Hỗ trợ hội viên nông dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã: Thúc đẩy sản xuất, nâng giá trị nông sản
Tạo niềm tin từ xây thương hiệu
Đã cuối tháng 10 âm lịch nhưng trên những sườn đồi thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương (Lục Nam), na trái vụ vẫn sai trĩu quả. Bên trong vườn cây là những ngôi nhà cao tầng khang trang, nối với nhau bằng các con đường trải bê tông lên tới đỉnh đồi.
![]() |
Các thành viên HTX Na dai Nghĩa Phương đóng gói sản phẩm trước khi xuất bán. |
Xế trưa, chợ na Suối Ván đã vãn song nhà ông Bế Văn Khang, thành viên HTX Na dai xã Nghĩa Phương vẫn còn nhiều người cùng đóng na vào hộp các tông được in hình quảng cáo, logo bắt mắt.
Trong khi tiếp chuyện tôi, chị Nguyễn Thị Huyền (thôn Suối Ván) vẫn nhanh tay dán tem truy xuất nguồn gốc lên những trái na tươi: “Hôm nay, chúng tôi nhận đơn hàng gần 2 tấn cho một siêu thị ở Hà Nội nên phải tranh thủ đóng gói không lỡ hẹn”.
Theo chị Huyền, vào thời điểm na chín vụ hai trong năm như hiện tại, để có đủ sản phẩm cho khách đặt trước, HTX phải thông báo đến nhiều thành viên mới gom đủ hàng. Trước đây, khi chưa thành lập HTX, mọi người mạnh ai nấy làm nên rất hiếm khi nhận được hợp đồng lớn.
Chị Huyền lựa một trái na to mời tôi nếm thử. Vị ngọt sắc tan trong miệng. Có được những trái na chất lượng như vậy là kết quả của việc chăm sóc theo quy trình sản xuất sạch.
Tháng 8 vừa qua, 31,5 ha na dai của 54 thành viên HTX (ở các thôn: Suối Ván, Tè, Kỳ Sơn, Trí Yên cùng xã) được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản lượng, giá trị nâng lên.
Giá na của HTX tăng hơn sản phẩm canh tác thông thường từ 3 -5 nghìn đồng/kg. Với tổng sản lượng 500 tấn/31,5ha, thành viên HTX thu lãi thêm gần 2 tỷ đồng.
Ông Hoàng Ngọc Thành, Giám đốc HTX chia sẻ, HTX thành lập tháng 5 vừa qua dựa trên tổ hợp tác do HND tỉnh hỗ trợ triển khai từ trước. Theo đó, ngoài được bổ sung kiến thức thâm canh theo hướng hàng hóa, HTX còn được HND tỉnh giúp thiết kế logo, in tem nhãn truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm. Đến nay, Lục Nam đã có thêm thương hiệu Na dai xã Nghĩa Phương và hình thành vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tương tự, HTX Ba kích tím Tây Yên Tử, thôn Thanh Hà, xã Thanh Luận (Sơn Động) cũng ra đời với sự góp sức của HND huyện và hỗ trợ trực tiếp của HND tỉnh.
Năm 2017, HND tỉnh triển khai Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình thâm canh cây ba kích tím dưới tán rừng tại xã Thanh Luận. Sau 3 năm, với 10 hộ tham gia trên tổng diện tích 5 ha cây ba kích trồng bằng hom, qua đánh giá giống cây này thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.
Cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đến khi thu hoạch đạt 80% với 15,4 củ (trọng lượng từ 1,5- 2kg)/gốc, dự tính đạt giá trị hơn 100 triệu đồng/ha. Việc thành lập HTX thực sự là “đòn bẩy” để người dân mở rộng diện tích, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hỗ trợ liên kết để phát triển bền vững
Theo HND tỉnh, để có thêm những thương hiệu, sản phẩm mới (thông qua việc hỗ trợ thành lập các HTX), năm 2017, đơn vị thực hiện Đề án "Nâng cao vai trò của HND trong liên kết hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017-2020” (gọi tắt là Đề án).
![]() Đến nay, HND các huyện, TP đã phối hợp xây dựng được 19 thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2020, HND mỗi huyện, TP hỗ trợ xây dựng được ít nhất 3 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thế mạnh của địa phương". Ông Lã Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh. |
Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các ngành hướng dẫn và trực tiếp làm sáng lập viên thành lập mới 34 HTX nông nghiệp, 65 tổ hợp tác.
Các cấp Hội chủ trì phối hợp xây dựng được 600 mô hình liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản. Riêng năm 2019, HND các cấp hướng dẫn thành lập 17 HTX và 18 tổ hợp tác.
Thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã liên kết nông dân với nông dân cùng phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng giá trị gia tăng hàng hóa.
Việc làm này góp phần hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung như: Vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và cam ngọt ở Lục Ngạn; vùng sản xuất rau quả ứng dụng công nghệ cao (CNC), nuôi thủy sản thâm canh ở Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa, TP Bắc Giang; vùng sản xuất rau chế biến ở Tân Yên; chuyên canh chè, chăn nuôi dê, gà đồi ở Yên Thế…
Anh Trần Đức Dũng, thôn Dầm Chúc, xã Tân Sỏi (Yên Thế) là thành viên liên kết chăn nuôi dê với HTX Sản xuất, tiêu thụ dê và ong mật Hồng Kỳ tâm sự: “Nhờ liên kết nên việc chăn nuôi, tiêu thụ dê thịt rất thuận lợi. Mỗi năm, tôi xuất bán theo HTX hơn 300 con dê thịt, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện”.
Ông Lã Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho biết, sau gần 3 năm thực hiện Đề án, các cấp Hội phối hợp tổ chức hơn 200 lớp bồi dưỡng kiến thức về liên kết, hợp tác, ứng dụng khoa học, CNC, kinh tế tập thể giúp gần 20,4 nghìn lượt hội viên nâng cao kiến thức sản xuất.
HND tỉnh còn tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm giữa doanh nghiệp với nhà nông về liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho nông sản. Các cấp Hội đào tạo nghề mới cho 7 nghìn lao động.
Qua đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng ngành nghề mới, củng cố nghề truyền thống, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)