Đồng hành trợ giúp pháp luật cho người yếu thế
![]() |
Chị Thân Thị Thúy Vân (bên trái) trao đổi công việc với đồng nghiệp. |
Đến nay, chị Thân Thị Thúy Vân (SN 1984) có 10 năm gắn bó với công việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL) và tham gia tố tụng hơn 200 vụ việc có bị cáo, bị can là người yếu thế, người có công với cách mạng. Ở nhiều hoàn cảnh mà theo chị, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ vụ án, không đi sâu tìm hiểu bản chất, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật thì khó có thể đồng cảm, sẻ chia.
Chị Vân kể cho chúng tôi nghe vụ án “Cướp tài sản” xảy ra năm 2019 do N.V. D (dưới 16 tuổi) gây ra. Nghiên cứu hồ sơ, chị thấy hành vi của D dùng dao đe dọa một học sinh nhằm chiếm đoạt tiền là quá rõ ràng, bị cơ quan tố tụng đề nghị khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù. Không dừng lại ở việc đọc hồ sơ, chị lần theo địa chỉ về nơi ở- một xã vùng sâu vùng xa thuộc huyện Lục Ngạn để tìm gặp D và người nhà với mong muốn hiểu rõ hơn nguyên nhân vụ việc.
Cuối cùng chị biết D phạm tội vì chứng kiến cảnh bố mẹ không còn yêu thương nhau, thiếu quan tâm đến con cái nên đã bỏ bê học hành, lao vào trò chơi điện tử. Do không có tiền nên D đã làm liều đi cướp, còn bản chất là ngoan ngoãn, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Khi được hỏi D vẫn luôn mong mỏi được quay lại trường lớp để học tập, vui chơi với bạn bè.
Hiểu hoàn cảnh, chị Vân quyết tâm làm mọi cách giúp giảm khung hình phạt để D có cơ hội làm lại cuộc đời. Chị đã trực tiếp gặp Ban Giám hiệu nhà trường xin cho em đi học trở lại, đồng thời nhờ nhà trường, chính quyền địa phương, gia đình bị hại viết đơn để D được hưởng án treo.
Quá trình bào chữa, chị không quên nhắc đến nguyên nhân dẫn đến hành vi nông nổi, bột phát và khi gây ra sự việc em đã ăn năn, hối cải, tự nguyện bồi thường. Nhờ sự kiên trì của chị, chiều hướng của vụ án đã thay đổi, D được hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm. Phiên tòa khép lại, chị vẫn giữ liên lạc với D và còn tặng đồ dùng học tập, sách pháp luật, mong em chăm chỉ học hành, sau này là công dân có ích cho xã hội.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các đối tượng trong diện được trợ giúp, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Vân thường xuyên bám bản, bám làng, làm việc ngoài giờ để tìm hiểu thêm các tình tiết mới hoặc tình tiết giúp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng thuận lợi, nhiều lần chị không được người được trợ giúp và người nhà phối hợp, nhưng bằng lương tâm nghề nghiệp, chị kiên trì giải thích, thuyết phục.
Chị giãi bày: “Tôi nghĩ, dù là bất cứ ai khi đã liên quan đến pháp luật, dân sự hay hình sự đều là điều không mong muốn vì hao tâm, tổn sức, tốn kém thời gian, tiền bạc. Nếu có thể làm cho mọi chuyện hài hòa, êm đẹp hơn thì tôi luôn cố gắng”. Như khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho chị T- bị hại trong vụ án “Làm nhục người khác” xảy ra năm 2018.
Chị Vân bày tỏ rõ quan điểm với Hội đồng xét xử chị không hề muốn đề nghị xử lý nghiêm các bị cáo hay trả hồ sơ điều tra bổ sung mà hy vọng qua sự việc, các bị cáo nhìn nhận lại hành vi, thấy rõ hậu quả để đôi bên giải quyết vụ việc theo hướng nhân văn, có lý có tình. Những luận cứ chị nêu đều được trao đổi rõ ràng, khách quan và được bị hại đồng ý.
Về phía các bị cáo khăng khăng cho rằng hành vi của mình không vi phạm pháp luật, không chịu bồi thường. Chị kiên trì phân tích trong đó có việc nếu hòa giải thành thì người được lợi nhất là các bị cáo vì sẽ không có án tích, con cháu có điều kiện thuận lợi để đi học, đi làm sau này. Nhờ sự kiên trì của chị, từ một vụ án căng thẳng đã được hòa giải thành.
Tuy khối lượng công việc ngày một nhiều, tính chất phức tạp, nhưng chị Vân luôn mong muốn ngày càng có nhiều người yếu thế được thụ hưởng các dịch vụ cung cấp pháp lý miễn phí. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh nhận xét: “Đặc thù công việc phải cọ xát với nhiều lĩnh vực của xã hội. Để làm tốt, từng cán bộ trợ giúp viên pháp lý phải thực sự vững về chuyên môn, làm việc công tâm, có lý, có tình và những điều đó đều hội tụ ở đồng chí Thân Thị Thúy Vân".
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)