Giúp công nhân an cư để lạc nghiệp: Bài 1- Nhà trọ thành tâm dịch
Người lao động của 61 tỉnh, TP trong cả nước có mặt tại Bắc Giang, kéo theo nhà ở, điều kiện an sinh xã hội đòi hỏi rất lớn song thực tế chưa đáp ứng kịp nhu cầu, nhất là nhà ở cho công nhân. Đây là vấn đề bức xúc lớn của người lao động do nhà ở vừa thiếu, vừa không bảo đảm chất lượng, mật độ công nhân ở quá dày nên những nhà trọ gây ra nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, từ đó dễ phát sinh các loại dịch bệnh. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra rất khó kiểm soát. Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Yên, các nhà trọ trở thành tâm dịch của tâm dịch là một minh chứng rõ nét.
Mật độ công nhân ở quá cao
Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch (PCD). Đến nay, mặc dù DN đủ điều kiện sản xuất trở lại hoặc vận hành bước đầu song do yêu cầu PCD, quy mô, số lượng công nhân quay lại nhà máy ít, DN khó phục hồi sản xuất. Không ít công nhân vẫn đang ở phòng trọ chờ được đi làm.
![]() |
Công ty TNHH Fuhong Precision Component bố trí chỗ ở tạm cho công nhân để lấy mẫu xét nghiệm. |
Dưới trưa hè tháng 7 nắng như đổ lửa, tại gia đình ông Thân Văn Toàn, thôn Hùng Lãm 1, xã Hồng Thái (Việt Yên) có hàng chục công nhân đang trọ tại 2 dãy nhà. Phòng trọ được bố trí liền kề với nhà ở của gia đình, diện tích chừng 10-12 m2/phòng, lợp mái tôn.
Anh Hoàng Quốc Đông, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) chia sẻ: “Do cuộc sống gia đình khó khăn trong khi ở quê tìm việc làm không dễ nên hai vợ chồng xuống huyện Việt Yên xin làm công nhân trong DN. Để tiết kiệm, tôi thuê phòng trọ cũ rộng khoảng 10 m2, giá gần 1 triệu/tháng vì phòng mới sẽ đắt hơn. Những ngày nắng nhiệt độ cao, tối đến tôi ra hành lang ngồi hoặc để chậu nước trong phòng chống nóng”.
Phòng trọ của vợ chồng anh Đông có một giường đôi chiếm gần 1/3 diện tích căn phòng, góc bàn kê bếp nấu ăn, đồ đạc ngổn ngang khiến không khí thêm nóng bức. Ở cạnh vợ chồng anh Đông là phòng trọ của anh Nguyễn Văn Vương, quê ở Hà Nội, công nhân Công ty TNHH New Wing Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung và phòng trọ của chị Hà Anh, huyện Lục Ngạn, công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component, KCN Đình Trám. Phòng khép kín, công nhân nấu ăn, tắm giặt, ngủ tại chỗ chật chội khá bất tiện.
![]() |
Cống rãnh tại khu vực nhà trọ tổ dân phố My Điền 2 bị ô nhiễm do mật độ công nhân ở quá cao. |
Khu nhà trọ tại một số tổ dân phố của thị trấn Nếnh cũng nhỏ hẹp. Gia đình ông Thân Văn Minh, tổ dân phố My Điền 2 có khoảng 200 m2 đất thổ cư. Ông xây 26 phòng trọ 3 tầng cho công nhân một số DN thuê và dành 3 phòng liền kề để ở. Quần áo công nhân giăng kín hành lang, lối đi. Tương tự, tại thôn Chiền, xã Nội Hoàng (Yên Dũng), khu nhà trọ của bà Dương Thị Đông có 14 phòng xây cấp 4 lợp mái tôn.
Mỗi phòng có 2 công nhân của một số công ty thuộc KCN Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung thuê. Qua khảo sát, hầu hết các dãy nhà trọ diện tích trung bình khoảng 10-15 m2/phòng. Nhiều phòng thiếu ánh sáng, không còn diện tích để trồng cây xanh, không có trần chống nóng, lối đi giữa các phòng hẹp và không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Năm 2020, Bắc Giang đứng thứ 6 trong toàn quốc về thu hút dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Vì thế, lượng công nhân vào làm việc trong DN tại KCN tăng cao, dịch vụ xây nhà trọ cho thuê phát triển. Đất ven các KCN “sốt” do khách đua nhau tìm mua để kinh doanh nhà trọ. Trong đó, nhiều người ở ngoài địa bàn Việt Yên mua đất đầu tư xây đến cả trăm phòng trọ. Hoạt động kinh doanh này mang lại lợi nhuận lớn, thu đến trăm triệu đồng mỗi tháng (mỗi phòng có giá bình quân 1-1,2 triệu đồng). Theo số liệu rà soát chưa đầy đủ, tại xã Quang Châu có hơn 9 nghìn phòng trọ; thị trấn Nếnh khoảng 20 nghìn phòng…
Đặc thù phòng trọ chỉ tập trung tại một số thôn giáp KCN nên mật độ công nhân ở trong lúc chưa có dịch dày đặc. Bí thư Huyện ủy Việt Yên Nguyễn Văn Dũng thông tin, mật độ dân số trung bình của Việt Yên cao, gấp 3 lần bình quân chung của tỉnh. Riêng thị trấn Nếnh gấp 6 lần, đặc biệt khu My Điền, Núi Hiểu.., với lượng đông đúc thì mật độ ở gấp 60-70 lần mật độ dân số bình quân của tỉnh.
