiều sớm, ổi, nhãn, bưởi, vú sữa...
Được biết, nhằm khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng cây ăn quả tập trung, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, hướng tới sản xuất hàng hóa, năm 2015, Huyện ủy Tân Yên ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển cây ăn quả và nâng cao hiệu quả kinh tế vườn đồi; UBND huyện có chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích cây ăn quả theo đúng quy hoạch với mức từ 0,5 ha được hỗ trợ 10 triệu đồng, thêm mỗi ha hỗ trợ thêm 15 triệu đồng để mua giống. Bên cạnh cây ăn quả, UBND huyện tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại các địa phương, khuyến khích mở rộng mô hình trang trại, liên kết các trang trại, gia trại. Thống kê cho thấy đến nay, toàn huyện đã xây dựng 24 cánh đồng mẫu, duy trì 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, 37 mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới; hình thành 98 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung... cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo đánh giá, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở các địa phương đã góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác. Cụ thể, năm 2019 thu nhập bình quân đạt 152 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi so với năm 2015; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2015. Bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nói: “Những thành quả đạt được của huyện trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi là rất đáng khích lệ. Việc làm này không những góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập mà còn bảo đảm khai thác, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Qua quá trình thực hiện đã tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện”.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)