Giữ rừng dịp Tết
Nhiều vi phạm
Năm qua, ngoài huyện Yên Thế, các huyện có rừng tự nhiên còn lại, gồm: Lục Ngạn, Sơn Động, đặc biệt là Lục Nam liên tiếp xảy ra các vụ chặt phá, lấn rừng với quy mô lớn. Theo Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ chặt phá rừng tự nhiên với diện tích hơn 12,2 ha.
Điển hình là vụ phá rừng xảy ra tại khu vực Đá Gay, khoảnh 54, thôn Đồng Vành 2, xã Lục Sơn (Lục Nam), diện tích 5,1 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc loại rừng sản xuất, chủ rừng là Công ty TNHH một thành viên Mai Sơn (gọi tắt là Công ty Mai Sơn). Ngoài ra, một số diện tích đất rừng tự nhiên của Công ty Mai Sơn bị người dân phát, phá, đốt và trồng cây lấn chiếm, tập trung tại khu vực đội Vĩnh Ninh, đội Nước Vàng (cùng xã Lục Sơn).
![]() |
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Yên Thế cùng người dân địa phương tuần tra, BVR tự nhiên tại xã Canh Nậu. |
Không chỉ có vậy, do thời tiết hanh khô kéo dài, thảm thực bì dày, trong năm, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, làm thiệt hại gần 13,1 ha, tăng 3 vụ, diện tích thiệt hại tăng 5,1 ha so với năm 2020.
Mặc dù ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc quản lý, BVR nhưng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn xảy ra. Trong tháng 1/2022, Hạt Kiểm lâm các huyện đã phát hiện, lập biên bản 5 vụ vi phạm. Trong đó có 2 vụ khai thác rừng trái phép; 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép và 1 vụ tàng trữ lâm sản trái phép. Tổng số gỗ vi phạm hơn 4,5 m3.
Theo nhận định của ngành chức năng, dịp Tết Nguyên đán, tình hình chặt phá, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng sẽ diễn biến phức tạp nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Lý do là kẻ xấu thường lợi dụng thời gian này lén lút lên phá, lấn rừng tự nhiên, gây ra những điểm “nóng” tại một số xã, thị trấn như: Yên Định, Tây Yên Tử (Sơn Động); Đèo Gia (Lục Ngạn); Bình Sơn, Lục Sơn (cùng huyện Lục Nam).
Thực tế dịp Tết các năm trước đã xảy ra những vụ vi phạm, như ngày 27/1/2019, cán bộ và Công an xã Yên Định, Công an huyện Sơn Động bắt quả tang một số đối tượng đang có hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực rừng Nghè, thôn Đồng Chu (Yên Định) bằng xe ô tô tải. Số gỗ thu được gần 2,3 m3, tất cả đều là lim xanh.
Hay trong các ngày 6 và 7/2/2021 trên địa bàn huyện Yên Dũng xảy ra 3 vụ cháy rừng, làm thiệt hại hơn 1 ha. Nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng chủ yếu do người dân đi tảo mộ đốt hương, vàng mã vô ý để xảy ra cháy lan vào rừng.
Phân công trực 24/24 giờ
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm cho biết, nhằm quản lý, BVR hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, TP; Khu bảo tồn Tây Yên Tử; Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); các chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, BVR, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
![]() |
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Lục Nam phát tiền khoán BVR cho chủ rừng tại thôn Văn Non, xã Lục Sơn. |
Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các đơn vị phải bố trí đủ cán bộ, tăng cường về địa bàn; thường xuyên tuần tra, kiểm tra tại các khu rừng trọng điểm, giáp ranh có diễn biến phức tạp, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và của cơ quan cấp trên.
Toàn tỉnh có gần 160,7 nghìn ha rừng tự nhiên. Năm 2021, tổng diện tích đã giao khoán bảo vệ 33,4 nghìn ha cho 3.105 hộ gia đình, cộng đồng với tổng kinh phí 13,3 tỷ đồng. |
Hạt Kiểm lâm các huyện đã căn cứ chỉ đạo trên và tình hình thực tế tại địa phương để triển khai các biện pháp quản lý, BVR. Theo đó, ngoài tăng cường các biện pháp BVR dịp Tết Nguyên đán, Kiểm lâm Yên Dũng, Sơn Động tăng cường PCCCR.
Ngày 20/1, Hạt Kiểm lâm Sơn Động đã tổ chức tập huấn PCCCR cho 70 cán bộ hợp đồng PCCCR các xã, thị trấn, tổ trưởng tổ BVR cộng đồng thôn. Qua đó, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức từ thực tế về công tác PCCCR tại địa phương, khắc phục những hạn chế để triển khai thực hiện có hiệu quả PCCCR.
Cùng đó, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam chỉ đạo UBND các xã, chủ rừng là tổ chức phải phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Công an xã, tổ BVR ở thôn, bản phân công, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ trong dịp Tết Nguyên đán và đầu năm mới. Đồng thời chuẩn bị trang thiết bị, dụng cụ PCCCR sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng, phá rừng tự nhiên xảy ra trên địa bàn.
Các chủ rừng lớn là tổ chức cũng đã chuẩn bị phương án quản lý, BVR, PCCCR trong dịp Tết cổ truyền và cả năm 2022. Ông Trần Quang Huy, Giám đốc Công ty Mai Sơn cho biết, đơn vị đã thành lập 3 chốt ứng trực, tuần tra BVR tại xã Lục Sơn, gồm: 1 chốt tại thôn Đồng Vành 1 với 35 thành viên.
Trong đó có 8 người thuộc Công ty, còn lại là các thành viên tổ BVR của thôn Đồng Vành 1; 2 chốt tại thôn Vĩnh Hồng với 13 thành viên. “Chúng tôi đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn Đồng Đỉnh và UBND xã Lục Sơn phân công lực lượng ứng trực xuyên Tết để bảo vệ tốt các diện tích rừng của Công ty”, ông Huy khẳng định.
Mặc dù cấp uỷ, chính quyền các cấp, ngành chức năng và chủ rừng đã xây dựng phương án quản lý, BVR, song người dân địa phương, nhất là những người sống ven rừng cần nâng cao ý thức BVR, chấp hành nghiêm Luật Lâm nghiệp để rừng mãi là nguồn tài nguyên quý.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)