Đưa cụm công nghiệp về vùng xa trung tâm
Phát huy lợi thế vùng
Trước yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tập trung, những năm gần đây trên địa bàn huyện Lục Nam có nhiều CCN được thành lập. CCN Già Khê, xã Tiên Hưng (nay thuộc thị trấn Đồi Ngô) được thành lập cách đây khoảng 5 năm, có vị trí giáp quốc lộ 31, hiện thu hút 5 dự án sản xuất bao bì, giấy, nhựa. Đáng quan tâm, CCN này có hệ thống xử lý nước thải nên việc kiểm soát chất thải cơ bản bảo đảm theo quy định.
![]() |
Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Thống nhất tại Cụm công nghiệp Vôi - Yên Mỹ (Lạng Giang) chuyên sản xuất các loại cửa. |
Các DN ở đây tạo việc làm cho hàng trăm lao động, chủ yếu là lao động địa phương, thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Anh Phạm Văn C, thị trấn Đồi Ngô, công nhân Công ty TNHH Khải Thần Việt Nam (CCN Già Khê) cho biết, kể từ khi DN đầu tư ở địa phương, anh có việc làm ổn định gần nhà với mức thu nhập khá, không còn phải đi làm ở Hà Nội như trước.
Tương tự, CCN Đồi Ngô ở huyện Lục Nam cũng có 2 DN đang hoạt động trong lĩnh vực may mặc và bông y tế, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Theo ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện, việc thành lập các CCN không chỉ giúp địa phương thu hút được dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm tại chỗ ổn định cho người dân. Đồng thời khắc phục được tình trạng sản xuất phân tán, thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát về môi trường.
Để tiếp tục khai thác lợi thế về giao thông, đất đai rộng, cuối năm ngoái, UBND tỉnh thành lập thêm 2 CCN là: Lan Sơn 2 thuộc xã Lan Mẫu, Yên Sơn với diện tích 75 ha; CCN Tiên Hưng thuộc xã Khám Lạng với diện tích gần 32 ha. Trên cơ sở đó, huyện sẽ xem xét ưu tiên thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, tiêu hao ít nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Như vậy đến nay, huyện có 6 CCN.
Khai thác lợi thế tiếp giáp với hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, giao thông khá thuận lợi, huyện Hiệp Hòa hiện có 9 CCN được quy hoạch, thành lập gồm: Đức Thắng, Đoan Bái, Hợp Thịnh, Hà Thịnh, Thanh Vân, Việt Nhật, Đoan Bái - Lương Phong 1, Đoan Bái - Lương Phong 2, JUTECH. Tại các CCN này có 15 dự án đang hoạt động ở lĩnh vực may xuất khẩu, cơ khí, vật liệu xây dựng, gạch ngói.
Riêng CCN JUTECH thành lập cuối năm 2020 tại xã Hương Lâm có vị trí đấu nối trực tiếp với đường vành đai IV Hà Nội, dự kiến thu hút các nhà đầu tư sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, linh kiện điện tử phục vụ lắp ráp các sản phẩm của Tập đoàn Sam Sung.
Theo ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có 45 CCN được quy hoạch, thành lập, trong đó 30 CCN đang hoạt động chủ yếu ở các huyện: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam. Các CCN này đều tập trung ở khu vực có diện tích đất đai rộng, thuận lợi về giao thông, tiếp giáp với các tỉnh lộ, quốc lộ qua địa bàn… Tổng diện tích đất quy hoạch chi tiết gần 1,2 nghìn ha với 176 dự án đi vào sản xuất, tỷ lệ lấp đầy chiếm 41%.
Tiếp tục quy hoạch và mở rộng
Qua đánh giá của các địa phương, các CCN được hình thành đã thu hút nhiều DN vừa và nhỏ vào sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển KT-XH chung toàn tỉnh. Bình quân suất đầu tư/ha đất công nghiệp thực hiện dự án trong CCN đạt 85 tỷ đồng, tăng cao so với trước đây.
Giá trị sản xuất, thuế và khoản nộp ngân sách của DN tăng đều qua các năm. Bên cạnh đó, các DN thu hút một lượng không nhỏ lao động tại chỗ vào làm việc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, nhất là ở khu vực miền núi, địa bàn xa trung tâm.
![]() |
Cụm công nghiệp Già Khê (Lục Nam) thu hút một số DN đến đầu tư. |
Theo Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn, việc quy hoạch, thành lập các CCN còn đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các làng nghề khi di dời sản xuất ra ngoài khu dân cư. Đây là một trong những vấn đề quan trọng khi phát triển, quy hoạch CCN mà địa phương nào cũng hướng tới.
Đồng thời thu hút được nhà đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thiện từ hệ thống điện, nước, đường giao thông, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung phục vụ nhà đầu tư thứ cấp, qua đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 11/30 CCN đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trong quy hoạch, định hướng của tỉnh, trục kinh tế của tỉnh được xác định theo các tuyến giao thông chính trên địa bàn như quốc lộ 1, quốc lộ 17, quốc lộ 37, đường vành đai IV, đường tỉnh 293... Đây là khu vực có tính kết nối giao thông cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực.
Với định hướng như vậy, CCN của tỉnh được quy hoạch và phân bố về các địa phương xa trung tâm theo hướng cơ bản địa bàn nào cũng có CCN. Tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2030 quy hoạch mới và mở rộng 29 CCN với diện tích hơn 1,4 nghìn ha, tập trung ở các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam, Tân Yên và Lạng Giang.
Hiện toàn tỉnh có 45 CCN được quy hoạch, thành lập, trong đó 30 CCN đang hoạt động, chủ yếu ở các huyện: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam. Các CCN này đều tập trung ở khu vực có đất đai rộng, thuận lợi về giao thông, tiếp giáp tỉnh lộ, quốc lộ qua địa bàn các huyện. |
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu, các huyện chú trọng làm tốt công tác cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thu hút DN đến đầu tư. Đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại với DN, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, trên cơ sở đó chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững.
Dự kiến, suất đầu tư bình quân/ha giai đoạn 2021- 2030 trong CCN toàn tỉnh tăng 10%/năm, đạt 130 tỷ đồng/ha. Về phía tỉnh, chủ trương chung là quan tâm xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Giao thông, điện, nước, dịch vụ vận tải… phục vụ việc mở rộng, phát triển CCN, phấn đấu đến năm 2030 bảo đảm tất cả các CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỉnh hỗ trợ tối đa nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)