Gia tăng bệnh truyền nhiễm khi chuyển mùa
Nhiều loại bệnh bước vào đỉnh dịch
Theo Bộ Y tế, có 12 bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa thu - đông gồm: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm da, sởi, viêm não, cúm, hen suyễn, nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi, quai bị, sốt phát ban, tiêu chảy. Tại Bắc Giang, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao.
![]() |
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Tính đến ngày 10/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 190 trường hợp sốt xuất huyết lâm sàng, tăng 17,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Toàn tỉnh đã ghi nhận 11 ổ dịch ở các huyện: Yên Dũng, Lục Ngạn, Việt Yên và TP Bắc Giang; mỗi ổ dịch có 2 - 4 ca. Đến nay, các ổ dịch đã được khống chế và không phát sinh ca mới.
Sáng 8/11, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có 11 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị. Trong đó chủ yếu là các trường hợp trở về từ TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội - nơi đang ghi nhận nhiều ổ dịch.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Các ca bệnh đã xuất hiện rải rác từ tháng 5, tuy nhiên tăng cao từ tháng 9 đến nay với tổng số 70 trường hợp mắc bệnh. Sau khi được chăm sóc, điều trị theo phác đồ, sức khỏe các bệnh nhân ổn định và xuất viện sau 7-10 ngày; không có trường hợp chuyển biến nặng”. Cũng theo bác sĩ Hà, thời điểm này được đánh giá là đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Bắc Giang.
Thời điểm giao mùa, người dân rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm song trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do hệ miễn dịch kém, chưa có ý thức phòng bệnh. Từ đầu tháng 10 đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang tiếp nhận hơn 2,7 nghìn trẻ điều trị nội trú, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó Khoa Hô hấp có 606 trẻ, chiếm hơn 22% số trẻ mắc bệnh. Các bệnh chủ yếu là: Viêm họng cấp, viêm phổi, viêm phế quản…
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, Bắc Giang ghi nhận hơn 7,5 nghìn trường hợp mắc hội chứng cúm. Số mắc tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên con số này vẫn chưa phản ánh chính xác bởi nhiều bệnh nhân cúm, triệu chứng nhẹ tự điều trị, không thăm khám tại cơ sở y tế.
Chăm sóc hai cháu nội điều trị dài ngày tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bà Nguyễn Thị Yến, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) kể: Bé gái 2 tuổi sốt cao, mãi không hạ nên gia đình đưa vào bệnh viện khám và được chỉ định nhập viện. Sau thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc virus Adeno. Cháu nhỏ chưa khỏi thì anh trai 4 tuổi cũng nhập viện bởi bệnh này. Có lẽ hai anh em lây nhau trước đó. Sau thời gian điều trị, hiện sức khỏe các cháu đã ổn định và được xuất viện.
Không để “dịch chồng dịch”
Nhận định về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Giáp Văn Minh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay, số ca bệnh sẽ tăng cùng với sự gia tăng ca bệnh trên toàn quốc cũng như diễn biến thời tiết bất thường.
Song khả năng bùng phát dịch lớn trên diện rộng không cao, vì hiện trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện véc tơ truyền bệnh chính (Aedes Aegypti). Tuy nhiên đã phát hiện 10 ổ dịch có thể bị lây truyền từ muỗi Aedes Albopictus (véc tơ phụ) ở những nơi có mật độ muỗi và bọ gậy cao. Vì vậy cần theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch trên toàn quốc và trong tỉnh để đánh giá kịp thời, không để bùng phát dịch.
Để chủ động phòng dịch bệnh, nhất là thời điểm giao mùa, ngay từ đầu tháng 4/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp hàng trăm lít hóa chất diệt muỗi và 500 lọ diệt bọ gậy cho các huyện, TP. Tập huấn cho hàng trăm cán bộ về phòng, chống sốt xuất huyết. 10/10 huyện, TP chủ động phun hóa chất diệt côn trùng. |
Trong khi đó, dịch cúm cũng có xu hướng tăng bởi thời tiết giao mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày, đêm lớn là môi trường thuận lợi phát sinh vi rút. Năm nay, các ca bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa thu - đông như: Tay chân miệng, thủy đậu, quai bị, tiêu chảy lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Cô giáo Hà Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Mỹ Thái (Lạng Giang) cho biết: “Trường có 674 học sinh với 22 lớp. Khoảng 10 ngày gần đây, số học sinh ốm phải nghỉ học tăng, chủ yếu là ho, sốt và cúm. Để phòng dịch, nhà trường đã nhắc các bậc phụ huynh theo dõi sức khỏe con em; trường hợp ốm cho nghỉ học.
Cùng đó, hướng dẫn học sinh giữ gìn vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Trong thực đơn ăn hằng ngày, bổ sung các loại quả giàu vitamin, giúp trẻ tăng sức đề kháng”.
Nhằm tránh lây nhiễm chéo, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã bố trí khu vực riêng cho bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp. Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Uyển, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho hay, những trường hợp triệu chứng nhẹ thì được kê đơn, hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà để giảm tải cho cơ sở y tế.
Trước nguy cơ dịch bệnh mùa thu - đông bùng phát mạnh, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết ngành Y tế đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe. Chủ động tiêm vắc-xin phòng những loại bệnh đã có thuốc dự phòng.
Các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác đối với nguy cơ bùng dịch.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để hạn chế các bệnh khi thời tiết giao mùa, cần duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý mỗi ngày. Khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang để hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, độc hại và tránh các tác nhân gây bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, nhiều nhà trọ, các khu vực nhiều ao tù, nước đọng.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên - Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)