Khó kiểm soát khi có dịch bệnh
Công nhân ở dày đặc tại khu nhà trọ quanh KCN cho thấy, việc bố trí nhà ở cho lao động còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh cho biết, đến nay, trong tỉnh chỉ có Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải xây ký túc xá khang trang, nhiều tầng và chia các phòng cho công nhân, cán bộ ở thành khu tập trung như: Công ty TNHH Fuhong Precision Component, Công ty TNHH New Wing Việt Nam, Công ty TNHH Fuyu Việt Nam…
![]() |
Khu nhà trọ chật hẹp ở thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. |
![]() Mật độ dân số trung bình của Việt Yên cao, gấp 3 lần bình quân chung của tỉnh. Riêng thị trấn Nếnh gấp 6 lần, đặc biệt khu My Điền, Núi Hiểu.., với lượng công nhân đông đúc thì mật độ ở gấp 60-70 lần mật độ dân số bình quân của tỉnh". Đồng chí Nguyễn Văn Dũng. |
Công nhân các DN còn lại trong KCN đều ở trọ trong khu dân cư cùng các hộ dân thuộc các thôn, xã ven KCN như Núi Hiểu, xã Quang Châu; My Điền 1, My Điền 2, thị trấn Nếnh (Việt Yên); thôn Chiền, Giá, Chung, Si, Nội, xã Nội Hoàng (Yên Dũng)…
Đáng ngại là các công nhân ở cùng phòng, cùng khu trọ thuộc nhiều DN khác nhau. Do đó, việc quản lý, PCD Covid-19 khi dịch bùng phát trong tháng 5 vừa qua gặp nhiều khó khăn.
Từ ổ dịch ở một DN trong KCN Vân Trung và KCN Quang Châu đã nhanh chóng lan rộng ra các DN khác. Các nhà trọ thành ổ dịch lớn, lây lan nhanh; công tác khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn khiến Bắc Giang, nhất là huyện Việt Yên trở thành tâm dịch của cả nước.
Cũng do khu ở trọ không bảo đảm các điều kiện, mật độ quá đông nên dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh phải giãn dân sinh sống ở Núi Hiểu, My Điền, từng bước dập dịch hoàn toàn. Một số địa phương trong cả nước như Nghệ An, Lạng Sơn, Hòa Bình… “chia lửa” với Bắc Giang đón công nhân về quê. Hiện tại, nhiều nhà trọ chưa bảo an toàn, công nhân cũng không thể trở lại làm việc theo đúng quy định về PCD.
Mật độ nhà trọ dày trong khu dân cư trong khi hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt không có, nhiều cống rãnh nước sinh hoạt đen kịt, lắng đọng, bốc mùi hôi tanh. Dẫn chúng tôi đi quanh một số khu nhà trọ trong thôn, bà Nguyễn Thị T, thôn My Điền 2, thị trấn Nếnh nêu, ngày nào cũng vậy, nước thải sinh hoạt của công nhân, người dân xả ra rãnh thoát nước của thôn có màu đen đặc.
Thời gian gần đây, cống thoát nước bị tắc, nước thải thường xuyên ùn ứ, dồn về khu vực trũng sau nhà một số hộ. Ngày nắng, nước bốc mùi xú uế, ngày mưa tràn lênh láng mặt đường, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Không hiếm khu nhà trọ, rác tồn lưu, chất thành đống lớn, thậm chí xả xuống ao hồ, kênh mương.
Ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Châu cho biết, mặc dù xã có tổ an ninh trật tự thường xuyên kiểm tra tại các thôn song với lượng người tập trung quá đông cũng tăng áp lực quản lý cho chính quyền và đã xuất hiện một số vụ về trộm cắp tài sản.
Đánh giá của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có khoảng 1.482 dự án đang hoạt động tại khu, cụm công nghiệp với tổng số khoảng 205 nghìn công nhân (thời điểm chưa có dịch). Trong đó, công nhân có nhu cầu về nhà ở khoảng 107 nghìn người, đang thuê nhà trọ khoảng 50 nghìn người trong điều kiện sinh hoạt chưa bảo đảm. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân rất chậm, mới đáp ứng khoảng 7,5% nhu cầu (cả nước 28%).
Hàng nghìn công nhân không có nhà lưu trú, hằng ngày phải đi làm bằng phương tiện cá nhân hoặc xe khách công cộng ảnh hưởng đến thời gian và hiệu suất lao động, gây ách tắc, mất an toàn giao thông. Hằng năm, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến công nhân ở các KCN đều tăng. Lo ngại hơn cả, nhiều điều kiện khu trọ không bảo đảm; các nhà trọ kinh doanh tự phát, chủ nhà không có kinh nghiệm quản lý nên xảy ra dịch bệnh rất khó kiểm soát, minh chứng rõ nhất là đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua.
Nhóm PVKT
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)