Giải mã sức bật Bắc Giang - Hiện tượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam: Bài 2 - Công nghiệp - mũi nhọn định hình vị thế vùng chuyển mình
BẮC GIANG - Không có lợi thế sẵn có về công nghiệp, Bắc Giang từng là tỉnh thuần nông, tăng trưởng chậm. Nhưng từ đầu những năm 2000, tỉnh đã kiên định chọn hướng đi đột phá: Phát triển công nghiệp thành mũi nhọn. Những quyết sách táo bạo, nhất quán qua từng nhiệm kỳ đã từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, tạo động lực tăng trưởng vượt trội và đưa Bắc Giang bứt phá mạnh mẽ suốt hơn một thập kỷ qua.
Quyết sách đúng thời điểm
Tái lập từ ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Giang có hơn 380 nghìn ha đất tự nhiên, trong đó khoảng 77% là đất nông nghiệp. Nhờ địa hình và khí hậu thuận lợi, nông dân ít khi mất mùa. Nhưng thực tế “phi công bất phú” – không phát triển công nghiệp thì khó làm giàu. Quán triệt đường lối của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở đánh giá đúng thực tiễn địa phương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định chọn phát triển công nghiệp làm hướng đi đột phá. Thực tế cho thấy đây là lựa chọn đúng.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh thăm doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Vân Trung. |
Nhằm thống nhất mục tiêu, quan điểm và giải pháp phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2000–2005) xác định rõ định hướng: “Khai thác tiềm năng, nội lực; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương để tập trung phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp”. Cụ thể hóa định hướng này, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về Chương trình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001–2005 và xác định các “năm công nghiệp” để tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Khi nghị quyết phát triển công nghiệp được triển khai, một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn mơ hồ, bởi điểm xuất phát công nghiệp của tỉnh gần như bằng không. Trong bối cảnh đó, tỉnh ban hành hàng loạt quyết sách để hiện thực hóa chủ trương. Ngày 3/7/2000, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 121 về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư – được xem là quyết định “khai sơn phá thạch”, tạo tiền đề cho nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư về sau.
Các chính sách ưu đãi của tỉnh đều thể hiện rõ phương châm: “quyền lợi tối đa – nghĩa vụ tối thiểu” cho nhà đầu tư, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Cùng với đó, tỉnh thành lập Ban Quản lý Các khu công nghiệp; biên soạn tài liệu giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư; tổ chức các đoàn công tác vào các địa phương phát triển mạnh công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh để học tập mô hình quản lý, xúc tiến đầu tư.
Nhiều hội nghị kêu gọi đầu tư được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh và tạo lòng tin với cộng đồng doanh nghiệp. Từ thực tiễn triển khai và tiếp thu góp ý của chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp, năm 2002, UBND tỉnh ban hành Quyết định 34 thay thế Quyết định 121, tạo bước đột phá mới về cơ chế ưu đãi và thu hút đầu tư. Quyết định này quy định rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo nguyên tắc “một cửa, một đầu mối”, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả phục vụ nhà đầu tư.
![]() |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina (Hàn Quốc). |
Theo cơ chế mới, nhà đầu tư chỉ cần liên hệ với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính), đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp giải quyết trọn gói các thủ tục liên quan. Cách làm này đã tạo dựng niềm tin, thiện cảm với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, khẳng định cam kết của tỉnh trong cải cách hành chính phục vụ phát triển.
Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác thu hút đầu tư công nghiệp đã gặt hái những “trái ngọt” đầu tiên. Năm 2001 – năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết phát triển công nghiệp – vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh tăng gấp ba lần tổng mức của cả 10 năm trước cộng lại. Đây là chỉ dấu quan trọng về niềm tin và sức hấp dẫn mới của Bắc Giang trong mắt nhà đầu tư.
Năm 2002, vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh tiếp tục tăng 1,5 lần so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đã bén duyên và hoạt động hiệu quả tại Bắc Giang. Cùng đó, hàng chục dự án trong nước cũng tiếp tục đổ vốn vào tỉnh. So với một số tỉnh, thành phố trong cả nước, nguồn vốn đầu tư vào Bắc Giang thời điểm đó còn khiêm tốn nhưng đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Quan trọng hơn, từ những thành quả bước đầu, tỉnh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý để tiếp tục hoạch định các chủ trương, chính sách mang tính “soi đường, chỉ hướng” cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo – với điểm nhấn là sự ra đời của Khu công nghiệp Đình Trám, khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh, sau này trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư.
