Giúp người từng lầm lỡ sớm hòa nhập cộng đồng
Sáng tháng Tư, Thiếu tá Giáp Minh Thành, Trưởng Công an xã Phương Sơn (Lục Nam) và Trung tá Phạm Công Lê, cảnh sát khu vực đến thăm gia đình anh Đỗ Văn Trung (SN 1984) ở thôn Phương Lạn 2. Từng có quá khứ lầm lỗi, hoàn thành thời gian chấp hành án phạt tù trở về địa phương, anh Trung đã nỗ lực rất nhiều để thay đổi cuộc sống.
![]() |
Công an xã Phương Sơn (Lục Nam) động viên, hướng dẫn anh Đỗ Văn Trung làm thủ tục xóa án tích. |
Năm 2016, anh về địa phương, mở sạp hàng vải ở chợ Sàn kiếm đồng ra đồng vào. Ngày này qua tháng khác, hai vợ chồng tích cóp trả hết nợ cũ rồi mua đất, xây nhà ngay cổng Trường THPT Phương Sơn, mở thêm quán ăn. Không chỉ vậy, anh còn trở thành hạt nhân tích cực bảo đảm an ninh trật tự của thôn, xã. Hễ thấy nhóm học sinh có biểu hiện gây rối trật tự hay đối tượng nghi vấn sử dụng ma túy, trộm cắp tài sản là anh nhắc nhở, báo tin đến Công an xã.
Mấy năm nay, tình hình an ninh trật tự ở khu vực cổng Trường THPT Phương Sơn ổn định hơn. Tháng 4, 5/2021, khi xã Phương Sơn có ca bệnh Covid-19 đầu tiên, người người, nhà nhà cửa đóng then cài. Thấy cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu vất vả, anh tự nguyện cùng nhóm bạn chuẩn bị hàng trăm suất ăn sáng, đến tặng từng người ở các chốt kiểm soát. Anh Trung chia sẻ: “Ban đầu, nhiều người còn e ngại, chẳng muốn va chạm. Song bản thân tôi tự cởi mở hơn, thôn xóm có việc là xung phong xắn tay áo vào việc. Lâu dần, bà con cũng suy nghĩ khác, việc gì cũng gọi tôi”.
Anh Trung là một trong số 7 người đã chấp hành xong án phạt trở về địa phương mà cấp ủy, chính quyền và Công an xã Phương Sơn hiện đang hỗ trợ, giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau.
Theo Thiếu tá Giáp Minh Thành, nhằm giúp người từng lầm lỡ làm lại cuộc đời, Công an xã đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã phân công trưởng thôn, trưởng khu phố trực tiếp hỗ trợ; huy động các ngành, đoàn thể như Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi và Đoàn Thanh niên… vào cuộc cùng động viên chia sẻ.
Công an xã cũng xây dựng kế hoạch riêng phân công các cảnh sát khu vực cùng công an xã bán chuyên trách thường xuyên theo dõi, hướng dẫn thủ tục xóa án tích nếu đủ thời gian. Chính sự quan tâm này mà vừa qua xã có 3 người chấp hành xong án phạt đã được xóa án tích.
TP Bắc Giang hiện có 328 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Theo Thượng tá Phan Thanh Hợp, Phó Trưởng Công an TP Bắc Giang, đơn vị và UBND các phường, xã đã tiếp nhận, đề xuất giải pháp phù hợp, phòng ngừa tái vi phạm pháp luật.
Nhằm giúp đỡ người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, hiện Công an thành phố chỉ đạo công an phường, xã phối hợp với các đoàn thể ở địa phương duy trì hiệu quả 2 mô hình gồm: “Liên kết công an và các tổ chức chính trị xã hội trong tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” ở phường Trần Nguyên Hãn và “Tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” của phường Lê Lợi. Tại những mô hình này, các đơn vị đã định hướng, hỗ trợ tìm việc làm, hướng dẫn thực hiện một số thủ tục cần thiết.
Tuy vậy, ở nhiều địa phương, công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ người lầm lỡ còn nhiều khó khăn. Bởi nhiều tổ chức, người dân còn nhận thức chưa đầy đủ về công tác này dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai ở một số nơi còn chưa nghiêm túc. Một bộ phận doanh nghiệp, quần chúng nhân dân còn kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc e ngại, sợ liên lụy. Không ít người chấp hành xong án phạt về địa phương còn tự ti, mặc cảm, chưa tích cực học tập, lao động ổn định cuộc sống.
Đa số người chấp hành án phạt tù có trình độ học vấn thấp, tay nghề, kỹ năng còn hạn chế; do không có thu nhập, một số người dễ tái phạm. Theo số liệu khảo sát của Công an tỉnh, toàn tỉnh có 2.265 người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú ở địa phương nhưng chỉ có 46,5% đã có việc làm.
Theo Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, vấn đề được đặt ra là giải quyết công ăn việc làm giúp người lầm lỡ sớm ổn định cuộc sống. Để làm được điều đó, Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thông tin, tuyên truyền về công tác tái hòa nhập cộng đồng; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế.
Đồng thời, tập trung nhân rộng các mô hình, điển hình trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nhằm khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận những người từng lầm lỡ vào làm. Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cơ sở phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)