F0 tăng cao, thầy và trò linh hoạt vượt khó
Dồn lực cho học sinh cuối cấp
Năm học 2021-2022 là năm học thứ ba diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19. Số ca nhiễm là giáo viên và học sinh có ở hầu hết các trường học trong tỉnh, làm xáo trộn đời sống của nhiều gia đình và hoạt động của các nhà trường. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch dạy và học phù hợp với từng cấp độ dịch, tập trung trang bị kiến thức cốt lõi của từng bộ môn cho tất cả học sinh.
![]() |
Giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Giang hướng dẫn học sinh ôn tập. |
Học sinh cuối cấp gặp nhiều áp lực bởi ngoài hoàn thành chương trình năm học, các em còn phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để tham gia các kỳ thi quan trọng, đó là: Tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023 với học sinh lớp 9 và thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với học sinh lớp 12. Ông Lương Đình Giáp, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Dũng cho biết, toàn huyện có 1.913 học sinh lớp 9; hiện có 207 em bị nhiễm Covid-19 (hay còn gọi là F0).
Để bảo đảm chất lượng dạy và học, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Phòng xây dựng kế hoạch chỉ đạo nâng cao chất lượng chuyên môn, trong đó tập trung cao vào các nội dung như: Xây dựng kế hoạch của nhà trường, của tổ chuyên môn, giáo viên; xây dựng ngân hàng đề thi thử dùng chung trên toàn huyện với hàng nghìn câu hỏi, bài tập. Cùng đó tổ chức thi thử kiểm tra kiến thức, rèn kỹ năng làm bài thi cho các em.
Với tinh thần quyết tâm, dồn lực cho học sinh năm cuối cấp, từ tháng 3 đến tháng 5, Phòng tổ chức 5 lần thi thử để nhận diện, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong bài làm của học sinh. Ví như tại Trường THCS thị trấn Tân An, học sinh khối 6, 7, 8 hiện đang học trực tuyến. Riêng 3 lớp khối 9 được ưu tiên học trực tiếp; các em là F0 học trực tuyến. Nhà trường chỉ đạo giáo viên các bộ môn phân loại và tổ chức phụ đạo cho học sinh phù hợp với lực học để các em đạt mục tiêu tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào lớp 10.
Thầy giáo Lê Văn Tùng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, những em nhiễm bệnh sốt cao, đau đầu, mỏi mệt chưa thể vào lớp học online được giáo viên bộ môn phụ đạo riêng để theo kịp chương trình ngay khi sức khỏe ổn định. Năm trước điểm bình quân trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đạt 7 điểm/môn, đứng thứ 4/20 trường THCS toàn huyện, nhiều em đỗ vào Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Năm nay thầy cô phấn đấu duy trì trong tốp 5 trường dẫn đầu huyện.
Trước tác động của dịch bệnh, giáo viên các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, dân tộc nội trú trong tỉnh cũng tranh thủ tối đa thời gian khi học sinh giáo viên, an toàn để tổ chức dạy trực tiếp. Khi trong trường xuất hiện dịch thì nhanh chóng khoanh vùng gọn, cách ly trường hợp dương tính; linh hoạt áp dụng hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp đồng thời cả hai phương thức đối với từng lớp, từng đối tượng học sinh.
Năm nay, Trường THPT Cẩm Lý (Lục Nam) có 370 học sinh lớp 12. Ban Giám hiệu nhà trường luôn cố gắng bố trí đủ giáo viên dạy 9 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Có thời điểm dịch phức tạp, giáo viên bộ môn nhiễm bệnh, hiệu trưởng và hai phó hiệu trưởng đều trực tiếp tham gia giảng dạy.
Thường xuyên kiểm tra, củng cố kiến thức
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, toàn ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng dịch, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm học. Sở chỉ đạo các trường phát huy tính chủ động, sáng tạo, lựa chọn hình thức dạy và học tốt nhất thích ứng với từng cấp độ dịch.
Từ đầu năm học đến nay, toàn ngành có 42,8 nghìn giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 đã điều trị khỏi, hiện còn gần 40 nghìn trường hợp đang điều trị song nhờ làm tốt công tác truyền thông, động viên kết hợp triển khai phong trào thi đua, đội ngũ nhà giáo luôn trong tâm thế nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy; linh hoạt điều chỉnh từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp cả hai nhằm phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh.
Toàn tỉnh có 27,2 nghìn học sinh lớp 9 và 17 nghìn học sinh lớp 12. Dự kiến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT do Sở GD&ĐT tổ chức diễn ra tháng 6; thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 7/2022. |
Tuy vậy, nhìn lại kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm trung bình một số môn (Sinh học, ngoại ngữ) thấp hơn toàn quốc, vẫn có 2 bài điểm 0 và 13 bài điểm 1.
Còn với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, một số trường THCS đạt chuẩn quốc gia nhưng tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh, chủ yếu thuộc huyện Sơn Động, Lục Ngạn.
Sở GD&ĐT yêu cầu trong năm học này, những tồn tại, hạn chế nêu trên cần khắc phục triệt để. Từ tháng 2 trở đi, các trường xác định bước vào giai đoạn nước rút, tận dụng tối đa thời gian kiểm tra, khảo sát, đánh giá kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh, hoàn thành chương trình giáo dục phù hợp với thời gian năm học (kết thúc trước 31/5).
Quan tâm công tác bồi dưỡng, ôn tập, củng cố nâng cao kiến thức cho học sinh cuối cấp chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT 2022. Cô giáo Trần Thị Quỳnh, dạy môn Sinh học khối 12, Trường THPT Lục Nam cho biết: “Thời gian này tôi tập trung dạy kiến thức cơ bản nhất cho học sinh đạt mục tiêu tốt nghiệp và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho các em học khá, giỏi có mục tiêu tuyển sinh đại học”.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị sẽ tổ chức 2 kỳ thi thử tốt nghiệp THPT, đợt 1 diễn ra vào các ngày 7 đến 9/4 với 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên và tổ hợp Khoa học xã hội; đợt thi thứ 2 dự kiến vào cuối tháng 5/2022.
Hiện nay, phương án thi 3 môn là Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (giảm môn thi thứ tư) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng đã được Sở GD&ĐT trình UBND tỉnh xem xét, quyết định nhằm giảm áp lực cho học sinh. Cùng đó các nhà trường tăng cường ôn tập, tổ chức các bài kiểm tra đánh giá năng lực, nâng cao kỹ năng làm bài cho các em. Đến ngày 16/3, toàn tỉnh có 134 trường học tổ chức dạy và học trực tiếp, riêng hai huyện Tân Yên và Việt Yên đã triển khai dạy trực tiếp đối với tất cả các trường phổ thông.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)