Hình thành 17 khu công nghiệp
Ngày 11/10/2003 đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình công nghiệp hóa của Bắc Giang khi tỉnh khởi công xây dựng Khu công nghiệp Đình Trám. Trước đó, ngày 7/12/1999, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Đình Trám với diện tích 101 ha, thuộc địa bàn xã Hồng Thái và Hoàng Ninh (nay là phường Hồng Thái, phường Nếnh, thị xã Việt Yên). Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
![]() |
Một góc Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên). |
Một trong những nguyên nhân là sự cố ô nhiễm môi trường từ doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật từng hoạt động tại khu vực này khiến người dân lo ngại, phản đối. Nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ vận động, tuyên truyền song tâm lý e ngại vẫn lan rộng, ảnh hưởng tới tiến độ thu hồi đất.
Qua trò chuyện, gặp gỡ, nhiều đồng chí nguyên cán bộ, lãnh đạo tham gia tuyên truyền, vận động công tác giải phóng mặt bằng thời điểm đó đều khẳng định chủ trương phát triển công nghiệp là hoàn toàn đúng đắn nhưng do việc phổ biến chính sách còn hạn chế, nhiều hộ dân chưa hiểu đầy đủ dẫn tới lo lắng, phản ứng. Không ít hộ cho rằng mất đất sẽ mất kế sinh nhai, ảnh hưởng đến tương lai con cháu. Thêm vào đó, một số đối tượng xấu lợi dụng để kích động, thổi phồng mâu thuẫn. Cá biệt, có cán bộ nghỉ hưu cũng đứng về phía phản đối.
Tình trạng chia rẽ nội bộ, thôn xóm phân hóa, thậm chí có nơi người ủng hộ chủ trương bị tẩy chay, đe dọa. Ở một số địa phương, hệ thống chính trị cơ sở chưa phát huy được vai trò, nguy cơ hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự rất rõ rệt. Trước tình hình đó, tỉnh kiên trì với định hướng phát triển công nghiệp, chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể vào cuộc quyết liệt. Nhiều tổ công tác được thành lập để đối thoại, giải đáp băn khoăn của người dân; nắm kỹ từng đối tượng, nhất là những thành phần cộm cán hoặc có tiền án. Vừa mềm mỏng, vừa kiên quyết xử lý từng trường hợp cụ thể, khó khăn nào cũng dần tháo gỡ.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên cán bộ đội giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Quang Châu, công tác giải phóng mặt bằng là việc khó. Trong khi đó, Bắc Giang mới ở thời kỳ đầu của phát triển công nghiệp nên để người dân tin tưởng, đồng thuận theo chủ trương chung, đoàn công tác đã bám cơ sở bất kể nắng mưa, phối hợp tuyên truyền, giải thích chủ trương, cơ chế thu hồi, bồi thường; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Sau quãng thời gian kiên trì, công tác giải phóng mặt bằng đã nhận được sự chung tay của người dân và thật phấn khởi khi đến nay được chứng kiến đời sống của người dân ven khu công nghiệp đổi thay, có hộ trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ phát triển dịch vụ.
Khu công nghiệp Đình Trám được khởi công, đây là khu công nghiệp đầu tiên được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với vốn doanh nghiệp, tổng mức đầu tư khoảng 210 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, tỉnh đã linh hoạt huy động nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương để triển khai. Mô hình cho thuê đất có hạ tầng (thu theo năm) giúp các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận. Cách làm này được đánh giá là phù hợp với những địa phương đang ở giai đoạn đầu phát triển khu công nghiệp.
Sau Khu công nghiệp Đình Trám, tỉnh tiếp tục chấp thuận cho doanh nghiệp đầu tư dự án Cụm công nghiệp ô tô Đồng Vàng với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Cùng thời điểm đó, Cụm công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng (nay là Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng) cũng được quy hoạch gần kề. Bắc Giang kỳ vọng các khu công nghiệp này sẽ hình thành chuỗi liên khu công nghiệp quy mô lớn, tạo thành cụm động lực công nghiệp mới của tỉnh.
Những bước đi đầu tiên tuy đầy gian nan nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Từ thực tiễn đó, tỉnh từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và cách thức tổ chức thực hiện. Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy đã xác lập rõ quan điểm phát triển: Lấy công nghiệp làm trụ cột, động lực chính cho tăng trưởng; thúc đẩy công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển đồng bộ giữa công nghiệp – đô thị – dịch vụ để hình thành hệ sinh thái công nghiệp toàn diện.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 17 khu công nghiệp, trong đó 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với hơn 500 dự án, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp không chỉ đóng vai trò động lực tăng trưởng mà còn góp phần định hình lại bức tranh kinh tế của Bắc Giang – đa dạng hơn, năng động hơn và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để công nghiệp phát huy trọn vẹn vai trò lan tỏa, tỉnh tăng cường kết nối vùng, mở rộng không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)