Giúp thoát nghèo bền vững
Tính từ Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm trước đến nay, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên đã vận động Quỹ “Vì người nghèo”, chương trình an sinh xã hội và phòng, chống dịch Covid -19 được tổng số tiền hơn 113 tỷ đồng.
Đó là con số rất ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ vậy, hàng nghìn hộ đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ sản xuất; khám chữa bệnh; hỗ trợ học sinh đến trường…
Cùng với hỗ trợ bằng tiền, ngày công, hiện vật, nhiều nơi có cách làm sáng tạo hỗ trợ hộ nghèo vật tư, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, phân công cán bộ đảng viên, hộ kinh tế khá giúp hộ nghèo.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng, nhiệm kỳ vừa qua, mỗi năm toàn tỉnh giảm bình quân 2% hộ nghèo. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%, giảm hơn 10,4% so với năm 2015; tỷ lệ tái nghèo hằng năm không quá 0,6%, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước (1,5%).
Những hộ nghèo hiện nay chủ yếu là do thiếu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, sử dụng vốn vay kém hiệu quả; có người do ốm đau, bệnh tật, sức khỏe yếu...
Ở một số nơi còn do chính quyền, đoàn thể cơ sở chưa sát sao nắm bắt nhu cầu chính đáng của người dân; chưa biết được họ có tiềm năng, thế mạnh nào, đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng, của Nhà nước. Mặt khác, chưa có biện pháp giúp đỡ kịp thời, sát thực đến từng gia đình, còn chung chung và chưa thường xuyên theo dõi, động viên khích lệ họ.
Từ thực tế trên, để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, thời gian tới cần phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể. Với số tiền huy động được về Quỹ “Vì người nghèo” nên hạn chế việc hỗ trợ trực tiếp, cho không mà chuyển qua các kênh tín dụng ngân hàng để cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, làm ăn có tính toán của người dân.
Thực tế cũng thấy rằng, ở những địa phương có nhiều gia đình thoát nghèo nhanh, bền vững, vấn đề cơ bản do gia đình có ý chí quyết tâm phấn đấu thoát nghèo. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần thực hiện đồng bộ các chính sách tạo mở việc làm, tăng thu nhập như hướng nghiệp, khởi sự nghề nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển chăn nuôi, các ngành nghề truyền thống.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu kịp thời những mô hình, kinh nghiệm thoát nghèo nhanh, bền vững của các hộ gia đình, địa phương, kinh nghiệm sử dụng vốn vay có hiệu quả, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp, giúp đỡ cho địa phương, người dân thoát nghèo bền vững.
Trước hết trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để huy động số kinh phí đạt mục tiêu đề ra, kịp thời hỗ trợ người nghèo hiệu quả nhất.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)