Hấp dẫn trò chơi dân gian ở Lục Ngạn
Chơi đu có đu đơn và đu đôi song hấp dẫn hơn cả là phần chơi đôi nam nữ. Hai người quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức từ đôi chân nhún đẩy cho đu bay cao. Trên mỗi cây đu gắn một chiếc khăn đỏ hoặc phần thưởng, người tham gia giật được chiếc khăn hay phần thưởng đó mới được xem là thắng cuộc. Chơi đu đã trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong những lễ hội xuân ở các xã vùng cao của Lục Ngạn.
Bịt mắt đập niêu cũng là một trò chơi dân gian thú vị. Luật chơi theo lối cổ, người chơi bị bịt mắt bằng một tấm vải rồi từ từ cầm gậy tiến đến những chiếc niêu được treo ở vị trí cách mặt đất khoảng 2m. Ai đập trúng thì được nhận thưởng. Trò chơi này tạo nên sự thích thú, hò reo của người cổ vũ khi nhiều người chơi dù đã đi đúng hướng nhưng cú đập lại không trúng đích. Trò chơi tạo sự vui vẻ, phấn khích, khởi đầu cho một năm mới đầm ấm, vui tươi.
![]() |
Các đội thi đấu kéo co tại Hội hát Sloong hao và Phiên chợ xuân vùng cao huyện Lục Ngạn. |
Ở lễ hội đền Hả, xã Hồng Giang, từ lâu trò chơi đấu cờ đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu. Các thôn trong xã lựa chọn những kỳ thủ chơi cờ tướng giỏi để luyện tập các thế cờ hiểm như: Bình phong mã, thuận pháo, nghịch pháo… đi thi đấu. Bàn cờ người trên sân đền làm sống lại hình ảnh “ba quân tướng sĩ” trong triều đình phong kiến xưa. Đến đây, du khách được cùng dân làng tận hưởng không khí ngày xuân trong những màn đấu trí kịch tính, hấp dẫn.
Các lễ hội xuân ở Lục Ngạn còn có trò chơi kéo co. Quan niệm dân gian cho rằng kéo co là trò chơi cầu mong sự sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào. Theo lệ làng, người tham gia kéo co phải là trai đinh của làng, con cái những gia đình nền nếp. Mỗi đội có từ 8 đến 10 người tùy từng năm, người chỉ huy mỗi đội gọi là tổng cờ do dân làng bầu lên. Những ngày cuối năm bận rộn nhưng thanh niên làng vẫn dành thời gian tập luyện, hẹn ra xuân tham gia thi đấu trong niềm vui phấn khởi, tiếng hò reo, cổ vũ vang dậy.
Bùi Được
Ý kiến bạn đọc (0)