Giáo dục thực chất, tránh bệnh thành tích
Về sách giáo khoa (SGK) lớp 1, tôi đề nghị không nên để cho các trường tự chọn các bộ SGK khác nhau mà Sở Giáo dục và Đào tạo nên tập trung trí tuệ của giáo viên và lãnh đạo của các trường Tiểu học chọn ra một bộ SGK dùng chung cho cả tỉnh. Nếu các trường dùng các bộ sách khác nhau thì sẽ rất khó cho việc chỉ đạo chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy…
![]() |
Giờ học môn Ngữ văn ở lớp 6E Trường THCS Dĩnh Trì ( Ảnh minh họa). |
Về vấn đề dạy thêm, học thêm, tôi nhận thấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn: Áp lực của các cuộc thi cử với yêu cầu ngày càng cao; chương trình chính khóa nặng, bài tập trong SGK khó, với số giờ trên lớp không thể giải quyết hết; phụ huynh mong muốn con mình ngày càng giỏi hơn hoặc ép con học thêm theo trào lưu, v.v. Trên thực tế, cả giáo viên và học sinh đều không muốn dạy thêm, học thêm quá nhiều. Nếu chúng ta không thể cấm được thì nên có biện pháp tổ chức dạy thêm, học thêm phù hợp để thực sự có lợi cho học sinh. Việc hoạt động các trung tâm giáo dục nghề nghiệp hiện nay là chưa phù hợp với học sinh. Tôi đề xuất các trung tâm đó nên tập trung đào tạo vào các lĩnh vực giáo dục ngoại khóa khác thiết thực cho học sinh, chẳng hạn như giáo dục thể chất (bắt buộc và tự chọn): Bơi, các môn thể thao, võ thuật, cờ vua,…; giáo dục thẩm mỹ (tự chọn): Nhạc, họa, khiêu vũ, đọc sách, sáng tác,…; giáo dục kỹ năng sống: Làm việc nhóm, kỹ năng sinh tồn (sơ cấp cứu, tự bảo vệ, giáo dục giới tính,…), đạo đức cơ bản, lòng yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ…; giáo dục đón đầu: Ngoại ngữ, tin học, khai thác mạng và các tiện ích số…
Chúng ta nên có các đánh giá đúng và chuẩn xác về các chương trình, đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên đã và đang được thực hiện (chương trình, mục tiêu, cách thức tiến hành, kinh phí, hiệu quả, …), chẳng hạn đề án “Dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh” (đã thực hiện) và đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức” (đang thực hiện). Từ đó, có những giải pháp phù hợp, hiệu quả. Nên có một bộ tiêu chí đánh giá thi đua sao cho vừa tránh được bệnh thành tích, sự gian dối, vừa đánh giá, xếp loại đúng các cơ sở giáo dục và giáo viên trong cùng một cơ sở giáo dục.
Hiện nay, công tác đào tạo giáo viên của Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự bị thu hẹp; sử dụng Trường CĐ hiện nay có phần lãng phí. Nên giao nhiệm vụ “Bồi dưỡng và chuẩn hóa giáo viên” cấp Tiểu học và THCS cho Trường CĐ Ngô Gia Tự với chương trình, nhiệm vụ, tiến độ cụ thể.
Về việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên: Phải xác định đây là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng giảng dạy. Hiện nay giáo viên rất tâm tư về các quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu; bỏ chế độ thâm niên; bỏ chế độ hợp đồng vĩnh viễn… Tỉnh nên có những chính sách cụ thể để đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên thực sự được cải thiện và nâng cao.
Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) hiện nay chủ yếu từ nguồn các giáo viên. Mặc dù sau đó có được đào tạo về QLGD nhưng do các quan niệm đã được định hình nên công tác QLGD thường được thực hiện theo kinh nghiệm. Phải chăng nên coi QLGD như là một nghề và nên được đào tạo chuyên sâu ngay từ ban đầu.
NGƯT Nguyễn Văn Tiến
(Nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Giang)
Ý kiến bạn đọc (0)